Sau khi Công ước chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam, ngày 17/3/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 364/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Công ước. Điều này cũng thể hiện chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người theo đúng các chuẩn mực quốc tế; là bước đi cụ thể trong quá trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam; khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm đối với các vấn đề mà quốc tế quan tâm
Việt Nam đã triển khai nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp về lập pháp, hành pháp, tư pháp và nhiều biện pháp khác để phòng, chống tra tấn, nổi bật là trong lĩnh vực lập pháp. Trong đó, Hiến pháp 2013 nêu rõ: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về than thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm” (Khoản 1, Điều 20).
Tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước chống tra tấn đến với người dân là một trong những nghĩa vụ quan trọng đầu tiên của các nước thành viên. Đây cũng là một giải pháp quan trọng góp phần phòng ngừa các hành vi tra tấn. Bộ Tư pháp đã chủ trì, xây dựng Đề án tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Hàng năm, trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên toàn quốc, Bộ Tư pháp luôn nhấn mạnh đến nội dung về quyền con người, trong đó có quyền không bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục.
Thời gian qua, các địa phương trên cả nước cũng đã tích cực triển khai việc tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Công ước, góp phần đưa chính sách bảo vệ quyền con người đi vào cuộc sống ngày càng thực chất, hướng tới xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, dân chủ, văn minh, kiến tạo, phục vụ.