Tại sự kiện kỷ niệm 75 ngành truyền thống ngành Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, năm 2020, quy mô nền kinh tế nước ta đạt khoảng 343 tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD.
Việt Nam là 1 trong 4 nền kinh tế lớn nhất ASEAN
Dẫn báo cáo của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) về kinh tế Việt Nam, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Quy mô GDP Việt Nam nếu tính theo sức mua tương đương có thể đạt 1,05 nghìn tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt trên 10.000 USD.
Tạp chí Economist nhận định, Việt Nam là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Ngân hàng Thế giới đánh giá với mức tăng trưởng kinh tế bình quân của Việt Nam ở mức 6,8%/năm trong giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.
Trong tháng 10/2020, IMF cũng dự báo quy mô GDP năm 2020 của Việt Nam có thể đạt trên 340 tỷ USD.
GDP của Việt Nam được cho là chính thức vượt qua Singapore, trở thành 1 trong 4 nước có quy mô GDP cao nhất ASEAN, chỉ sau Philippines (hơn 367 tỷ USD), Thái Lan (hơn 509 tỷ USD) và Indonesia (hơn 1.000 tỷ USD).
Trong bản cập nhật mới của Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới năm 2020, IMF ghi nhận Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á có tăng trưởng dương năm 2020, ở mức 1,6% và đến năm 2021 là 6,7%.
Xét dưới khía cạnh kinh tế học, quy mô GDP tính theo sức mua tương đương là khái niệm cho thấy số tài sản tạo dựng trên một lãnh thổ có thể được đo đếm bằng sức mua của đồng tiền nội tệ của quốc gia ấy và không có ý nghĩa nếu đem so sánh với sức mua của một loại đồng tiền ở quốc gia khác.
Ví dụ 100 triệu đồng GDP tính theo sức mua tương đương tại Việt Nam đồng là con số khá lớn, song tính theo sức mua tương đương của đồng Yên tại Nhật Bản, đồng Euro của EU hay đồng USD của Mỹ lại rất nhỏ.
Hơn nữa, quy mô GDP bao gồm cả phần giá trị đóng góp của doanh nghiệp nước ngoài, người nước ngoài tại Việt Nam, chính vì vậy chưa phản ánh đầy đủ, chính xác những thành tích và giá trị gia tăng do người Việt, doanh nghiệp Việt tạo ra.
Chuyên gia kinh tế nói gì về con số GDP hơn 1.000 tỷ USD?
Trao đổi với phóng viên Dân trí, chuyên gia Phạm Chi Lan bình luận, quy mô nền kinh tế Việt Nam gia tăng nhanh trong thời gian qua không thể phủ nhận, song việc chất lượng tăng trưởng hay phần giá trị gia tăng đó bao nhiêu % thuộc về người Việt Nam lại là câu chuyện đáng quan tâm hơn.
Sự phát triển của Việt Nam gần đây, sự nở rộ xuất khẩu hàng hóa như da giày, điện tử... đem lại cho nhiều thặng dư thương mại, nhưng nếu chỉ nhìn vào đó để tự hào thì cẩn trọng. Chính những thế mạnh về xuất khẩu, FDI, về mở cửa, giá rẻ... sẽ là điểm yếu của Việt Nam trong nay mai.
"Cơ cấu xuất khẩu có 70% giá trị đóng góp của FDI, đa số đều là hàng gia công, lắp ráp đem lại. Đặc điểm nền kinh tế Việt Nam có xu hướng mở cửa, hướng ra xuất khẩu, chính vì vậy xu hướng tận dụng Việt Nam là địa điểm sản xuất, gia công xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới là cơ sở để quy mô GDP tăng cao", chuyên gia Phạm Chi Lan cho biết.
Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, để đánh giá sức khỏe của nền kinh tế, chúng ta cần dựa vào nhiều yếu tố GDP, GNP, GNI và cả các yếu tố tổng hợp như năng suất lao động, chuyển đổi công nghệ...
Nền kinh tế Việt Nam vẫn được coi là nền kinh tế hướng ra xuất khẩu. Trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp, xu hướng thắt chặt thương mại đang diễn ra ở nhiều nơi, nền kinh tế có thể chịu tổn thương bất cứ lúc nào nếu chiến tranh thương mại xảy ra.
"Với quy mô dân số 100 triệu người, thu nhập đang tăng dần, doanh nghiệp Việt cần quan tâm và đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa. Bên cạnh đó, quá trình đổi mới công nghệ cần được nhận thức và hành động nhanh chóng để thoát khỏi bẫy lao động giá rẻ, thu nhập trung bình để tận dụng thời cơ của công nghệ, khoa học mới, gia tăng lợi thế phát triển cho quốc gia", ông Hiếu nói.