[links()] "Mặc dù đã bị Bộ GTVT rút phép bay, đến nay cọc nợ của Indochina Airlines tại Vinapco đã lên tới 30 tỷ đồng và việc đòi nợ vẫn dẫm chân tại chỗ", ông Trần Hữu Phúc, Tổng Giám đốc Công ty Xăng dầu Hàng không Việt Nam (Vinapco) cho biết.
Liên quan đến khoản tiền 23 tỷ đồng mà ông chủ của hãng hàng không Indochina Airlines là nhạc sỹ Hà Dũng còn nợ vì mua nhiên liệu trước khi ngừng bay, Vinapco cho biết vấn đề đang trong tình hình “ngàn cân treo sợi tóc”.
Trong khi đó, từ đầu tháng 12/2011, Indochina Airlines đã chính thức bị Bộ Giao thông Vận tải rút toàn bộ giấy phép do không có tín hiệu đủ năng lực bay trở lại, vì vậy nếu tính cả lãi thì công nợ với Vinapco rơi vào khoảng 30 tỷ đồng.
“Vinapco đã khởi kiện ra toà án từ lâu, tòa án kinh tế Hà Nội cũng đã gọi đại diện Indochina Airlines nhiều lần nhưng không được, vì thế hồ sơ khiếu kiện được chuyển vào TP.HCM - nơi ông Hà Hùng Dũng cư trú, nhưng tới nay việc giải quyết vẫn chưa đi tới đâu” - ông Phúc cho biết.
Ảnh minh họa. |
Có ý kiến cho rằng, khi Indochina Airlines mắc nợ Vinapco buộc công ty này phải ngừng bán nhiên liệu, tuy nhiên vào thời điểm đó 2 Bộ Tài chính và Giao thông Vận tải liên tục có văn bản yêu cầu Vinapco bơm xăng cho Indochina Airlines nếu không sẽ bị khép vào tội vi phạm luật cạnh tranh. Tuy nhiên, đến nay nợ nần vẫn chồng chất và Indochina Airlines không còn khả năng để thanh toán thì Vinapco có nên quay sang kiện ngược trở lại 2 Bộ nói trên để đòi tiền thì ông Phúc cho biết phải kiện người nợ, còn cơ quan quan lý Nhà nước chỉ đạo như thế vì sự ổn định xã hội.
Một vấn đề khác hiện được dư luận đặc biệt quan tâm là quy trình quản lý nhiên liệu, trong đó có nhiên liệu bay. Theo ông Phúc: "Trong năm 2011, Vinapco đã sa thải 15 nhân viên do vi phạm kỷ luật vận chuyển nhiên liệu cho máy bay, trong đó chủ yếu là nhân viên lái xe có hành vi rút trộm nhiên liệu bán ra ngoài thị trường trong quá trình vận chuyển từ cảng đến các sân bay.
“Ở nước ngoài họ bơm nhiên liệu trực tiếp ra sân bay nên có thể bảo toàn được sản lượng, còn ở Việt Nam quy trình vận chuyển vẫn khá thủ công bằng được bộ nên khó kiểm soát hơn. Về giải pháp chống thất thoát nhiên liệu chúng tôi đang tìm cách chuyển sang vận chuyển bằng đường thủy thay thế đường bộ và quản lý chặt chẽ hơn nữa” - ông Phúc cho hay.
Về vấn đề xăng dầu “bẩn” trên thị trường vừa bị cơ quan chức năng phát hiện cũng nhưng hàng loạt vụ cháy nổ ô tô và xe máy mà trong đó xăng dầu là 1 nguyên nhân được cân nhắc tới, ông Phúc cho biết cơ quan chức năng đang điều tra nên dù là 1 đơn vị kinh doanh xăng dầu nhưng ông không có bình luận gì.
Theo ông Phúc: “Chất lượng của nhiên liệu dành cho máy bay do được vận hành theo quy trình nghiêm ngặt nên hoàn toàn có thể yên tâm. Ngoài ra, nhiên liệu của máy bay là dầu nặng và nặng hơn xăng thông thường nên công suất tỏa nhiệt lớn hơn nhưng không dễ bốc, tức là khả năng cháy nổ từ nhiên liệu máy bay là rất thấp”.
Được biết, từ quý IV/2011, Vinapco đã mua xăng Jet A1 của Nhà máy lọc dầu Dung Quất với sản lượng 5.000m3/tháng và bán lại cho các hãng hàng không tại sân bay Đà Nẵng. Việc sử dụng xăng dầu của nhà máy Dung Quất đã giảm được nhu cầu sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu từ nước ngoài, tuy nhiên sản lượng này có hạn nên muốn mua thêm, bán thêm cho các hãng hàng không cũng không có.
Một thông tin cũng khá mới mẻ về Jetstar Picific, do gặp nhiều khó khăn về tài chính nên trong khi Bộ Tài Chính đang đề xuất với Chính phủ việc chuyển vốn Nhà nước hãng này sang cho Vietnam Airlines thì Vinapco cũng thông báo Jetstar Pacific đã trả hết sạch tiền mua nhiên liệu từ trước tới nay.
Theo Dân Trí