Việt Nam không có huy chương tại Olympic, vì sao?

VĐV Trịnh Văn Vinh thất bại tại Olympic 2024. (Ảnh Reuters)
VĐV Trịnh Văn Vinh thất bại tại Olympic 2024. (Ảnh Reuters)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hai kỳ Olympic liên tiếp, thể thao Việt Nam ra về tay trắng.

Hình ảnh gục ngã của VĐV cử tạ Trịnh Văn Vinh có thể minh hoạ cho thể thao Việt Nam (TTVN) tham dự Olympic năm nay. Điểm sáng quý giá của xạ thủ Trịnh Thu Vinh không đủ khỏa lấp thành tích xuống dốc của TTVN tại đấu trường danh giá này.

Đoàn thể thao Việt Nam đã có hành trình 44 năm tại thế vận hội (bắt đầu tham dự Olympic 1980). Trải qua 11 lần tham dự, dấu ấn của thể thao Việt Nam tại Olympic rất mờ nhạt với 1 HCV, 3 HCB và 1 HCĐ.

Nhìn lại thành tích của các VĐV Việt Nam tại Olympic năm nay, chúng ta không khỏi lo lắng và nhiều tiếc nuối. Nỗ lực của các VĐV là luôn tôn trọng, nhưng điều đáng bàn ở đây là phương pháp huấn luyện, cách đầu tư săn huy chương của TTVN đã thực sự hợp lý và khoa học?

Kình ngư xuất sắc của TTVN Huy Hoàng, ở cả hai nội dung 800m tự do và 1.500m tự do, anh đều không chiến thắng được chính mình, thành tích đi lùi rất tệ khiến cho kỳ vọng trước đó của giới chuyên môn ngạc nhiên. Anh là VĐV được đầu tư trọng điểm nhưng thất bại nhanh chóng với thành tích thấp hơn trước đó anh đã có cần được phân tích kỹ lưỡng để hướng tới những giải đấu tiếp theo.

Những trận thua của Võ Thị Kim Ánh và Hà Thị Linh (boxing), Lê Quốc Phong và Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung), Hoàng Thị Tình (judo), Võ Thị Mỹ Tiên (bơi lội), Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng), Nguyễn Thị Thật (xe đạp)… đều nằm trong dự đoán.

Trong khi đó, Thùy Linh và Đức Phát (cầu lông) đều sở hữu mỗi người một trận thắng, nhưng đối thủ chỉ là những tay vợt có thứ hạng thấp hơn. Với Trịnh Văn Vinh (cử tạ), thất bại ở cả 3 lần cử giật mức đăng ký thấp nhất là 128kg thể hiện sự bất lực của anh và cả đoàn TTVN ở sân chơi Thế vận hội.

Ngược dòng lịch sử của TTVN, tại Olympic Sydney năm 2000, Trần Hiếu Ngân (taekwondo) lên ngôi với tấm Huy chương Bạc. Tiếp đến là tấm Huy chương Bạc của Hoàng Anh Tuấn (cử tạ, 2008), Huy chương Đồng của Trần Lê Quốc Toàn (cử tạ, 2012) và đặc biệt 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh (bắn súng, 2016 tại Brazil).

Sự đáng tiếc nhất tại Olympic năm nay là ở đội tuyển Bắn Súng. Trịnh Thu Vinh dù có hai lần vào chung kết nhưng vẫn thiếu sự ổn định trong thời điểm quyết định. Điều đó khẳng định rằng trình độ của Bắn súng Việt Nam đã ngang hàng với thế giới, nhưng chúng ta thiếu sự lạnh lùng trong những giây phút tranh chấp huy chương. Điều này, Ban huấn luyện đội tuyển Bắn súng Việt Nam cần cải thiện cho VĐV, để chúng ta không phải rời cuộc thi trong tiếc nuối.

Hai VĐV Cầu lông Đức Phát, Thùy Linh hay Ánh Nguyệt, Quốc Phong ở bộ môn bắn cung dù rất nỗ lực nhưng đều dừng bước trước những đối thủ mạnh hơn ngay vòng ngoài, quá xa so với mục tiêu cạnh tranh huy chương.

