Phát triển bền vững theo hướng đô thị xanh là xu hướng phát triển đặc biệt thích hợp với các đô thị trung bình và đô thị nhỏ có lợi thế về khí hậu, cảnh quan và địa hình tự nhiên phong phú, đa dạng ở các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có tỉnh Hà Giang. Các đô thị với lợi thế dễ dàng phát triển thành các đô thị du lịch sinh thái, đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc, cho phép khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững, hạn chế xây dựng mà vẫn tạo nguồn lực phát triển đô thị, hạn chế việc khai thác tài nguyên theo kiểu làm gia tăng quỹ đất dành cho xây dựng dẫn đến bê tông hóa bộ mặt đô thị. Đô thị xanh thúc đẩy chuyển dịch mô hình kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả bền vững, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nâng cao năng lực chống chịu, ứng phó với biến đổi khí hậu của hệ thống các đô thị.
Tỉnh Hà Giang xác định quan điểm đô thị hóa là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong tương lai. Bảo đảm kết hợp đồng bộ và hài hòa giữa cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị với phát triển các đô thị mới, đảm bảo kiến trúc đô thị hiện đại, giàu bản sắc. Các yếu tố văn hóa đặc trưng, truyền thống của 19 dân tộc anh em được giữ gìn, phát huy. Phát triển đô thị tại Hà Giang sẽ phải gắn với định hướng, chiến lược của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025; các quy hoạch ngành, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch xây dựng đô thị.
Để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 06-NQ/TW, ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Nghị quyết 23/NQ-TU về phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tỉnh Hà Giang sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp để phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, giàu bản sắc tại Hà Giang, như sau:
Thứ nhất, hoàn thành rà soát, điều chỉnh các định hướng chiến lược về quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị. Nhất quán quan điểm phát triển đô thị xanh, thông minh, giàu bản sắc từ khâu tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch; các quy hoạch phải đảm bảo hài hòa hiệu quả kinh tế - sinh thái, tôn trọng địa hình cảnh quan tự nhiên, thân thiện môi trường; đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ sinh thái trong đô thị với nhiều không gian cây xanh, mặt nước, vành đai xanh và đảm bảo các khu vực chức năng thỏa mãn các tiêu chí về chất lượng môi trường. Xác định vành đai xanh, thiết lập nhằm hạn chế phát triển đô thị tràn lan, khẳng định bản sắc đô thị, vành đai xanh sẽ kết nối trung tâm giữa đô thị và khu vực nông thôn, xem xét đưa tiêu chí xanh vào công tác quy hoạch, thiết kế. Xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật xã hội đô thị như: Cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, rác thải, cung cấp năng lượng, viễn thông, mạng lưới giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao đảm bảo hài hòa tạo không gian xanh đô thị. Các cấp ủy đảng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động khuyến khích cộng đồng xã hội tham gia phát triển đô thị xanh thân thiện với môi trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, bảo vệ môi trường, thu hút các nhà tài trợ, các tổ chức, các nhà đầu tư tham gia xây dựng và phát triển công trình xanh, đô thị xanh.
Thứ hai, lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển các đô thị ở Hà Giang mang tính đặc sắc riêng, phù hợp với giá trị sẵn có về cảnh quan tự nhiên núi rừng và các đặc trưng của từng khu vực, phù hợp với kiến trúc bản địa và phong tục, tập quán của từng địa phương. Bản sắc riêng có của các đô thị sẽ được định hướng và quy định trong các quy hoạch chung xây dựng đô thị và các quy hoạch chi tiết của các dự án, thiết kế công trình và quy chế quản lý kiến trúc đô thị, được công bố công khai để tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và người dân nắm bắt, thực hiện. Bảo tồn, gìn giữ và phát huy những công trình kiến trúc đặc trưng như tường rào đá, nhà trình tường của người Mông, nhà sàn dân tộc Tày, những làng bản truyền thống, các công trình văn hóa, di tích lịch sử, tôn vinh văn hóa dân tộc, tiêu biểu là 04 huyện vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn với nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc; phương án quy hoạch xây dựng phải luôn kết nối hài hòa giữa vùng lõi các đô thị với các vùng ven có địa hình, cảnh quan tự nhiên, các làng bản truyền thống, vừa tạo động lực, thúc đẩy các khu vực ven phát triển, vừa tạo bản sắc riêng cho các đô thị.
