Việt Nam tiếp tục cùng các nước ASEAN, Trung Quốc triển khai đầy đủ, hiệu quả DOC

Các bộ trưởng tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Mê Công - Lan Thương lần thứ 6.
Các bộ trưởng tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Mê Công - Lan Thương lần thứ 6.
0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục cùng các nước ASEAN và Trung Quốc triển khai đầy đủ, hiệu quả DOC và xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS năm 1982.

Trả lời báo chí về kết quả Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Mê Công - Lan Thương lần thứ 6, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết, Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc được tổ chức ngày 7/6 tại Trùng Khánh, Trung Quốc để kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác ASEAN - Trung Quốc (1991 - 2021).

Cùng dịp này, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mê Công – Lan Thương lần thứ 6 (MLC-6) được tổ chức ngày 8/6, đánh dấu 5 năm hình thành và phát triển của cơ chế hợp tác MLC.

Đây là các Hội nghị trực tiếp đầu tiên ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao (BTNG) trong khuôn khổ ASEAN - Trung Quốc và hợp tác Mê Công - Lan Thương sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Việc tổ chức thành công các Hội nghị trực tiếp này thể hiện quyết tâm và nỗ lực rất lớn của Trung Quốc trong vai trò nước chủ nhà, đồng thời cho thấy cam kết mạnh mẽ của các nước đối với các cơ chế hợp tác này.

Bên cạnh ý nghĩa kỷ niệm và mang tính dấu mốc, các Hội nghị này cũng là dịp để các BTNG rà soát, đánh giá hợp tác và trao đổi, đề xuất những định hướng nhằm phát triển hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện ASEAN - Trung Quốc và cơ chế MLC trong thời gian tới, đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển thịnh vượng ở khu vực.

Về phía Việt Nam, ngay từ đầu, Việt Nam đã ủng hộ đề xuất của Trung Quốc tổ chức các Hội nghị đặc biệt BTNG ASEAN - Trung Quốc và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mê Công - Lan Thương lần thứ 6.

Chúng ta đã nỗ lực chủ động vượt qua những khó khăn, thách thức do dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, quyết tâm tham dự Hội nghị trực tiếp tại Trùng Khánh, thể hiện coi trọng và cam kết hợp tác mạnh mẽ, cũng như đã đóng góp tích cực và hiệu quả trong quá trình xây dựng văn kiện và thảo luận tại Hội nghị, được các nước hoan nghênh và đánh giá cao.

Tại Hội nghị đặc biệt BTNG ASEAN - Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khẳng định những thành quả đạt được trong 30 năm qua đã minh chứng cho quan hệ đối tác bền vững, tin cậy và cùng có lợi giữa ASEAN và Trung Quốc.

Bộ trưởng nhấn mạnh hướng về tương lai, Việt Nam sẽ tích cực cùng các nước ASEAN và Trung Quốc tăng cường đối thoại chính trị, nâng cao hiểu biết, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau, đẩy mạnh hợp tác toàn diện, đưa quan hệ hai bên trở thành hình mẫu của quan hệ đối tác ổn định và bền vững giữa các nước láng giềng.

Cùng với nhấn mạnh cần tăng cường các nỗ lực ứng phó COVID-19 và thúc đẩy phục hồi, chúng ta cũng đề nghị hai bên tập trung tận dụng hiệu quả Hiệp định ACFTA và Hiệp định RCEP, mở rộng kết nối khu vực thông qua gắn kết triển khai Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN (MPAC) 2025 với Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI), thúc đẩy hợp tác tiểu vùng và đẩy mạnh hợp tác phát triển bền vững theo chủ đề hợp tác ASEAN - Trung Quốc năm nay.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao sự hỗ trợ quý báu của Trung Quốc cho Việt Nam trong ứng phó COVID-19, đồng thời bày tỏ tin tưởng vào tương lai tươi sáng của quan hệ ASEAN-Trung Quốc đã được thử thách qua thời gian, mang lại lợi ích chiến lược cho cả hai bên và đóng góp tích cực cho hoà bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực.

