Trước đó, vào khoảng đầu năm 2019, phóng viên PLVN là một trong những người đầu tiên bí mật thâm nhập khu vực rừng biên giới Việt - Lào thuộc địa phận xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) để ghi nhận nạn lâm tặc tung hoành, tàn phá rừng gỗ mun quý hiếm. Đây là khu vực rừng thuộc vùng lõi, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Phong Nha – Kẻ Bàng.
Từ thực tế trên, PLVN đã liên tục thông tin về vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng này. Loạt bài đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc. Dư luận xót xa trước việc rừng nguyên sinh trong vùng lõi của Di sản thiên nhiên thế giới bị lâm tặc tàn phá không thương tiếc và đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm của các lực lượng bảo vệ rừng, cũng như các dấu hiệu tiếp tay cho lâm tặc.
Phóng viên PLVN bí mật thâm nhập để ghi nhận hiện trường vụ phá rừng nghiêm trọng này. |
Cả trăm khối gỗ quý bị mất
Theo hồ sơ vụ án, đầu năm 2018, Mai Văn Dinh (SN 1970, trú tại bản Cóc, xã Thượng Trạch) gặp Lê Văn Trung (SN 1981, ở thôn Hà Lời, thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch). Trung thỏa thuận sẽ khai thác gỗ mun trái phép cho Dinh với giá 28 triệu đồng/m3 loại 1 và 25 triệu đồng/m3 loại 2.
Thống nhất xong, Trung về địa phương tề tựu các sơn tràng để bàn bạc. Và bằng sự hỗ trợ về lương thực, thực phẩm cũng như phương tiện từ Dinh, Trung dẫn đầu đoàn lâm tặc vào khu vực rừng Khe Sã gần cột mốc 537 trên biên giới Việt – Lào, thuộc các tiểu khu 649, 650 của VQG Phong Nha – Kẻ Bàng để khai thác gỗ lậu.
Đoàn lâm tặc tổ chức theo ba đợt khai thác. Đợt 1 vào khoảng tháng 7/2018, Trung đã cùng Trần Văn Hoan, Mai Kiên Cường, Nguyễn Văn Hùng, Trần Đức Dũng, Trần Xuân Vương, Trần Phúc An, Nguyễn Xuân Hồng, Thái Văn Lợi, Hoàng Văn Thiết, Trần Đức Bắc tàn sát 8 cây gỗ mun sọc với khối lượng gần 8,7m3 và 4 cây gỗ khác (gần 1,8m3) tại tiểu khu 650. Gỗ sau khi cưa xẻ thành từng phác sẽ được gùi đến tập kết trên đường biên giới.
Đối tượng chủ mưu vụ phá rừng gỗ mun Mai Văn Dinh. |
Đợt thứ 2, đoàn lâm tặc này chia làm hai lần khai thác. Lần 1 vào khoảng tháng 10/2018, cũng tại tiểu khu 650, Trung cùng Hoan, Cường, Hùng, Dũng, An, Thiết, Bắc, có thêm sự tham gia của Hoàng Văn Hương và Nguyễn Trọng Tài tiếp tục khai thác trái phép 5 cây mun sọc (hơn 6,5m3) và 11 cây gỗ khác (hơn 11,2m3). Trong lần này, Trung không may bị thương tích do gây gỗ gãy đổ đạp vào người nên tất cả ngừng lại để đưa Trung về nhà.
Lần 2 vào tháng 11/2018 cũng tại tiểu khu 650. Lúc này Trung bị thương nên ở nhà chưa bệnh. Các đối tượng khác gồm: Hoan, Cường, Hùng, Dũng, An, Thiết, Bắc, Vương, Hương và có thêm sự tham gia của Mai Văn Bình, Nguyễn Văn Hương đã đốn hạ 13 cây mun sọc (gần 15,3m3) cùng 4 cây khác (hơn 14,5m3).
Đợt cuối cùng vào tháng 1/2019 tại tiểu khu 649. Lê Văn Trung đã trở lại cùng sự tiếp tay từ Hoan, Cường, Hùng, Dũng, Thiết, Bắc, Vương, Bình và có Hoàng Văn Hải, Mai Văn Đông cùng tham gia để triệt hạ, khai thác trái phép 19 cây mun sọc, (gần 30m3) và 8 cây khác (hơn 13,3m3).
