Vì sao ngành Tòa án chọn Vua Lý Thái Tông là biểu tượng công lý?

Ba mẫu phác thảo tượng Vua Lý Thái Tông đang được TAND Tối cao lấy ý kiến.
Ba mẫu phác thảo tượng Vua Lý Thái Tông đang được TAND Tối cao lấy ý kiến.
(PLVN) - Để lựa chọn biểu tượng công lý của TAND, TAND Tối cao vừa có văn bản lấy ý kiến gửi các Thẩm phán TAND Tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương (TAQS TW), Thủ trưởng các đơn vị thuộc TAND Tối cao, Chánh án TAND Cấp cao và Chánh án TAND các tỉnh, thành.

Hành trình lựa chọn nhân vật tiêu biểu  

Tháng 11/2019, để lựa chọn nhân vật tiêu biểu trong hoạt động xét xử thời kỳ quân chủ, TANDTC đã tổ chức phiên họp Ban Chỉ đạo xây dựng nhân vật tiêu biểu (BCĐ) để cho ý kiến về các tiêu chí lựa chọn nhân vật.

Các thành viên trong BCĐ gồm PGS.TS Nguyễn Hòa Bình (Chánh án TANDTC) là Trưởng ban; cùng các thành viên khác như nhà sử học Dương Trung Quốc, GS. TSKH Vũ Minh Giang, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc (cùng là Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam)…

Quan điểm của BCĐ nêu rõ, tiêu chí lựa chọn nhân vật tiêu biểu trong hoạt động xét xử thời kỳ quân chủ là những nhân vật phải có nhân thân rõ ràng, có đạo đức, trí tuệ, văn hóa nổi bật trong lịch sử; có công với nước, với dân và được người dân mến mộ; là tấm gương yêu nước, thương dân và hết lòng vì nước, vì dân, tận tâm, tận lực vì sự tiến bộ và công bằng của xã hội.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Hội thảo.
 Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Hội thảo.

Bên cạnh đó, mỗi nhân vật phải gắn với một hoặc nhiều vụ án, câu chuyện pháp đình nổi bật qua các triều đại trong lịch sử cổ, trung đại Việt Nam…

Theo Hội đồng Nghệ thuật, tượng Vua Lý Thái Tông phải đáp ứng được các nội dung, yêu cầu về mỹ thuật như: Tượng phải thể hiện được tính trang nghiêm, trang trọng, lột tả được thần thái, ý chí của thể hiện vẻ đẹp, trí tuệ của người làm công tác xét xử, bảo vệ công lý.

Tượng được đúc bằng đồng đỏ nguyên khối, đứng thẳng, toàn thân, có chân đế, tay phải cầm cuốn Bộ luật Hình thư, tay trái cầm chuông kêu oan thể hiện sự trang nghiêm…

Từ quan điểm chỉ đạo này, 15 nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam đã được đưa ra. Và sau cuộc hội thảo khoa học về nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam diễn ra tháng 11/2029 tại Ninh Bình, các chuyên gia, nhà khoa học đã thống nhất lựa chọn 5 nhân vật để lựa chọn gồm: Đô hộ phủ sỹ sư Lưu Cơ thuộc thời Đinh và Tiền Lê, Thái úy Tô Hiến Thành, Vua Lý Thái Tông, Vua Lý Thánh Tông và Vua Trần Nhân Tông.

Đa số các thành viên trong BCĐ đều đề nghị lựa chọn nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam là một vị vua, người có thẩm quyền xét xử cao nhất và trực tiếp xét xử nhiều vụ án. Trong số 5 nhân vật lịch sử được lựa chọn, hai nhân vật nhận được sự đồng thuận cao từ các chuyên gia là Vua Trần Nhân Tông và Vua Lý Thái Tông.

Sau cùng, qua nhiều lần bàn bạc, nghiên cứu kỹ lưỡng, Vua Lý Thái Tông đã được lựa chọn. Bởi theo các chuyên gia, nhà khoa học thì Vua Lý Thái Tông là vị vua nổi bật nhất trong các vị vua thời Lý. Công trạng, dấu ấn của ông toàn diện ở nhiều lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, xã hội, tôn giáo, lập pháp, hành pháp, tư pháp, đặc biệt là lĩnh vực xét xử. 

Vị vua ban hành bộ luật thành văn đầu tiên  

Sử sách ghi lại, Vua Lý Thái Tông (1000 – 1054) là vị hoàng đế thứ hai của triều đại nhà Lý, trị vì trong 26 năm (1028–1054). Ông được đánh giá là một vị vua tài giỏi, thời đại của ông được xem là khởi đầu sự thịnh vượng của nhà Lý. Với lịch sử nhà nước và pháp luật, Vua Lý Thái Tông là người có đóng góp to lớn trong nền tư pháp nước nhà với nhiều điểm nhấn quan trọng, mà một trong số đó là việc ban hành Bộ luật Hình thư, bộ luật thành văn đầu tiên của nhà nước ta. 

