Nếu trước kia, vô sinh chủ yếu xảy ra ở những vợ chồng lớn tuổi thì hiện nay, xu hướng trẻ hóa là phổ biến, khoảng 50% cặp vợ chồng vô sinh có độ tuổi dưới 30. Điều đáng nói, rào cản con đường con cái của những cặp vợ chồng này là… chính họ.
Phần lớn người đến khám ở khoa hiếm muộn là phụ nữ |
May mắn thì có con, vô sinh do ý chúa
Lương Thị Q. công tác tại trường ĐH Bách khoa, cô kết hôn năm 42 tuổi và 2 năm sau tin vui làm mẹ vẫn chưa đến. Bạn bè khuyên cô đi khám vô sinh, nhưng bản thân cô thì không nghĩ vậy, “chưa đẻ lần nào không thể vô sinh, chắc vẫn chưa “thông suốt” hết thôi”. Phải đến 4 năm sau kết hôn, hai vợ chồng mới dẫn nhau đến khoa hiếm muộn ở bệnh viện phụ sản khám.
Kết quả cho thấy, “máy móc” của Q. không trục trặc nhưng vì ở cái tuổi trên 40 nên cơ hội mang thai của cô rất mỏng manh. Hơn nữa, chồng Q. lại hơi dư cân nên cũng ảnh hưởng nhiều.
Tại khoa hiếm muộn, Q. gặp rất nhiều người phụ nữ có hoàn cảnh giống cô, và sau khi được bác sĩ phân tích họ đều hiểu ra rằng việc có con hay không, không phải là số phận mà rất nhiều trường hợp phụ thuộc vào sự hiểu biết của bản thân.
Năm 2012, một nghiên cứu về nhận thức hiếm muộn có tên “Khởi đầu từ các gia đình châu Á” do công ty Merck Serono của Đức thực hiện trên 1.000 phụ nữ châu Á tại 10 quốc gia, trong đó có Việt Nam đã cho thấy lỗ hổng về kiến thức sinh sản là một trong những nguyên nhân gây vô sinh.
Có từ 50%- 75% phụ nữ không biết rằng ở tuổi 40, phụ nữ có ít cơ hội mang thai hơn ở tuổi 30, hay béo phì có thể làm giảm khả năng sinh sản.
Hơn 50% phụ nữ trong khảo sát không biết rằng các cặp vợ chồng được xem là vô sinh nếu họ không có thai sau 1 năm.
25% phụ nữ tin rằng vô sinh là do… "ý Chúa" và 44% cho rằng có con là do… "may mắn" (?!).
Kinh nguyệt là một trong những thành tố quyết định sự sinh sản của phụ nữ nhưng 60% phụ nữ được hỏi không biết rằng người phụ nữ nếu không có kinh nguyệt thì không có khả năng sinh sản.
“Bóng ma” của định kiến giới
Không chỉ là nguyên nhân gây mất cân bằng giới tính khi sinh, “bóng ma” định kiến giới còn góp phần gây… vô sinh cho những gia đình. Nghe có vẻ khó tin nhưng sự thực đúng là như vậy.
Tại khoa hiếm muộn ở các bệnh viện Hà Nội, có thể thấy tỷ lệ phụ nữ đi khám nhiều hơn nam giới rất nhiều. Chị Nguyễn Thị Thêu ở Đan Phượng đang xếp hàng đợi khám ở Bệnh viện Phụ sản trung ương bùi ngùi cho biết: “Em lấy chồng được 3 năm rồi, chồng em khỏe mạnh, chắc là do em thôi”.
Đây là một thực tế đã được nghiên cứu trên nhắc đến khi công bố nhận định: nhiều phụ nữ được hỏi thậm chí không tin rằng chồng của họ có thể có vấn đề về sinh sản, đa phần vẫn cho rằng nguyên nhân vô sinh tất cả là do mình.
Theo PGS. BS Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc BV Phụ sản trung ương, Thứ trưởng Bộ Y tế, sự thiếu kiến thức về hiếm muộn ở phụ nữ còn thể hiện ở chỗ họ không nắm về vấn đề sinh sản nam giới, 45% không biết rằng một người đàn ông có thể vô sinh ngay cả khi họ có thể cương cứng và 56% không nhận ra rằng người đàn ông có thể bị vô sinh dù vẫn sản xuất tinh trùng.
Chưa hết, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng rất nhiều phụ nữ có gia đình bị vô sinh do phá thai. Lý do bởi họ cho rằng việc có con trong gia đình do người chồng quyết định là chính. Thế nên khi vô tình có thai, có thai chưa đúng như kế hoạch thì người vợ sẽ đi phá.
Kết
Trong số các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn thì tỉ lệ vô sinh ở nam giới chiếm 40%, nữ giới chiếm 40% và 20% còn lại do cả hai. Ở các thành thị, tỷ lệ vô sinh có xu hướng tăng cao hơn. Tại Hà Nội, có 13% số cặp vợ chồng vô sinh. Riêng tại BV Phụ sản Trung ương, mỗi năm điều trị từ 2.500 - 3.000 lượt vô sinh, đứng đầu các trung tâm điều trị hiếm muộn cả nước.
Rõ ràng rằng với những lý do trên đây, rất nhiều cặp vợ chồng đang phải đối mặt với vô sinh do sự thiếu hiểu biết từ chính họ. Tuy nhiên, thay đổi được nhận thức này cho các cặp vợ chồng là không dễ. Bởi nguyên nhân gốc rễ lại chính là những vấn đề xã hội: mặt bằng dân trí chưa cao và bất bình đẳng giới.
Lan Anh