* Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật giai đoạn 2015 – 2020 tại Bộ, ngành Tư pháp?
- Vụ trưởng Nguyễn Hồng Tuyến: Có thể nói, thời gian qua, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật ở Bộ, ngành Tư pháp đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Giai đoạn 2015 – 2020 là giai đoạn Bộ, ngành Tư pháp đã ghi được dấu ấn, góp phần quan trọng vào việc thể chế hóa các định hướng đề ra trong Nghị quyết số 48-NQ/TW, Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị.
Vụ trưởng Nguyễn Hồng Tuyến. |
Từ năm 2015 đến nay, riêng Bộ Tư pháp đã đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và chủ trì soạn thảo, tham mưu giúp Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 08 luật, 01 nghị quyết¬, nhằm thể chế hóa nhiều nội dung, định hướng đã được xác định tại Nghị quyết số 48-NQ/TW về một số lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp như công chứng, luật sư, giám định tư pháp, trợ giúp pháp lý, thừa phát lại…
Tổ chức bộ máy của Bộ, ngành Tư pháp đã được kiện toàn theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, hoạt động năng động, hiệu quả, chú trọng xây dựng đội ngũ công chức làm công tác xây dựng pháp luật. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng; năng lực chuyên môn, tính chuyên nghiệp được nâng cao; nhiều chức danh tư pháp trong lĩnh vực hành chính, bổ trợ tư pháp đã được chuẩn hóa.
Hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp ngày càng được mở rộng, từng bước đi vào chiều sâu, phục vụ thiết thực hơn cho công cuộc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật. |
Để đổi mới quy trình về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đã tham mưu giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL năm 2020, trong đó quy định giảm hình thức ban hành VB, hiện đại hóa quy trình xây dựng và ban hành VB.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã tham mưu, giúp Chính phủ trong việc lập, tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, theo dõi việc ban hành VB quy định chi tiết luật, pháp lệnh; thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác thẩm định. Đặc biệt, trong giai đoạn 2015 - 2020, Bộ đã ưu tiên bố trí nhân lực, nguồn lực đảm bảo thẩm định đối với các dự thảo VBQPPL liên quan đến hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và cải cách bộ máy nhà nước trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, các dự thảo VB quy định điều kiện đầu tư kinh doanh nhằm góp phần loại bỏ những rào cản về điều kiện kinh doanh và tiếp cận các nguồn lực.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp còn tham mưu giúp Chính phủ tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 83-KL/TW về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị, Bộ Tư pháp tiếp tục tham mưu, giúp Chính phủ xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 83-KL/TW.
* Giai đoạn 2020 - 2025, Bộ, ngành Tư pháp đưa ra những định hướng nào trong công tác này, thưa ông?
- - Vụ trưởng Nguyễn Hồng Tuyến: Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả công tác này trong tình hình mới thì thời gian tới cần phải:
Một buổi họp chỉnh lý dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. |
Thứ nhất, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật và công tác tổ chức thi hành pháp luật.
Thứ hai, xác định rõ lĩnh vực cần ưu tiên hoàn thiện hệ thống pháp luật, tập trung vào thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, những nội dung đã được đề ra trong Nghị quyết số 48 và các văn kiện của Đảng nhưng chưa được thể chế hóa và những vấn đề mới nảy sinh do thực tiễn yêu cầu. Trong đó, cần chú trọng hoàn thiện thể chế về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo; thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013.
Thứ ba, củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế, tổ chức làm công tác pháp luật, nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp luật ở các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Thứ tư, đẩy mạnh nghiên cứu lý luận về pháp luật gắn với thực tiễn thi hành pháp luật và đổi mới tư duy pháp lý phù hợp với yêu cầu xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong tình hình mới.
Thứ năm, chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tổ chức thi hành pháp luật.
Thứ sáu, nghiên cứu, xây dựng trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp XHCN, trong đó có nội dung về Chiến lược pháp luật Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
* Xin cảm ơn ông!