Theo lịch sử, Vua Lý Thái Tông trước khi ban hành Bộ luật Hình thư vào năm 1042, thấy tình hình dân kiện tụng trong nước phiền nhiễu, quan lại giữ luật pháp câu nệ luật văn, cốt làm cho tình hình khắc nghiệt, thậm chí có người bị oan uổng quá đáng. “Vua lấy làm thương xót nên đã sai quần thần định luật, biên soạn thành điều khoản để ban hành thành sách và ra chiếu chỉ áp dụng trên tinh thần lấy dân làm gốc nên việc xử án đảm bảo công bằng”, một tài liệu sử chép lại.

Bộ luật Hình thư năm 1042 được xem là bộ luật đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Việc ban hành Bộ luật Hình thư được đánh giá là một cột mốc quan trọng trong lịch sử lập pháp nước ta. Về mặt văn bản, bộ luật này không còn bản gốc, nhưng một số nội dung còn được ghi chép lại trong sử cũ. 

Hội thảo khoa học về nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam.
 Hội thảo khoa học về nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam.

Căn cứ vào những ghi chép trong “Đại Việt sử ký toàn thư” thì Bộ luật Hình thư là một sưu tập luật lệ có tính pháp điển. Về quy mô, Bộ luật Hình thư gồm 3 quyển. Về nội dung, qua những ghi chép còn lại trong sử cũ, bộ luật có những quy định về tổ chức của triều đình, quân đội và hệ thống quan lại; quy định biện pháp trừng trị đối với những hành vi nguy hiểm cho xã hội; quy định một số vấn đề về sở hữu và mua bán đất đai, tài sản; quy định về thuế… 

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, Bộ luật Hình thư được ban hành để khẳng định quyền lợi, địa vị của nhà nước phong kiến, đồng thời là công cụ để ổn định xã hội, giữ gìn kỷ cương, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt, cũng như nhiều hoàng đế nhà Lý khác có lượng khoan hồng vì ảnh hưởng của quốc giáo là đạo Phật, Vua Lý Thái Tông còn được sử sách ngợi ca là vị hoàng đế bao dung, nhân hậu. Điển hình là việc nhà vua đã cho sửa những quy định liên quan đến người già trên 70 tuổi, trẻ em từ 15 tuổi trở xuống và những người ốm yếu hay những người có công trạng với đất nước phạm tội cũng được áp dụng hình phạt theo hướng nhân văn hơn… 

Có thể nói, sự ra đời của Bộ luật Hình thư của Vua Lý Thái Tông để quản lý đất nước bằng pháp luật đã đóng góp to lớn vào sự trường tồn 200 năm của triều đại nhà Lý, đưa đất nước vào một giai đoạn cường thịnh. Nhìn từ góc độ xét xử, với Bộ luật Hình thư, Vua Lý Thái Tông xứng đáng là một nhân vật tiêu biểu cho tinh thần nghiêm minh kết hợp nhân đạo, khoan dung.

Dựng tượng Vua Lý Thái Tông làm biểu tượng công lý

Từ sự bàn bạc, lựa chọn của các chuyên gia, nhà khoa học cũng như của BCĐ xây dựng nhân vật tiêu biểu trong hoạt động xét xử thời kỳ quân chủ, ngày 5/2/2020, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã thống nhất tôn vinh Hoàng đế Lý Thái Tông là nhân vật biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử trong lịch sử Việt Nam. 

Để lấy ý kiến lựa chọn mẫu phác thảo tượng Vua Lý Thái Tông đặt tại trụ sở các Tòa án, Phó Chánh án TAND Tối cao Lê Hồng Quang vừa ký văn bản lấy ý kiến gửi các Thẩm phán TAND Tối cao, Chánh án TAQS TW, Thủ trưởng các đơn vị thuộc TAND Tối cao, Chánh án TAND Cấp cao và Chánh án TAND các tỉnh, thành. 

Văn bản nêu rõ, TAND Tối cao cho rằng việc xây dựng tượng Vua Lý Thái Tông là hành động thiết thực, ý nghĩa để tri ân và tôn vinh những cống hiến to lớn cho đất nước, dân tộc của các bậc tiền nhân, đặc biệt là những công trạng trong lĩnh vực xét xử và tư pháp.

“Mục đích dựng tượng Vua Lý Thái Tông còn hướng tới xây dựng một hình tượng lịch sử, đại diện cho hoạt động xét xử của Việt Nam, biểu tượng của công lý trong lịch sử Việt Nam”, bản thuyết minh kèm văn bản của TAND Tối cao nêu rõ.