Thứ ba, về đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị: Thực tế hiện nay hạ tầng các đô thị của Hà Giang đang còn nhiều yếu kém, chưa đồng bộ vì vậy các cấp ủy cần chỉ đạo tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm để xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng (hạ tầng xã hội và kỹ thuật) các đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, hướng tới tiêu chí đô thị xanh, đô thị văn minh. Sử dụng các yếu tố xanh, tự nhiên và nhân tạo phục vụ hạ tầng đô thị, kết hợp cải thiện về khí hậu và có thể làm giảm khối lượng thoát nước mặt, giảm hiện tượng ngập úng trong đô thị. Ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao thông, điện chiếu sáng, nâng cao tỷ lệ cây xanh trên người dân; ưu tiên ngầm hóa hệ thống điện, thông tin liên lạc; tăng cường công tác phân loại rác tại nguồn, thu gom, xử lý chất thải rắn hiện đại bảo vệ môi trường. Xây dựng, thúc đẩy tiến tới phát triển hạ tầng số đồng bộ tại các đô thị, tích hợp hệ thống đo lường, cảm biến, các hệ thống dữ liệu khai thác hiệu quả các nền tảng và ứng dụng công nghệ số vào các hạ tầng thiết yếu tại đô thị, thông minh trong vận hành, khai thác và quản lý hệ thống hạ tầng đô thị.
Thứ tư, nâng cao năng lực quản lý đô thị: Các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị, đảm bảo quy hoạch, phát triển đô thị có trọng tâm, trọng điểm, có tính khả thi. Đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về chủ trương của Đảng, Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị gắn với xây dựng nông thôn mới. Nâng cao ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về trật tự, kỷ cương trong hoạt động xây dựng, tạo sự đồng thuận, quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện.
Nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Xây dựng bộ máy chính quyền đô thị vững mạnh. Quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn sâu, chất lượng cao có nhận thức đầy đủ về phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, giàu bản sắc, đáp ứng yêu cầu công tác quy hoạch xây dựng, quản lý theo quy hoạch. Phát huy vai trò tham gia phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư và các tổ chức, hội nghề nghiệp đối với quy hoạch xây dựng, chương trình phát triển đô thị. Công bố, công khai các đồ án quy hoạch xây dựng; chương trình phát triển đô thị nhằm phát huy vai trò tham gia quản lý, giám sát của nhân dân đối với các hoạt động xây dựng, phát triển đô thị. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý các vi phạm về quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng, việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở, hạ tầng đô thị.
Thứ năm, thu hút đầu tư, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho phát triển đô thị: Huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, trong đó vốn ngân sách nhà nước tập trung cho công tác lập quy hoạch đô thị, đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược và các dịch vụ thiết yếu; tích cực vận động các nguồn vốn hỗ trợ phát triển (ODA), nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn thu từ việc đấu giá quyền sử dụng đất, nguồn vốn trong các doanh nghiệp và trong nhân dân để đầu tư phát triển đô thị, các trung tâm xã. Ưu tiên đầu tư hạ tầng đô thị.
Nghiên cứu, ban hành các chính sách huy động, tạo nguồn vốn để phát triển đô thị, đồng thời khuyến khích, động viên và tạo mọi điều kiện cho các thành phần kinh tế cùng tham gia phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, giàu bản sắc.
Để các đô thị của các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang phát triển bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tỉnh Hà Giang kiến nghị, đề xuất với Trung ương ưu tiên chỉ đạo hỗ trợ:
Hỗ trợ kinh phí lập quy hoạch cho các tỉnh để triển khai rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch, phủ kín các quy hoạch phân khu, đô thị, đáp ứng nhu cầu công tác quản lý, đầu tư và phát triển đô thị bền vững.
Sớm lập, phê duyệt quy hoạch vùng và quan tâm, dành nguồn lực đầu tư, điều tiết kinh phí từ phát triển quỹ đất để hỗ trợ cho các tỉnh miền núi để đầu tư các công trình hạ tầng kết nối vùng, hạ tầng đô thị đang thiếu đồng bộ, đặc biệt hệ thống giao thông đô thị, cấp, thoát nước, xử lý chất thải, nước thải; hạ tầng thông tin. Tạo điều kiện cho các tỉnh được tiếp cận, tham gia các chương trình, dự án của Trung ương về phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh.
Đề nghị Bộ Xây dựng sớm hoàn thiện và ban hành bộ tiêu chí về đô thị xanh, đô thị thông minh để các địa phương có cơ sở áp dụng thực hiện.
Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Chấp hành TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Hà Giang