Vào cuối năm 2017 và năm 2018, Việt Nam đã nộp Báo cáo quốc gia lần thứ ba về thực thi Công ước ICCPR và Báo cáo trả lời danh sách các vấn đề quan tâm của Ủy ban Nhân quyền LHQ. Các báo cáo cho thấy Việt Nam đã có những bước phát triển nổi bật và nhanh chóng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là trong việc bảo vệ, thúc đẩy các quyền dân sự, chính trị kể từ sau khi nộp Báo cáo lần thứ hai.
Với chủ trương coi con người là mục tiêu và động lực của quá trình đổi mới toàn diện và phát triển đất nước, kể từ lần rà soát trước (năm 2014), Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, đặc biệt trên các lĩnh vực xây dựng Nhà nước pháp quyền, kiện toàn hệ thống pháp luật về quyền con người, xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và hội nhập quốc tế.
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế được duy trì liên tục trên 6%/năm đã giúp tạo thêm hàng triệu việc làm cho người dân, duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm mạnh từ 9,9% năm 2015 xuống 7,7% năm 2017, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Việt Nam đã và đang tham gia tích cực và có những sáng kiến được ghi nhận tại các cơ chế liên quan đến quyền con người của Liên hợp quốc, đón nhiều chuyên gia theo cơ chế các Thủ tục Đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc; gia nhập thêm 2 công ước nhân quyền cơ bản là Công ước chống tra tấn (CAT) và Công ước về quyền của người khuyết tật (CRPD).
Đến ngày 11/3/2019, tại Geneva (Thụy Sỹ), đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc làm Trưởng đoàn đã bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia lần thứ ba về thực thi Công ước ICCPR tại Phiên họp lần thứ 3 do Ủy ban Nhân quyền của Liên hợp quốc tổ chức. Phát biểu tại Phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, những cải cách và biến chuyển mạnh mẽ không chỉ diễn ra trong lĩnh vực thương mại và kinh tế, mà còn ở những lĩnh vực phức tạp hơn như pháp luật, tư pháp, không phân biệt đối xử, quản trị công, thúc đẩy và bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của con người. Do đó, đời sống vật chất và tinh thần của hơn 90 triệu người dân Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng, ấm no và hạnh phúc hơn. Quan trọng hơn, tất cả các nỗ lực cải cách của Việt Nam diễn ra trong hòa bình, với sự ủng hộ của người dân Việt Nam.
Sau Phiên họp, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1252/QĐ-TTg ngày 26/9/2019 phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước ICCPR và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc (sau đây gọi tắt là Kế hoạch 1252), thể hiện cam kết và quyết tâm của Việt Nam trong nỗ lực thực hiện nghiêm túc Công ước ICCPR và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền.
Kế hoạch 1252 xác định rõ nội dung công việc và lộ trình thực hiện phù hợp trong việc tăng cường hiệu quả triển khai các quy định của Công ước ICCPR và khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc. Từ đó, góp phần nâng cao sự hưởng thụ của người dân về các quyền dân sự và chính trị phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam; bảo đảm các yêu cầu đối ngoại, đối nội, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, cơ quan có liên quan và tăng cường hiệu quả hoạt động phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình triển khai, đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả toàn diện và đồng bộ.
Việc tổ chức, thực hiện Kế hoạch phải bám sát và phù hợp với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quyền con người; phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013 và Chương VIII của Luật Điều ước quốc tế năm 2016. Đối với các quy định của Công ước ICCPR và khuyến nghị có liên quan đến công tác xây dựng pháp luật, khi thực hiện cần tính đến lộ trình Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Việc tổ chức thực hiện Công ước và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các ngành, các cấp.