Thể thao Việt Nam vẫn quen với tư duy truyền thống là đầu tư dàn trải cho SEA Games để giành thật nhiều HCV. Với kỳ SEA Games 2021 tổ chức trên sân nhà, đoàn thể thao Việt Nam thể hiện sự thống trị tuyệt đối với 205 HCV, nhiều hơn cả đoàn đứng thứ hai (Thái Lan, 92 HCV) và ba (Indonesia, 69 HCV) cộng lại. SEA Games 2023 cũng chứng kiến thể thao Việt Nam gặt hái 136 HCV, bỏ xa đoàn đứng thứ hai Thái Lan với 108 HCV.

SEA Games từ lâu người Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia không còn quá chú trọng. Họ tham dự vì muốn duy trì một sân chơi thể thao truyền thống của Đông Nam Á với nhiều đội trẻ. Trong khi đó chúng ta lại quá hăng say, đam mê ở sân chơi mà dân gian vẫn gọi là "vùng trũng" Châu Á hay "ao làng" SEA Games.

Đấu trường SEA Games cứ hai năm diễn ra một lần, các bộ môn đều cần được đầu tư để có thể giành huy chương. Nhiều VĐV chỉ có thể kỳ vọng huy chương ở khu vực khi trình độ chưa đủ để cạnh tranh ở châu lục hay thế giới. Trong khi đó, tên của các VĐV Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia lại được vinh danh tại đấu trường Olympic.

Với cách làm thể thao như tư duy hiện tại, chúng ta cần thay đổi, nếu không mãi "vùng vẫy trong ao làng" mà thế giới danh giá chúng ta không thể chạm tới.

Trước ngày tham dự Olympic 2024, Trưởng đoàn TTVN Đặng Hà Việt hứa hẹn: "Với cá nhân tôi, đây là niềm hạnh phúc, vinh dự rất lớn khi được lãnh đạo Bộ VHTTDL tin tưởng giao cho trọng trách này. Đây là trách nhiệm mà chắc chắn tôi sẽ phải làm thật tốt. Tôi sẽ cùng với các thành viên trong đoàn nỗ lực hết mình mang vinh quang về cho Tổ quốc và truyền tải, quảng bá được nét đẹp, hình ảnh con người Việt Nam đến với bạn bè trên khắp thế giới".

Nhưng quả thực giữa sự hứa hẹn, quyết tâm và khoảng cách để giành huy chương vẫn còn xa vời.

Bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao cho rằng may mắn không ngẫu nhiên mà đến: “Những khó khăn đã được dự đoán trước. Việc không có huy chương ở Olympic rất đáng buồn, để vươn tới Olympic cần nhiều yếu tố như đào tạo khoa học, chuyên gia giỏi, khát khao chiến thắng của VĐV,…

Việc giành được huy chương không phải là may mắn, các VĐV phải nỗ lực 100%, thậm chí hơn 100% mới đảm bảo được. May mắn ở đây là sự tập trung không bị phân tán hoặc không bị chấn thương. Thể thao không phải là không làm gì mà có may mắn, tất cả đều cần điều kiện cần và đủ”.

Đọc thêm

Vẫn chờ 'bộ mặt mới' của đội tuyển Việt Nam

HLV trưởng Kim Sang Sik còn nhiều việc phải làm với đội tuyển Việt Nam trước giải đấu AFF Cup vào cuối năm. (Nguồn: VFF)
(PLVN) - Dù gọi lại các cựu binh thời ông Park Hang seo và pha trộn nhiều nhân tố trẻ, nhưng bộ mặt của đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Kim Sang Sik chưa có một lối chơi ấn tượng hay gây cảm hứng. Biết là đội tuyển Nga mạnh hơn chúng ta nhiều, nhưng đội hình thử nghiệm của ông Kim chưa làm người hâm mộ hài lòng.