Như vậy, tính cả 3 đợt với 4 lần ồ ạt vào rừng khai thác trái phép gỗ quý trong Vườn Di sản Phong Nha từ tháng 7/2018 - 1/2019, nhóm lâm tặc do Lê Văn Trung cầm đầu đã đốn hạ 72 cây gỗ các loại với khối lượng hơn 101m3. Trong đó, có 45 cây gỗ mun sọc đặc biệt quý hiếm với khối lượng hơn 60,2m3.
Nhận tiền chung chi 10 triệu/tháng?
Tại phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo khai nhận sau mỗi đợt khai thác, gỗ sẽ được vận chuyển ra đường biên giới để tiến hành đo đếm rồi giao cho Mai Văn Dinh. Sau đó, Dinh cùng Trần Văn Viên sẽ dùng ô tô chuyển gỗ đi cất giấu tại điểm gần cột mốc biên giới 537. Tổng số tiền Dinh giao cho Trung là 550 triệu đồng. Trung đã tính toán trừ hết chi phí rồi chia đều lại cho những đối tượng cùng tham giá phá rừng theo công cán.
Hiện trường 1 bãi khai thác gỗ mun trong Vườn Di sản Phong Nha. |
Trong vụ án này, xét hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” có bị cáo Nguyễn Hoài Nam - nguyên Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Thượng Trạch, đơn vị trực thuộc Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng.
Theo cáo trạng, Nam dù với nhiệm vụ bảo vệ vùng rừng này theo phân công nhưng trong năm 2018, không xây dựng kế hoạch và không tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra tại nơi xảy ra vụ phá rừng. Đến ngày 17/1/2019, kiểm lâm viên cấp dưới của Nam là Cao Văn Minh phát hiện dấu hiệu rừng bị khai thác đã báo cáo cho Hoài nhưng Nam lại không hề báo cáo lên cấp trên. Bởi vậy, đã không có biện pháp ngăn chặn, xử lý nào được đưa ra nên lâm tặc đã có cơ hội khai thác, mua bán gỗ quý gây thiệt hại cho Nhà nước với số tiền hơn 2,52 tỷ đồng.
Vai trò quan trọng trong vụ này còn có Nguyễn Hữu Trung - nguyên Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cồn Roàng – đơn vị quản lý khu vực khai thác gỗ trái phép. Theo lời khai của Dinh, bị cáo này đã thống nhất và “chung chi” với người này mỗi tháng 10 triệu đồng để được “ngó lơ” cho lâm tặc vào rừng cưa gỗ. Tổng cộng số tiền Dinh đã đưa cho Trung là 110 triệu đồng.
Do Trung là sĩ quan trong Bộ đội Biên phòng (BĐBP) nên cơ quan cảnh sát điều tra đã chuyển toàn bộ tài liệu liên quan cho Phòng điều tra Hình sự - Bộ Tư lệnh BĐBP tiếp tục xác minh, xử lý.
Hiện trường 1 bãi khai thác gỗ mun. |
Một đối tượng khác là Trần Đức Bắc tham gia cả 3 đợt phá rừng. Tuy nhiên, do Bắc bị câm điếc nặng bẩm sinh, thiếu khả năng nhận thức, điều khiển hành vi, không am hiểu pháp luật nên HĐXX không xem xét trách nhiệm hình sự.
Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt: Mai Văn Dinh, Lê Văn Trung và Mai Kiên Cường cùng mức án 4 năm tù giam; Trần Văn Viên 3 năm 3 tháng tù; Trần Văn Hoan và Nguyễn Văn Hùng cùng mức 3 năm 6 tháng tù; Trần Đức Dũng 2 năm 6 tháng tù; Trần Xuân Vương 3 năm tù, Mai Văn Bình 2 năm 9 tháng tù; Trần Phúc An 2 năm 6 tháng tù; Hoàng Văn Hải 2 năm 3 tháng tù; Mai Văn Đông 2 năm 4 tháng tù; Hoàng Văn Hương 2 năm tù; Nguyễn Văn Hương 1 năm 9 tháng tù; Nguyễn Xuân Hồng và Thái Văn Lợi cùng mức 18 tháng tù treo; Nguyễn Trọng Tài 12 tháng tù treo; Nguyễn Hoài Nam 2 năm 6 tháng tù treo.
Ngoài ra, HĐXX còn tuyên buộc các bị cáo Mai Văn Dinh, Lê Văn Trung, Trần Văn Viên, Trần Văn Hoan, Mai Kiên Cường, Nguyễn Văn Hùng, Trần Đức Dũng và Nguyễn Hoài Nam liên đới bồi thường cho Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng số tiền hơn 2,52 tỷ đồng thiệt hại do vụ phá rừng này gây ra.