Đầu xuân, Tướng Hiệu bồi hồi nhớ về những lần đến thăm Võ Đại tướng, được nghe Đại tướng căn dặn nhiều điều quý báu.
Những lời dặn không thể quên
Đầu xuân, chúng tôi có dịp đến thăm văn phòng Viện sỹ của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu – Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Biết phóng viên muốn viết bài về kỷ niệm của ông với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tướng Hiệu nói rằng: “Tôi thuộc thế hệ sau, được chiến đấu trong hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam nên tôi có nhiều lần vinh dự tiếp kiến Đại tướng và có rất nhiều kỷ niệm với người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Theo thông lệ, khi còn ở sư đoàn, quân đoàn và đặc biệt là sau này khi tôi lên Bộ Quốc phòng công tác, cứ khoảng chiều 27-28 tháng Chạp, tôi thường dẫn đoàn của Bộ Quốc phòng và của Trung tâm Nhiệt đới Việt -Nga đến chúc Tết Đại tướng. Nhưng do những ngày đó, có rất nhiều đoàn đến tư gia chúc Tết Đại tướng nên tôi không có thời gian ngồi báo cáo với Đại tướng về những vấn đề cần quan tâm.
Hiểu ý đó nên Đại tướng có dặn tôi, sau này nên đến vào chiều 29 Tết vì khi đó, các đoàn đến chúc Tết ở tỉnh xa họ đã về rồi, còn các đoàn ở Hà Nội thì vào thời điểm đó cũng đã vãn”.
Theo lời kể của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, từ năm 2005, ông có đến chúc Đại tướng theo lời dặn đó. Giọng Tướng Hiệu tỏ ra sôi nổi, ông nhớ rất rõ về kỷ niệm sâu sắc này: “Khi tôi dẫn đoàn của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga vào thăm, Đại tướng đang mặc thường phục. Đại tướng có dặn chúng tôi ngồi đợi ở phòng khách để Đại tướng vào thay quân phục chỉnh tề.
Dù tiếp chúng tôi là cấp dưới nhưng Đại tướng cũng rất trang trọng và chính quy. Khi Đại tướng đi ra thì có cầm theo một tấm bản đồ và đặt lên bàn. Đặc biệt, năm nào cũng vậy, Đại tướng gửi cho chúng tôi thiệp chúc Tết do trực tiếp Đại tướng ký để gửi tặng gia đình”.
Sau đó, Đại tướng có mở tấm bản đồ Quảng Trị và nói kỹ về ý định chiến lược của Quân uỷ Trung ương và Bộ Chính trị về phương án và quyết tâm chiến lược để giải phóng Quảng Trị của quân ta trong kháng chiến chống Mỹ.
“Đại tướng nói rất nhiều điều quý giá. Sau đó, Đại tướng có hỏi tôi. Đầu tiên Đại tướng nhắc đến Tướng Lê Trọng Tấn - Tư lệnh Mặt trận B5 và Chính uỷ B5 năm 1972 là Tướng Lê Quang Đạo. Ngoài ra, Đại tướng cũng nhắc đến các vị chỉ huy như Cao Văn Khánh và một số người khác. Đại tướng nhắc xong thì nhìn toàn bộ bản đồ và nói về hình thái chiến dịch Quảng Trị, quyết tâm chiến lược.
Vì lúc đó chúng tôi ở cấp dưới nên không thể biết được những cái đó. Mà chỉ biết là mình thực hiện nhiệm vụ của chiến lược, của cấp trên thôi. Đại tướng có hỏi tôi về mở màn chiến dịch mà tiểu đoàn tôi đã được Tư lệnh Mặt trận giao.
