Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Thanh Tùng - Vụ phó Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) cho biết: Lọc hóa dầu Nghi Sơn có vai trò quan trọng trong cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước. Trong 4 tháng đầu năm 2023 nhà máy sản xuất hơn 2,2 triệu tấn, trong đó, tháng 4 sản xuất được 670.000 tấn.
Theo khẳng định của nhà máy này, đến nay, nhà máy vận hành vẫn ổn định. Trong tháng 6, quý III và quý IV, nhà máy cũng đã chuẩn bị kế hoạch triển khai vận hành sản suất đảm bảo kế hoạch đã báo cáo với Bộ Công Thương.
Liên quan đến vấn đề khó khăn tài chính của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, tháng 4 Bộ Công Thương đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan của đơn vị này. Bộ Công Thương khẳng định, vấn đề tái cấu trúc và tài chính là vấn đề nội tại của Nghi Sơn và các bên liên quan góp vốn (gồm doanh nghiệp của Việt Nam, Nhật Bản và Kuwait) trong liên doanh.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương bày tỏ quan điểm “Nghi Sơn phải chủ động khắc phục khó khăn vướng mắc và đảm bảo đầy đủ sản lượng đã cam kết cho thị trường”.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết thêm, Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam chỉ chiếm 25,1% vốn nên “tiếng nói chỉ ở mức độ nào đó”, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý ngành, chỉ tham gia theo đúng các thoả thuận của các bên đã có cam kết.
Tuy nhiên, ông Hải chia sẻ, cần phải xác định, trong vấn đề giải quyết nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn “khó nhất là nhà máy này chiếm 40% thị phần nhưng chúng ta không có quyền quyết; Nhà máy lại không có sự ổn định trong khi chúng ta phải cam kết ưu tiên tiêu thụ cho nhà máy này”.
Do đó, Bộ Công Thương đã đang và sẽ bám sát tình hình nhà máy hàng ngày hàng giờ để chuẩn bị tinh thần, nếu nhà máy gặp vấn đề trong sản xuất cung ứng xăng dầu cho thị trường thì Bộ kịp thời giao các doanh nghiệp đầu mối để kịp nhập khẩu trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường thế giới.
“Về tinh thần, lãnh đạo Bộ, các Cục, Vụ liên quan đều quyết liệt bám sát tình hình nhà máy để đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước” - thứ trưởng Hải khẳng định.