Bị cáo phạm tội “Giết người”, Tòa xử “Cố ý gây thương tích”, “Giết người do vượt quá phòng vệ chính đáng”; bị cáo phạm tội “Giết người” nhưng Tòa lại áp dụng mức hình phạt thấp, không tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra... Đó là những gì đã và đang xảy ra tại các phiên xử, nguyên nhân do “vô tình hay hữu ý” vẫn là một ẩn số!?
“Giết người”, xử “Cố ý gây thương tích”!
Anh Phạm Văn Biển nhờ anh Phạm Văn Tây đi thu tiền trả góp hàng ngày (1,5 triệu đồng) của Nguyễn Văn Thông. Thông bị anh Tây chửi mắng nên rất căm tức. Biết anh Tây sẽ đến đòi tiền tiếp, Thông quyết định đi mua một con dao Thái Lan màu vàng rồi giấu trong túi quần. Khi bị anh Tây đòi tiền, Thông dùng dao đâm vào bụng anh Tây. Anh Tây dùng tay đánh lại Thông nhưng không gây thương tích. Chưa hết, Thông còn tiếp tục đâm nhát thứ hai vào lưng anh Tây, nhát thứ ba vào tay trái anh Tây khiến nạn nhân bị thương tật tới 61%.
Án hình sự sơ thẩm xử phạt Nguyễn Văn Thông 7 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Sau đó, VKSND cùng cấp kháng nghị yêu cầu cấp phúc thẩm xử theo hướng áp dụng Điểm n Khoản 1 Điều 93 BLHS và tăng hình phạt tù đối với bị cáo Thông về tội “Giết người”.
Xét thấy hành vi dùng một loại hung khí nguy hiểm đâm nhiều nhát vào vùng bụng và lưng của nạn nhân mà theo kết luận của Trung tâm Pháp y Sở Y tế TP.HCM là “rất nguy hiểm đến tính mạng, có thể dẫn đến chết người”, buộc bị cáo phải biết hành vi đó là nhằm tước đoạt tính mạng của người bị hại. Vì vậy, Tòa cấp phúc thẩm chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSND TP.HCM, sửa án sơ thẩm về tội danh của bị cáo Thông từ “Cố ý gây thương tích” chuyển sang tội “Giết người” nhằm đảm bảo sự tương xứng giữa tội danh, hình phạt và hành vi phạm tội.
Tương tự, Bản án hình sự sơ thẩm số 117/2011/HSST ngày 5/5/2011, áp dụng Khoản 1 Điều 96; Điểm p, đ Khoản 1 Điều 46 BLHS xử phạt bị cáo Phạm Minh Hải về tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”. Sau khi xét xử sơ thẩm, Viện trưởng VKSND TP.HCM kháng nghị yêu cầu cấp phúc thẩm xử bị cáo về tội “Giết người”.
Theo hồ sơ vụ án, Phạm Minh Hải trước khi đi ngủ có để một con dao Thái Lan dài khoảng 20cm ngay ngoài mùng để phòng Vũ Văn Phú Em. Do trước đó Em đòi xuống nhà trọ của Hải đang ở để đánh nhau với Hải. Đúng như dự đoán, khi Hải đang ngủ thì Em tìm đến. Em mang theo một khúc gỗ dài, xông thẳng vào phòng ngủ của Hải. Lúc này, Hải nghe tiếng đạp cửa liền ngồi dậy, Em dùng chân đạp Hải té ngã trong mùng rồi dùng cây gỗ đánh trúng người, tay và chân của anh Hải. Lập tức Hải vớ được con dao đã giấu trước đó đâm ba nhát vào ngực trái của Em. Em đã tử vong sau đó.
Hành vi phạm tội của bị cáo cho thấy Hải có ý định giết chết Em từ trước, thông qua việc Hải đã chuẩn bị sẵn hung khí, quyết tâm tước đoạt sinh mạng của bị hại. Cấp sơ thẩm xử bị cáo tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” là chưa đánh giá đúng tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo. Vì vậy, Tòa cấp phúc thẩm đã sửa lại tội danh “Giết người” đối với bị cáo Hải.
Tăng án vì giết cha ruột
Xuất phát từ mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình, Trần Minh Phụng đã dùng dao Thái Lam đâm 3 nhát vào vùng ngực trái, bắp tay trái và vùng lưng trái của bị hại Trần Văn Được (là cha của Phụng) gây thủng tim và sau đó chết tại bệnh viện. Hành vi của bị cáo Phụng là đặc biệt nghiêm trọng, đã phạm Điểm đ Khoản 1 Điều 93 BLHS; giết cha đẻ là người có công nuôi dưỡng bị cáo từ bé, bị cáo cố tình thực hiện tội phạm đến cùng.
Cấp sơ thẩm đã áp dụng Điểm đ Khoản 1 Điều 93 BLHS xử phạt bị cáo Phụng 14 năm tù về tội “Giết người”. Không đồng tình với bản án của Tòa, Viện trưởng VKSND tỉnh Tây Ninh kháng nghị tăng nặng hình phạt đối với bị cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX nhận định: Tòa cấp sơ thẩm xử bị cáo mức án trên là quá nhẹ, không tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra. Vì vậy, Tòa cấp phúc thẩm tuyên chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKS sơ thẩm, tăng hình phạt đối với bị cáo Phụng từ 14 lên 20 năm tù.
Xuất phát từ việc đến đòi tiền thiếu nợ nhưng không được, giữa Đặng Văn Cường, Đặng Văn Nhuần đã xảy ra xô xát với Hồ Thị Mỹ Hằng, Nguyễn Thành Danh, Hồ Minh Hải. Lúc này, Đặng Văn Cảnh - cháu của Nhuần - và Cường thấy vậy chạy vào trong tiệm sửa xe lấy một cây búa sắt đuổi đánh Danh và Hải. Hậu quả là Hải bị chấn thương sọ não, vết thương đỉnh đầu làm giập não phải tiến hành phẫu thuật. Án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Cảnh 9 năm tù về tội “Giết người chưa đạt”.
Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng, nguyên gây ra xô xát là do nhóm của những người bị hại bị đòi nợ đã dùng dằng không chịu trả, rồi còn gây sự trước; trong lúc xô xát đều có sử dụng hung khí thì bị cáo Cảnh mới lấy búa chạy đến tham gia đánh nhau. Như vậy, hành vi của bị cáo Cảnh là phạm tội “Giết người”, thuộc Khoản 2 Điều 93 BLHS. Việc Tòa cấp sơ thẩm áp dụng Điểm n Khoản 1 Điều 93 BLHS là chưa chính xác. Do đó Tòa án cấp phúc thẩm đã sửa lại khung hình phạt cho phù hợp với hành vi phạm tội của bị cáo Cảnh.
Phong Trần (còn nữa)