Ưu tiên tín dụng cho các dự án xanh
Theo báo cáo thường niên của Vietcombank, trong giai đoạn 2018 - 2021, tổng dư nợ cấp tín dụng của Vietcombank ngày càng tăng, cùng với đó dư nợ cấp TDX cũng sự gia tăng rất nhanh từ con số hơn 7.890 tỷ đồng năm 2018 lên gần 18.442 tỷ đồng năm 2021. Cùng với đó, tỷ trọng dư nợ cấp TDX/tổng dư nợ tín dụng cũng tăng qua từng năm trong giai đoạn này. Điểm nổi bật trong giai đoạn 2018 - 2021, tốc độ tăng trưởng TDX tăng mạnh mẽ ở giai đoạn 2019 - 2020 đạt 46%.
Năm 2021, tuy bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, nhưng Vietcombank vẫn có tốc độ tăng trưởng TDX ở mức dương và đạt 28% so với cùng kỳ giai đoạn 2019 - 2020. Năm 2021, hệ lụy của dịch COVID-19 còn ảnh hưởng khiến tỷ lệ dư nợ ngắn hạn cũng giảm đáng kể nhưng các khách hàng thuộc lĩnh vực xanh bắt đầu mở rộng quy mô sản xuất bằng cách tập trung vay vốn trung, dài hạn.
Ông Nguyễn Việt Cường - Phó Tổng Giám đốc (TGĐ) Vietcombank chia sẻ, Vietcombank hiểu rõ tầm quan trọng của việc phát triển bền vững. Vì thế, yếu tố bền vững luôn được cân nhắc trong hoạt động quản trị và kinh doanh, để hướng tới mục tiêu
Vietcombank đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) thực hiện cam kết phát triển xanh, bảo vệ hệ sinh thái toàn cầu.
Theo ông Cường, Vietcombank luôn xác định tăng trưởng phải gắn liền với yếu tố bền vững, cũng như cấp tín dụng cho các dự án xanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngân hàng. Trong thời gian qua, Vietcombank đã tập trung mở rộng TDX cho nền kinh tế, đặc biệt đối với các dự án NLTT, năng lượng sạch; dự án quản lý nước bền vững; dự án tái chế, tái sử dụng các nguồn tài nguyên; dự án xử lý chất thải và phòng, chống ô nhiễm; nông nghiệp xanh; công nghiệp xanh; công trình xanh và giao thông bền vững.
Đáng chú ý, ông Cường cho biết, trong những năm qua, hoạt động tài trợ vốn trung dài hạn cho các dự án NLTT, năng lượng sạch đã tăng trưởng gần 350% thể hiện sự ưu tiên định hướng tín dụng cho các ngành phát triển bền vững tại Vietcombank. Bên cạnh việc trực tiếp dành nguồn lực cho TDX, năm 2022, Công ty Chứng khoán Vietcombank Securities cũng tư vấn phát hành thành công 1.725 tỷ đồng trái phiếu xanh cho Công ty Tài chính cổ phần Điện lực. Đây là trái phiếu DN đầu tiên được xác định là trái phiếu xanh theo tiêu chuẩn quốc tế tại thị trường Việt Nam.
Tiên phong hỗ trợ doanh nghiệp
Vietcombank sẽ tích cực triển khai cấp TDX. (Nguồn ảnh: Vietcombank) |
Vietcombank là ngân hàng nội địa tiên phong phục vụ các khách hàng đầu tư nước ngoài (FDI), cũng như khách hàng Việt Nam. Tỷ trọng khách hàng FDI lớn của ngân hàng này hiện đang tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu với các sản phẩm tiêu biểu trong ngành điện tử, bán dẫn, may mặc, da giày, đồ gỗ, thủy hải sản…
Song song đó, Vietcombank cũng đã lập các kế hoạch đồng hành cùng DN kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế. Hiện ngân hàng đã cung cấp đầy đủ các dịch vụ tài chính hàng đầu trong lĩnh vực thương mại quốc tế; trong các hoạt động truyền thống như kinh doanh vốn, huy động vốn, tài trợ vốn lưu động, tài trợ dự án...
Phát biểu tại Vietnam International Sourcing 2023 đang được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh - sự kiện lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, quy tụ hàng trăm hệ thống phân phối lớn trên thế giới tìm kiếm nguồn cung hàng hóa Việt Nam, Phó TGĐ Nguyễn Việt Cường khẳng định: “Với tiềm lực tài chính, quy mô và kinh nghiệm tài trợ cho các chuỗi cung ứng, quan tâm đến phát triển bền vững, TDX và trái phiếu xanh, Vietcombank sẽ cung cấp những giải pháp tài chính và dịch vụ ngân hàng tốt nhất cho các DN tham gia chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn trên thế giới”.
Ông Cường cho biết thêm, Vietcombank mong muốn được góp phần thực hiện chủ trương “thúc đẩy DN Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài” của Chính phủ để tăng cường sự hợp tác, kết nối kinh doanh giữa các DN Việt Nam với các DN phân phối đến từ các thị trường uy tín như thị trường Hoa kỳ, EU, Mỹ - Latinh, Nhật Bản.
Đại diện Bộ Công Thương nhận định, với những nỗ lực gần đây của các DN xuất khẩu thì các ngân hàng thương mại ngày càng quan tâm và tham gia tích cực vào quá trình hỗ trợ DN mở rộng chuỗi cung ứng bền vững. Các ngân hàng đã chủ động thiết kế các gói dịch vụ và sản phẩm tài chính linh hoạt để hỗ trợ các DN tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế.
Cụ thể như cho DN tham gia chuỗi cung ứng được vay vốn thương mại để mua nguyên vật liệu, nâng cấp máy móc thiết bị sản xuất, bảo đảm thanh toán, thư tín dụng chứng từ, hay hỗ trợ về tài chính để nhà cung cấp có đủ nguồn lực duy trì hoạt động sản xuất và cung cấp hàng hóa với quy mô lớn cho DN chủ chuỗi; hỗ trợ quản lý rủi ro để đưa ra các quyết định tối ưu trong quá trình tham gia chuỗi cung ứng.