Trao đổi về tình hình thế giới và khu vực, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề cao tầm quan trọng của việc ASEAN và Trung Quốc cần nỗ lực duy trì môi trường hòa bình, an ninh, ổn định, thượng tôn pháp luật ở khu vực, thông qua hành động có trách nhiệm và hợp tác thiện chí, kiềm chế, giải quyết hoà bình các tranh chấp, khác biệt.

Bộ trưởng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục cùng các nước ASEAN và Trung Quốc triển khai đầy đủ, hiệu quả DOC và xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS năm 1982.

Về tình hình Myanmar, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chia sẻ, cùng là thành viên trong Cộng đồng ASEAN, các nước ASEAN sẽ tiếp tục hỗ trợ Myanmar tìm ra giải pháp lâu dài để ổn định tình hình, đảm bảo an toàn và bình ổn cuộc sống người dân, và mong muốn Trung Quốc tích cực ủng hộ nỗ lực này của ASEAN.

Tại Hội nghị MLC-6, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định là thành viên có trách nhiệm và là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã chủ động tham gia và đóng góp hiệu quả cho hợp tác MLC ngay từ những ngày đầu thành lập.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã cùng Bộ trưởng các nước thành viên thảo luận về những vấn đề lớn của khu vực và đề xuất các giải pháp cần triển khai. Bộ trưởng đã đưa ra bốn nội dung ưu tiên cho hợp tác MLC trong thời gian tới gồm: Chia sẻ kinh nghiệm phòng chống Covid-19, chuyển giao công nghệ về sản xuất vắc-xin một cách thiết thực, hiệu quả; Bảo đảm lưu thông thương mại thuận lợi nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế trong và sau đại dịch; Đẩy mạnh hợp tác sử dụng và quản lý bền vững nguồn nước sông Mê Công và ứng phó biến đổi khí hậu; và Tăng cường phối hợp giữa MLC với ASEAN và các cơ chế hợp tác khu vực và tiểu vùng khác; khuyến khích sự tham gia của các địa phương.

Hội nghị đã đánh giá cao những đề xuất của Bộ trưởng và nhất trí 6 nước cùng phối hợp triển khai trong thời gian sớm nhất.

Đọc thêm

Tấn công khủng bố kinh hoàng đầu năm mới tại Mỹ

Hiện trường vụ đâm xe. (Ảnh: NBC News)
(PLVN) - Một vụ tấn công kinh hoàng đã xảy ra tại Bourbon Street, khu phố Pháp nổi tiếng của New Orleans vào ngày đầu năm mới. Một người đàn ông đã lái xe tải lao thẳng vào đám đông, khiến ít nhất 15 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Vụ việc đang được điều tra như một hành động khủng bố, gây chấn động cả nước Mỹ.

Tai nạn thảm khốc liên tiếp trên thế giới vào tuần cuối của năm

Tai nạn thảm khốc liên tiếp trên thế giới vào tuần cuối của năm
(PLVN) - Những ngày cuối cùng của năm 2024 chứng kiến loạt tai nạn chấn động trên thế giới, từ vụ va chạm tàu hỏa tại Mỹ, tai nạn máy bay ở Hàn Quốc, đến các sự cố nghiêm trọng như hỏa hoạn ở Bangladesh, cá mập tấn công người ở Australia và vụ nổ nhà máy thuốc nổ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Mỗi sự kiện đều gây mất mát lớn về người và tài sản, nhắc nhở chúng ta chú ý, tăng cường hơn các giải pháp bảo đảm an toàn...

Hành trình vaccine từ phòng thí nghiệm đến mũi tiêm

Ấn Độ đã trở thành trung tâm quan trọng trong chuỗi cung ứng vaccine toàn cầu. (Ảnh: Viện Huyết thanh Ấn Độ - npr.org)
(PLVN) - Từ đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 đến đại dịch COVID-19, sự ra đời của vaccine là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của y học, mang lại hy vọng và sự sống cho hàng triệu người trên thế giới. Dù vậy, ít ai hiểu rõ câu chuyện đằng sau mỗi liều vaccine là những năm tháng nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất miệt mài. Đó là một quá trình dài hơi, đòi hỏi không chỉ sự chính xác khoa học mà còn cả những cam kết về an toàn, đạo đức và hợp tác quốc tế.