Chiều 14/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã dự chương trình gặp mặt cảm ơn các đối tác quốc tế đã hỗ trợ vaccine phòng COVID-19 cho Việt Nam.
Phát biểu tại chương trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sau hơn 2 năm đại dịch bùng phát, Việt Nam rút ra được một số vấn đề hết sức quan trọng.
Trước hết, đây là vấn đề có tính chất toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu thông qua sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng, phối hợp, hỗ trợ, hợp tác quốc tế. Không một quốc gia nào có thể an toàn khi các quốc gia khác còn phải chống dịch và không một quốc gia nào có thể một mình chống dịch thành công.
Việt Nam đã kêu gọi sự đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương để cùng nhau chống dịch, nhất là chia sẻ kinh nghiệm chống dịch, trang thiết bị y tế và đặc biệt là tiếp cận công bằng, bình đẳng về vaccine. Cùng với đó, dịch bệnh tác động đến toàn dân, nên phải có cách tiếp cận toàn dân; đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã rút ra được 3 trụ cột và công thức về phòng chống dịch. Trong đó, vaccine là “lá chắn” an toàn nhất cho người dân để phòng, chống COVID-19, vì vậy Việt Nam đã triển khai Chiến lược vaccine, trong đó đẩy mạnh ngoại giao vaccine, thành lập Quỹ vaccine phòng chống COVID-19; tích cực đẩy mạnh nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay, miễn phí cho người dân và người nước ngoài ở Việt Nam.
Thủ tướng cho biết, từ tháng 10/2021, Việt Nam đã chuyển sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, từng bước mở cửa nền kinh tế, tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Những tháng đầu năm 2022, kinh tế - xã hội đạt các kết quả tích cực, khởi sắc trên các lĩnh vực, các hoạt động đang trở lại bình thường. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm.
Có được những kết quả trên là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đừng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã kịp thời thay đổi tư duy và biện pháp phòng chống dịch, chuyển hướng linh hoạt trong điều kiện khó khăn; nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng tình, hưởng ứng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp; và sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè, đối tác quốc tế.
“Sự hỗ trợ này đặc biệt quý báu vì vào đúng thời điểm chúng tôi đang gặp khó khăn, thực sự thể hiện tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, “bạn bè hoạn nạn có nhau”, Thủ tướng phát biểu.
Hiện nay, Việt Nam đang thần tốc trong việc tiêm vaccine, hoàn thành tiêm vaccine mũi thứ 3 cho người trên 18 tuổi và việc tiêm mũi thứ 2 cho người từ 12-17 tuổi trong tháng 3; chuẩn bị tiêm cho trẻ từ 5-dưới 12 tuổi, nghiên cứu tiêm mũi thứ 4 và tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi.
Trước tình hình dịch bện còn diễn biến phức tạp, có thể xuất hiện những biến chủng mới, Thủ tướng nêu lên một số đề xuất, trong đó tiếp tục phát huy tinh thần hợp tác và đoàn kết quốc tế trong phòng chống COVID-19, tăng cường ủng hộ các sáng kiến song phương và đa phương nhằm thúc đẩy tiếp cận công bằng vaccine, thuốc điều trị, trang thiết bị.
Chính phủ Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các nước, các tổ chức về vaccine, thuốc điều trị, trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực và tiếp nhận thành công việc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA – đây là một chặng đường khá dài và có nhiều thách thức.
Về phần mình, Việt Nam đã, đang và sẽ tham gia hết sức tích cực, tốt nhất có thể, hỗ trợ thiết thực, kịp thời các nước, các tổ chức quốc tế trong nỗ lực chung phòng, chống dịch bệnh. Nhân dịp này, Thủ tướng thông báo Chính phủ Việt Nam đã quyết định sẽ tiếp tục đóng góp đợt 3 cho COVAX và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các nước trong phòng chống dịch.
Bà Rana Flowers, quyền Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho rằng với những nỗ lực kiểm soát đại dịch rất thành công trong hai năm qua, Việt Nam đã trở thành một tiêu chuẩn trên thế giới, đạt tỷ lệ tiêm chủng thuộc nhóm cao nhất toàn cầu để bảo vệ người dân, bao gồm cả những người dân nghèo nhất, những người dễ bị tổn thương nhất.
Thống nhất với quan điểm tiếp cận toàn cầu, toàn dân mà Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần khẳng định tại các diễn đàn, bà khẳng định không một quốc gia nào có thể một mình chiến thắng đại dịch. Bà cũng cảm ơn Chính phủ Việt Nam và các nước, các tổ chức quốc tế đã đóng góp cho những nỗ lực phòng chống dịch trên phạm vi toàn cầu.
Trong thông điệp được ghi hình trước gửi tới cuộc gặp mặt, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng chúc mừng Việt Nam đã bao phủ vaccine cho 90% người trưởng thành và hơn 75% dân số đã được tiêm chủng, một trong những tỷ lệ cao nhất thế giới. Kết quả này có được nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự đồng lòng của người dân Việt Nam.
Ông nhấn mạnh Việt Nam là một ví dụ điển hình cho những điều có thể thực hiện được với cam kết chính trị, cộng đồng gắn kết, sự hỗ trợ quốc tế.
Tháng 7/2021, chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 lớn nhất trong lịch sử đã được Việt Nam triển khai thành công, đến nay đã tiêm được hơn 200 triệu liều, về đích sớm hơn so với mục tiêu khuyến cáo của WHO.
Trong chiến dịch này, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ, nhân dân các nước và các tổ chức quốc tế. Từ lô vaccine đầu tiên từ COVAX vào ngày 1/4/2021 với hơn 800.000 liều, đến nay tổng số liều vaccine viện trợ qua COVAX và kênh song phương cho Việt Nam là gần 83 triệu liều, chiếm gần 40% tổng số vaccine Việt Nam nhận được tính đến nay.