Về xã Trạch Thắng dự đám hỏi vợ thằng Phốc xong, tôi tranh thủ ghé thăm Phong. Phong là bạn thò lò mũi xanh lúc còn mẫu giáo nhà quê xã Trạch Thắng. Nay lên trung niên, đã gia đình vợ con hẳn hoi nhưng anh lại mặc áo lam, cạo đầu cho mát và hành nghề bói toán tại gia.
Ảnh minh họa |
Khách đến xem bói khá đông. Phạm vi làm ăn lan rộng cả tỉnh. Phong sở hữu một ánh mắt lạ kỳ. Một thứ ánh mắt lạnh buốt và sắc như dao cạo. Khi anh nhìn ai, ánh mắt ấy dường như xuyên qua da thịt người ta ngọt xớt và cố thủ lại đấy mà không chịu ra. Đó là loại ánh mắt của người làm chủ tình thế và đang moi tình thế. Loại ánh mắt buộc người ta phải bỏ tiền ra để làm một cái gì đấy có lợi cho Phong thì mới thoát khỏi cực hình.
Thoáng thấy tôi cưỡi xe máy vào cổng, Phong lật đật nai nịt quần áo, bật máy lửa đốt liền một cây hương cảm tạ, cắm ngay vào bình bát thờ ông Địa và thần Tài.
“Xin mời quí khách an tọa chờ quả nhân một chút – Vừa nói vọng ra, Phong vừa vái vái Thần Tài. Lúc quay ra, đột ngột anh tròn mắt, giơ hai tay lên trời – Quỷ ơi, té ra Cao huynh. Vậy mà cứ tưởng khách “xịn” tới xem bói? Nương cơn gió dữ nào, huynh chao cánh mỏng về đây?”
“Gió máy gì? Cánh cổ gì? Nhân dự đám hỏi vợ cho thằng Phốc, thuận đường tạt vào thăm Phong đệ” - Tôi vừa nói vừa kéo ghế ngồi xuống. Mắt ngó quanh quất khắp nhà. Nào bàn chữ U gỗ hương, nào hoành, trướng, liễn, đối… rối mắt. Nào computer, TV màn hình phẳng, nào tủ chén xưa, tủ lạnh, máy giặt, xe máy đời mới lấp ló phía sau cửa hông… Tôi gật gật đầu, nói tiếp: “Nhà quê mà hoành tráng quá nhỉ. Phong hiền đệ nay quả là…”.
Phong mở tủ lạnh, đem ra hai lon bia Tiger và xâu Nem chua đặt lên bàn:
“Quả là… gì?”
“Là… quê hương ưu ái”
Phong nghe vậy, cười toáng lên, kéo khuy lon bia Tiger kêu “xoẹt”, nghê nga chất giọng thầy cúng đất, nửa thơ, nửa sớ nghe rất liêu trai:
“Quê hương ưu ái ư? Ôi, sương khói lắm thay/ Cao huynh nói sao?.../ Quê hương à? Quê hương chừng vẫn vậy/ Vẫn tiếng gà thao thức gáy tàn đêm/ Chỉ tội nghiệp những con đường khắp xóm/ Dấu chân nào cũng… dấu chân trâu”.
“Là sao? Tôi không hiểu?” – Tôi hỏi.
“Không hiểu lại càng tốt. Mời Cao huynh làm cạn lon bia này. Hưởng thụ bao giờ cũng lợi sức khoẻ hơn là suy nghĩ. Cho dù đó là suy nghĩ về sức khoẻ.” – Phong chạm lon.
“Phong đệ làm “quỷ cốc tiên sinh” giỏi thật. Thời đại khoa học kỹ thuật mà lại “phát đạt” môn này, kể cũng lạ nhỉ?” - Tôi vừa gỡ lá gói nem, vừa nói.
Phong bói toán lại cười sang sảng:
“Không giỏi và… cũng không gì lạ. Tiểu đệ lơ mơ hiểu rằng: Sự “khoa học” tiến đến đâu…Sự “mê tín” tiến ngay đến đó. Tiến sát nút. Có vậy thôi. Ngày và đêm luôn quấn quít không rời. Giỏi gì đâu? Nào, mời Cao huynh làm cạn để chúc sức khỏe và thay lon mới”.
Chúng tôi chạm lon. Tôi hỏi:
“Phong đệ tin vào coi bói không?”
Phong cười ngất:
“Không tin thì làm sao hành nghề? Ở đời quan trọng là “tin” chớ không phải là “biết”. Có một điều hiển nhiên là… Khi đã “biết” thì không cần “tin” nữa. Nhưng khi “không biết” thì người ta cần phải “tin” để “biết”. Thế mới biết rằng “tin” quan trọng hơn “biết”.