Cùng với công trình trụ sở mới và cũ của TAND Tối cao, bức tượng sau khi hoàn thành sẽ được đặt ở trụ sở các TAND. Công trình sẽ là những tác phẩm nghệ thuật có tính thẩm mỹ cao, giàu sức biểu cảm, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, chứa đựng và truyền tải những thông điệp của lịch sử và thời đại về TAND. Công trình còn góp phần thể hiện tầm vóc, sự uy nghiêm của cơ quan tư pháp cao nhất đất nước, thực hiện quyền tư pháp và bảo vệ công lý. 

Tại phiên họp Hội đồng nghệ thuật xây dựng tượng Vua Lý Thái Tông ngày 16/3, nói về sự lựa chọn và xây dựng tượng hình tượng nhân vật, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, Vua Lý Thái Tông là người có đóng góp to lớn trong nền tư pháp nước nhà với bốn điểm nhấn vô cùng quan trọng.

Thứ nhất, ông là người ban hành Bộ luật Hình thư, đây là bộ luật thành văn đầu tiên của Nhà nước ta; hai là, ông nghĩ ra chiếc chuông đặt trước cửa triều đình để dân kêu oan; thứ ba là, ông trực tiếp tham gia các vụ án lên tới nhà vua và xét xử một cách công bằng, khuyến khích tinh thần xét xử nhân ái; thứ tư là, khi làm vua, ông đã đặt ra một chức quan xét xử, giao cho con trai mình và đào tạo con trai ông thành một vị quan xử án mẫu mực và lừng danh trước khi trở thành hoàng đế anh minh Lý Thánh Tông, để lại bài học thành công trong đào tạo người thi hành pháp luật, bảo vệ công lý cho mọi thời đại.

Đọc thêm

Nâng cao nhận thức pháp luật và khả năng tiếp cận tín dụng có bảo đảm

Nâng cao nhận thức pháp luật và khả năng tiếp cận tín dụng có bảo đảm
(PLVN) - Trong 02 ngày từ 27-28/3/2024, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, với sự hỗ trợ bởi Chương trình “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) do Liên minh Châu Âu tài trợ với sự đóng góp tài chính của hai cơ quan thuộc Liên hợp quốc là UNDP và UNICEF, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp đã tổ chức Lớp tập huấn cho cán bộ địa phương về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi): Quy định rõ cơ chế, giới hạn áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát

 Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội nghị.
(PLVN) - Sáng 26/3, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là mô hình mới, chưa có thực tiễn kiểm nghiệm. Do đó, cần tiếp cận nội dung này theo hướng thận trọng, bảo đảm kiểm soát tốt.

Đảm bảo chất lượng, thời gian đào tạo nghề công chứng

Công chứng viên giải quyết yêu cầu của khách hàng (ảnh MH).
(PLVN) - Để góp phần nâng cao chất lượng đầu vào của đội ngũ Công chứng viên (CCV), dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) quy định người muốn hành nghề công chứng đều phải tham dự khóa đào tạo nghề công chứng. Quy định này cũng phù hợp với pháp luật các nước theo hệ thống công chứng Latinh.

TP.Thủ Đức: Cưỡng chế bàn giao đất cho người được thi hành án

TP.Thủ Đức: Cưỡng chế bàn giao đất cho người được thi hành án
(PLVN) -Ngày 25-3, Chi cục thi hành án dân sự (THADS) TP. Thủ Đức, TP.HCM đã tổ chức thi hành xong Bản án số 1027/2018/DSPT ngày 12-11-2018 của TAND TP.HCM; Quyết định giám đốc thẩm số 167/2019/DS-GDT ngày 4-7-2019 của TAND cấp cao tại TP.HCM; Quyết định thi hành án số 994/QĐ- CCTHADS ngày 3-12-2018 của Chi cục Trưởng Chi cục THADS TP. Thủ Đức.

Tiếp tục tháo gỡ “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06 trong lĩnh vực hộ tịch

Quang cảnh buổi làm việc.
(PLVN) -Sáng 25/3, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đã chủ trì cuộc làm việc với các đơn vị về tháo gỡ các vướng mắc triển khai Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030 trong lĩnh vực hộ tịch.

Tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng

Người dân thực hiện thủ tục về công chứng (ảnh MH, Báo VP).
(PLVN) - Tính đến nay, nước ta có hơn 3.300 công chứng viên (CCV) với gần 1.300 tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC). Để đảm bảo sự phát triển liên tục, ổn định, bền vững của các tổ chức này, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đã quy định nguyên tắc phát triển tổ chức hành nghề công chứng phải căn cứ vào điều kiện kinh tế-xã hội, diện tích, số lượng và mật độ phân bố dân cư, nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch trên địa bàn cấp huyện dự kiến thành lập.