Tôi có kể lại, lúc đó tôi là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 – Tiểu đoàn chủ công của Trung đoàn 27 Mặt trận B5. Trung đoàn trưởng của tôi là đồng chí Phạm Minh Tâm, còn đồng chí Chính ủy là Võ Hiển, tôi là Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Trần Xuân Gứng là Chính trị viên, được nhận nhiệm vụ là đêm 29/4 phải đưa cả tiểu đoàn bí mật luồn sâu vào phía Nam cao điểm 544 mà địch gọi là Phu-lơ, cao điểm 288-322 và 166, tức là bí mật đưa cả tiểu đoàn vào sâu bên trong.
Phương án này chúng tôi đã chuẩn bị từ trước và đã cho trinh sát chốt ở những nơi mình định đưa tiểu đoàn vào một cách bí mật. Chúng tôi đã có nhiều năm chiến đấu ở đó nên rất thạo địa hình, khi được lệnh là sẵn sàng chuẩn bị kỹ lưỡng và bí mật thực hiện nhiệm vụ”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu hồi tưởng.
Những lời căn dặn quý báu
Một vị Đại tướng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng lại rất chú ý hỏi cấp dưới về những vấn đề chiến thuật, cách đánh của quân giải phóng hay những gương chiến sĩ tiêu biểu. Tướng Hiệu chia sẻ thêm: “Tôi có kể lại vắn tắt với Đại tướng rằng, đêm 29/4/1972, chúng tôi đã đưa toàn bộ tiểu đoàn lọt qua các phòng tuyến thám báo của địch. Khi cài xong lực lượng thì có một sự kiện xảy ra.
Đến sáng ngày 30/4, lúc này chúng tôi đã cài thế trận xong hết rồi. Theo quy định của mặt trận, 11h30' ngày hôm đó là giờ G, tức là nổ súng toàn mặt trận. Thế nhưng đến tầm hơn 8h30' thì xuất hiện máy bay VO10 của địch bay lượn, chắc chúng cũng nghi ngờ có lực lượng của ta phục kích. Chỗ nào chúng nghi ngờ thì sẽ bắn vào đấy quả đạn pháo khói để cho các máy bay phản lực phát hiện mục tiêu là phải xử lý, bỏ bom và đạn rốc két.
Tổ của tôi có một đồng chí bị thương do trúng đạn của địch. Nhưng tôi nghĩ là thời điểm đó địch chưa phát hiện được lực lượng của ta, chúng tôi vẫn ngụy trang rất kín đáo và bí mật. Tôi lệnh cho anh em cứ nằm im, đợi cho đến 9h30' thì bắt đầu xuất hiện quân địch từ Cam Lộ kéo lên theo đội hình xe tăng. Tuy nhiên, chúng bắt khoảng năm, sáu chục người dân đi trước để nếu thấy động tĩnh gì thì chúng sẽ bắn tiêu diệt.
Đoán biết được ý đồ của địch nên chúng tôi cứ để dân đi qua, vượt qua núi cao, sang phía Bắc là phía ta thì lúc đó chúng tôi bí mật giải thích và đưa đồng bào về phía sau. Địch yên trí là cho dân đi trước, vượt qua dốc núi mà không thấy gì cả.
Đến 10h, bắt đầu đoàn quân của địch hành quân theo trục đường xe tăng đi, vì đây là cả một tiểu đoàn của chúng nên rất đông, khoảng 500-600 quân. Cứ đi một lúc chúng lại nghỉ, tôi phán đoán địch lên thay quân.
Và, đúng vào thế trận của chúng ta đã dự định trước nên chúng tôi cứ để cho địch vào. Khi địch vào gọn đội hình dài khoảng 5 cây số tính từ Cam Lộ đến cao điểm 322, chúng dừng lại. Lúc này, một mặt chúng tôi hội ý, một mặt tôi báo cáo xin ý kiến cấp trên cho nổ súng trước giờ G. Thứ hai là ra lệnh cho hỏa lực, pháo cối của ta đồng loạt bắn khoảng 15 phút trúng thẳng đội hình của địch, khiến chúng rối loạn.