Tôi cười:
“Nhưng cái “tin” ấy có đúng hay không?”
Phong thất vọng giơ hai tay lên trời:
“Không đúng thì “tin” chi? Buộc nó phải đúng. Nếu nó không đúng là do các thế lực vô hình phá”.
Nghe thế, tôi cười ngất. Lúc này, từ ngoài cổng có một người cỡi xe máy vào. Phong lại lật đật đứng dậy, lại đốt một cây hương cảm tạ nữa, cắm vào bình bát cúng ông Địa và thần Tài. Tôi nhìn thấy bình bát cắm hương, đầy ắp những chân nhang.
Phong chìa bàn tay chỉ xuống ghế trống, nói với ông khách:
“Mời tôn huynh an tọa”.
“Dạ” - Ông khách gật đầu chào Phong, chào tôi, ông rón rén kéo ghế ngồi – Thưa Thầy, tôi đã chuẩn bị lễ vật chu đáo như lời dặn. Kính mời Thầy đến cúng”.
“Hôm nay à? – Phong nhìn ông khách. Lập tức ông ta quay mặt chỗ khác trước ánh nhìn dữ dội của Phong. Ông ta không chịu đựng nổi ánh nhìn ấy. Phong nói tiếp - Ồ, thế thì nửa tiếng nữa, tôi đến. Thế nhé. Phải xem xong vị khách trên tỉnh này đã - Phong chỉ tay vào tôi, nói tiếp giọng sang sảng – Phải tính toán ngày giờ vũ trụ di chuyển, đối chiếu thiên văn địa lý tạo hóa cho trùng khớp chặt chẽ với tuổi tác và ý đồ con người. Vị này dự định tiến hành khởi công xây khách sạn Metropole 5 sao ngay trung tâm thành phố mình…”
“Dạ” –Ông khách đứng dậy, chắp tay vái vái – “Vậy tôi xin phép ra về. Thầy nhớ đến nhé. Chào Thầy. Chào Ngài”.
Khi nhìn tôi, thần sắc ông khách có vẻ thán phục đến hoảng loạn. Ông khách đi rồi, tôi hỏi:
“Lão ta mời đệ cúng gì vậy?”
Phong lấy thêm hai lon bia nữa:
“Cúng Chuột. Chuột đang phá một hecta mía của lão”
“Cúng Chuột?”
“Phải cúng cho chúng đi chỗ khác chơi” – Phong trả lời khẳng định. Giọng vô cùng dứt khoát.
Nghe thế, tôi giật mình. Tôi giật mình vì tôi chớ không phải vì Phong. Lý do sự giật mình đại khái như sau: Đó là vừa rồi Phong dựng chuyện tôi đang dự tính xây khách sạn Metropole 5 sao ngay tại thành phố và đến đây coi ngày giờ khởi công. Ông khách lạ nhà quê nghe thế liền thán phục đến hoảng loạn. Việc này hoàn toàn láo. Vậy tại sao tôi nín thinh và không đính chính. Tại sao tôi mặc nhiên chấp nhận một chuyện cực kỳ láo toét như thế? Chưa tự trả lời được, tôi để câu hỏi nằm yên đấy. Trở lại hiện thực, tôi hỏi:
“Phong đệ cúng chuột đã nhiều lần chưa? Hiệu nghiệm không?”
“Hầu như ai có trồng mía, đều phải “thỉnh” tôi cúng chuột. Mà họ “thỉnh” mãi, như thế đủ biết là tôi cúng rất hiệu nghiệm. Mời Cao huynh uống cạn” – Phong lại cụng lon Tiger. Làm một hơi bia xong, tôi hỏi:
“Phong đệ học ai mà giỏi vậy?”
Phong trả lời tỉnh bơ:
“Một ông đại Tiên trên trời mật truyền. Có nói rõ, Cao huynh cũng không biết được”.
Đột ngột, một nỗi chán chường dâng lên ngùn ngụt trong người tôi. Phong hiền đệ nay như thế này ư? Tuy kinh tế tài chánh khá ra đấy, sẽ giàu đấy, nhưng cứ nói láo mãi có ngày sẽ khốn. Lúc này, tôi muốn về nhà nằm nghỉ cho khỏe. Tôi đứng dậy xin phép ra về. Phong nói ngay:
“Tốt quá. Hôm khác nhé. Chúc Cao huynh sức khỏe. Tôi cũng đi đây”.
Tôi ra về, lòng trống trơn, trống trơn… vì vô nghĩa chất đầy.