Doanh nghiệp nào về “siêu ủy ban”
Theo Dự thảo Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cơ quan này sẽ đại diện chủ sở hữu của 21 tập đoàn, tổng công ty; trong đó có 6 “ông lớn” thuộc Bộ Công Thương là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Cty Thuốc lá Việt Nam và 6 DN thuộc Bộ Giao thông Vận tải là Tổng Cty Hàng không Việt Nam, Tổng Cty Hàng hải Việt Nam, Tổng Cty Đường sắt Việt Nam, Tổng Cty Đầu tư phát triển cao tốc Việt Nam, Tổng Cty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng Cty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 5 DN chuyển về “siêu ủy ban” là Tổng Cty Cà phê Việt Nam, Tổng Cty Công nghiệp cao su Việt Nam, Tổng Cty Lương thực Miền Bắc, Tổng Cty Lương thực Miền Nam và Tổng Cty Lâm nghiệp Việt Nam. Bộ Thông tin và Truyền thông có 3 DN được chuyển vốn quản lý sang “siêu ủy ban” là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng Cty Viễn thông VTC và Tổng Cty Viễn thông MobiFone.
Ngoài 20 DN trên, Tổng Cty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng sẽ được chuyển về "siêu uỷ ban" từ Bộ Tài Chính. Theo Dự thảo, dù chuyển cơ quan quản lý nhưng SCIC vẫn là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc đối tượng được chuyển giao từ các bộ, UBND cấp tỉnh (trừ một số DN đặc thù).
Như vậy, so với dự thảo trước đây, có sự thay đổi về số DN sẽ chuyển về “siêu ủy ban”, từ 30 DN xuống còn 21 DN. Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại Doanh nghiệp, đơn vị này sẽ quản lý hơn 3 triệu tỷ vốn thay vì hơn 5 triệu tỷ vốn do có sự thay đổi về số lượng DN.
Không có tên nhiều “đại gia” thuộc Bộ Công Thương
Ngoài 6 DN lớn thuộc Bộ Công Thương như đã nói ở trên sẽ chuyển về “siêu ủy ban” thì nhiều DN lớn khác của Bộ này sẽ không chuyển về dù dự thảo trước đó có tên. Có thể kể đến những DN có vốn nhà nước sẽ vẫn ở Bộ Công Thương như Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tổng Cty Thép Việt Nam (VNSteel), Tổng Cty Giấy Việt Nam (Vinapaco), Tổng Cty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAMCORP), Tổng Cty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng Cty Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội (Habeco)…
6 DN thuộc Bộ Công Thương sẽ chuyển về “siêu ủy ban” đều là những DN nhà nước nắm giữ 100% vốn; công ty mẹ của những DN này chưa được cổ phần hóa, chỉ cổ phần hóa ở một số đơn vị thành viên. Trong khi đó, những DN lớn khác thuộc Bộ Công Thương không nằm trong danh sách sẽ về “siêu ủy ban” thì đa số đã được cổ phần hóa, vốn nhà nước một phần đã được bán ra bên ngoài hoặc đang có kế hoạch cổ phần hóa trong thời gian tới đây.
Ngoài nhiều DN lớn thuộc Bộ Công Thương sẽ không về “siêu ủy ban” có thêm một số DN lớn thuộc các bộ khác cũng sẽ không về cơ quan này, có thể kể đến như Tập đoàn Bảo Việt (Bộ Tài chính); Tổng Cty Sông Đà, Tổng Cty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (Bộ Xây dựng); Tổng Cty Dược Việt Nam (Bộ Y tế)…
Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng sau khi thành lập “siêu ủy ban” sẽ chấm dứt tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” ở các bộ liệu có thành hiện thực.