Đến khoảng 10h15', tôi lệnh cho đồng chí Dần thổi kèn đồng xung phong và bắt đầu ra lệnh bắn pháo hiệu xung phong. Thêm khoảng 30 phút nữa, tức là 10h45', chúng tôi đã tiêu diệt hoàn toàn tiểu đoàn của địch, bắt sống Tiểu đoàn trưởng Hà Thúc Mẫn.
Đồng thời, sau đó các hướng của mặt trận đồng loạt nổ súng, đập tan tuyến hàng rào điện tử McNamara của địch, tạo điều kiện cho nhân dân địa phương nổi dậy, giành quyền làm chủ…”.
Trước đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được nghe báo cáo về việc nổ súng trước giờ G, nhưng sau này vẫn muốn nghe trực tiếp Tướng Hiệu kể lại cặn kẽ sự việc này.
Theo lời Tướng Hiệu: “Tôi có kể với Đại tướng về đồng chí Nhật Tụng là một chiến sĩ xạ thủ B40, bắn 7 xe tăng địch và được ra gặp Bác Hồ. Còn đồng chí Khoét bắn 3 xe tăng, đồng chí Viêm bắn 7 xe tăng, đây là những đồng chí dũng sĩ diệt xe tăng lúc đó. Những gương chiến đấu, Đại tướng rất chú ý.
Ngoài ra, Đại tướng cũng nói rất nhiều các nội dung hết sức hệ trọng. Khi tôi dẫn đoàn đến chúc Tết, Đại tướng biết tôi phụ trách khối nhà trường, khối giáo dục đào tạo, khối khoa học, các viện chiến lược, lịch sử…
Đại tướng dặn: “Bây giờ đồng chí về Bộ Quốc phòng công tác rồi, ở tầm chiến lược thì phải cùng với các nhà khoa học, các tướng lĩnh đã từng trải phải tổng kết rút ra những bài học”.
Rồi lúc đó Đại tướng mới nói ra những điều hệ trọng trong ý định của chiến lược khi đánh chiến dịch Mậu Thân 1968, Đường 9 Nam Lào năm 1971, rồi đến chiến dịch năm 1972 ở Quảng Trị và đặc biệt là chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. Đại tướng nói lại, vì lúc đó chúng tôi ở cấp dưới không thể biết được, chỉ biết thực hiện ý đồ của chiến dịch do cấp trên chỉ đạo thôi.
Nhưng trong việc thực hiện đó, phải nói rằng cán bộ chiến sĩ ở cấp dưới rất sáng tạo, tìm tòi cách đánh, cấp trên chỉ cần chỉ đạo về mặt chiến lược, còn họ tìm cách đánh thắng địch mà giảm thương vong mức thấp nhất.
Đại tướng vẫn căn dặn, đánh thắng địch nhưng phải giảm xương máu của cán bộ chiến sĩ ở mức thấp nhất, thế mới gọi là vị chỉ huy giỏi”.
Không chỉ Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu mà các đoàn nước ngoài đến thăm Võ Đại tướng lúc sinh thời, họ cũng rất chú ý lắng nghe lời Đại tướng nói, tìm hiểu về vấn đề nghệ thuật quân sự Việt Nam và nghệ thuật chiến tranh nhân dân.
Tướng Hiệu tâm sự: “Chính những lời Đại tướng căn dặn đã giúp tôi nghiên cứu rất nhiều vấn đề vận dụng vào hiện tại, trong huấn luyện, xây dựng lực lượng vũ trang… Sau đó, tôi đã viết cuốn sách “Một số vấn đề nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc”.
Giờ đây, Đại tướng đã về với cõi vĩnh hằng, tôi tưởng nhớ Đại tướng và nguyện thực hiện các căn dặn của Đại tướng để vận dụng vào thực tế.
Đại tướng nói, kinh tế mạnh thì quốc phòng mới mạnh và quốc phòng mạnh chúng ta mới đủ sức bảo vệ nền độc lập của chúng ta cả trên biển, trên không và trên đất liền”./.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu