Mục tiêu năm 2025 là tỉnh công nghiệp phát triển
Phát biểu tại Hội nghị "Xúc tiến thu hút NĐT chiến lược Việt Nam - Nhật Bản đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc năm 2023" do UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức chiều 8/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang cho biết, tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước.
“Vì vậy, tỉnh Vĩnh Phúc rất cần thu hút các NĐT chiến lược, các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng cao, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh…” - ông Vũ Chí Giang nhấn mạnh
Cũng theo lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, sau 26 năm tái lập tỉnh, công tác thu hút đầu tư của tỉnh đã có những điểm sáng ấn tượng tạo nguồn lực thúc đẩy sự phát triển KT-XH địa phương một cách vượt bậc. Nếu năm 1998, trên địa bàn tỉnh chỉ thu hút được 8 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 1 dự án có vốn đầu tư trong nước (DDI), thì đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 1.270 dự án, trong đó 445 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 7,55 tỷ USD và 825 dự án DDI với tổng vốn đầu tư hơn 121 nghìn tỷ đồng.
Hiện nay có 20 quốc gia/vùng lãnh thổ có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó có 58 dự án đầu tư của NĐT Nhật Bản với số vốn đăng ký hơn 1,6 tỷ USD, đứng thứ 2 về tổng vốn đăng ký sau Hàn Quốc. Các NĐT Nhật Bản tại Vĩnh Phúc đầu tư tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: công nghiệp cơ khí, ô tô, xe máy, thiết bị điện tử, hạ tầng khu công nghiệp, đóng góp tích cực cho ngân sách của tỉnh, chiếm 88% trên tổng giá trị nộp ngân sách của các DN FDI trên địa bàn tỉnh.
“Những kết quả trên thể hiện sự tin cậy của các NĐT đối với môi trường và cơ hội đầu tư ở Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, với yêu cầu, xu hướng phát triển của cả nước, hoạt động thu hút đầu tư cần phải có trọng tâm, trọng điểm để tạo nên sự đột phá. Bên cạnh việc xác định ngành nghề, lĩnh vực thu hút đầu tư mũi nhọn, việc xác định đối tượng ưu tiên thu hút đầu tư cũng cực kì quan trọng. Vĩnh Phúc hay bất kỳ một địa phương nào muốn đẩy mạnh phát triển KT-XH một cách bền vững thì việc thu hút các dự án lớn, các NĐT chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia là giải pháp và chiến lược hàng đầu…” - Phó Chủ tịch Vũ Chí Giang phát biểu.
Dọn tổ đón thêm “đại bàng”
Lý giải mục tiêu thu hút NĐT chiến lược, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng NĐT chiến lược - các “đại bàng” với sức mạnh về tài chính, công nghệ, thị trường rộng lớn, sức ảnh hưởng mạnh mẽ sẽ thúc đẩy sự phát triển của nền KT-XH, là yếu tố then chốt định vị vị trí của tỉnh trong cả nước và trên thế giới.
“Vĩnh Phúc đã và đang có những “đại bàng” trong lĩnh vực điện tử, ô tô, xe máy và gần đây là nông nghiệp công nghệ cao. Vai trò to lớn của những “đại bàng” này đã được chứng minh qua thực tiễn phát triển của Vĩnh Phúc. Trong những giai đoạn phát triển tiếp theo, tỉnh cần phải tiếp tục tạo niềm tin để có được sự gắn bó của họ và huy động thu hút thêm nhiều “đại bàng” - NĐT chiến lược mới vào đầu tư…” - ông Vũ Chí Giang nói.
Ông Giang cũng cho biết, để làm được điều đó, tỉnh cần có những cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp và hiệu quả nhằm xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp, hiện thực hóa mục tiêu tạo bước đột phá trong xúc tiến, thu hút đầu tư.
Lãnh đạo tĩnh Vĩnh Phúc cũng cam kết sẽ áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư cho các DN theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư riêng của tỉnh và sẽ tiếp tục xây dựng các bộ chính sách nhằm đa dạng các lĩnh vực đầu tư, tăng khả năng tiếp cận hỗ trợ đầu tư đối với các DN, NĐT trên địa bàn tỉnh…
Đặc biệt, Vĩnh Phúc cũng cam kết hỗ trợ DN tiếp cận đất đai với thời gian nhanh nhất theo quy định của pháp luật. Chuẩn bị sẵn quỹ đất, cũng như quyết liệt trong chỉ đạo giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất để sẵn sàng đón nhận các dự án đầu tư; Hỗ trợ giải quyết những vấn đề về lao động cho DN; Đầu tư hạ tầng tới chân hàng rào khu, cụm công nghiệp, khu du lịch..; Thực hiện giải quyết nhanh các thủ tục hành chính về đầu tư, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính; Quyết liệt trong chỉ đạo điều hành tháo gỡ khó khăn kịp thời cho DN, thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo môi trường đầu tư an toàn.