Vì sao Nga vẫn 'rót ngân' duy trì Thiếu sinh quân?

Thiếu sinh quân thăm tàu hải quân Nga
Thiếu sinh quân thăm tàu hải quân Nga
(PLO) - Sử dụng thành thạo súng trường, nhảy dù, hát những bài ca yêu nước, từ hai năm nay, ngày càng có nhiều trẻ em và thiếu niên Nga, phần lớn xuất thân từ tầng lớp xã hội bình dân, tham gia huấn luyện quân sự. Tất cả đều là thành viên Đội Thiếu sinh quân - Yunarmiya - do chính Matxcơva khởi xướng từ năm 2016 và hoạt động dưới sự bảo trợ của Bộ Quốc phòng để liên kết các dân tộc trong Cộng hòa Liên bang Nga.

Quan sát hoạt động tại một khu huấn luyện ở Volosovo, cách thủ đô Matxcơva hai giờ đi tàu, nhiều người có cùng nhận định: “Thanh niên Nga, ngay từ nhỏ, đã được hướng đến quốc phòng”. Những thanh thiếu niên này chỉ trong độ tuổi 16-18. Họ được tổ chức Yunarmiya tuyển ngay trong nhà trường, thông qua các câu lạc bộ ngoại khóa. Tổ chức Yunarmiya hoạt động theo phương châm: “Giáo dục giới trẻ từ 8 tuổi trong tinh thần yêu nước, dạy họ về di sản quân sự quốc gia, phát triển tinh thần tập thể và những nguyên tắc đạo đức phù hợp với dân tộc Nga, khuyến khích và chuẩn bị cho thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự”.

Nhiều vị khách thán phục khi chứng kiến các thiếu sinh quân ở Volosovo gấp dù một cách thuần thục, chuyên nghiệp ngay khi vừa chạm đất. Trong ánh mắt tự hào, ông Konstantin, người huấn luyện, khẳng định rằng không hề có vấn chuyện định hướng tư tưởng, mà “đây là một cơ hội cho những đứa trẻ đó. Một cơ may cho các em được ra khỏi nhà, khám phá các hoạt động, những điều mà có lẽ chúng đã không thể làm”.

Nhóm thanh thiếu niên tham gia khóa tập huấn này không xuất thân từ tầng lớp khá giả ở các thành phố lớn của Nga. Đội Thiếu sinh quân - Yunarmiya - tạo cho họ cơ hội giải trí và các chương trình đào tạo mà các em này khó với tới được: Các môn thể thao mạnh, sơ cứu, khám phá nhiều ngành nghề khác nhau (báo chí, hàng không, nghe nhìn…), được đi khắp nước Nga. Khó lòng phủ nhận rằng Yunarmiya hoạt động như một kiểu trại hè khổng lồ theo chủ đề quân sự.

Thành viên của Yunarmiya được vinh dự tham gia diễu hành bên cạnh những quân nhân thực sự và cựu chiến binh trong các sự kiện quan trọng hàng năm: Kỉ niệm trận Matxcơva 7/11, ngày hội Người bảo vệ Tổ quốc 23/2. Những thiếu sinh quân này còn được mời tham gia cuộc tập hợp hàng năm tại “Công viên Yêu nước” - Patriot Park, một quần thể giải trí rộng lớn mang chủ đề quân sự, nằm ở ngoại ô Matxcơva. Suốt hôm đó, các em được mặc đồng phục mầu be, đội mũ bê rê đỏ đậm, nghe diễn văn của Bộ trưởng Quốc phòng, gặp gỡ các quân nhân, được tập bắn súng và hát những bài ca ngợi quân đội Nga.

Từ thiếu sinh quân đến quân đội Nga là điều hiển nhiên. Họ được hưởng ưu ái để vào các “lớp quân sự” trong đại học. Ngoài chương trình thông thường, những sinh viên đặc biệt này còn theo một chương trình đào tạo quân sự riêng.

Vì sao Nga vẫn 'rót ngân' duy trì Thiếu sinh quân? ảnh 1
Đồng phục mầu be, đội mũ bê rê đỏ đậm là trang phục của các thiếu sinh quân Nga

Tại sao phải duy trì một tổ chức như vậy trong khi Matxcơva không tiết lộ ngân sách dành cho Đội Thiếu sinh quân? Dù đang được hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa, nhưng nhu cầu về nhân sự của quân đội Nga cũng không lớn đến như vậy. Theo một ý kiến, lực lượng Yunarmiya không chỉ nhằm cung cấp nhân sự cho quân đội, mà điều quan trọng hơn là tổ chức này góp phần vào quá trình thúc đẩy và củng cố đường lối tư tưởng để nâng cao tầm quan trọng của chiến lược phát triển quân sự. 

Ông Igor Delanoë, trợ lý giám đốc Đài Quan sát Pháp - Nga, giải thích: “Học thuyết chiến lược của Nga được ban hành năm 2016 nhận định rằng trong số những nguy cơ mà Nga phải đối mặt có “sự chia rẽ tiềm tàng” của xã hội và điều này có thể bị các thế lực thù địch khai thác. Những sáng kiến như Yunarmiya nhằm gắn chặt xã hội Nga. Những bài diễn văn quân sự và yêu nước vẫn còn rất hiệu quả tại Nga”.

Phong trào Đội Thiếu sinh quân còn hoạt động tốt hơn vì liên bang Nga rộng lớn, có đến 150 quốc tịch khác nhau và bốn tôn giáo chính, đang khó xác định được bản sắc quốc gia để có thể bao trọn được cả những người Slav theo Chính Thống Giáo, cộng đồng theo đạo Phật ở Viễn Đông, người Hồi Giáo Tatar và nhiều sắc dân khác ở vùng Kavkaz.

Ca ngợi các thành tích quân sự là cơ hội thuận lợi cho quá trình đoàn kết những dân tộc này, ngày Chiến thắng 9/5 hiện là “biểu tượng duy nhất vượt qua rào cản tuổi tác, sắc tộc và tầng lớp xã hội Nga”, theo giải thích của chuyên gia Delanoë. Đến mức mà lễ kỷ niệm này đôi khi mang hơi hướng như tôn giáo quốc gia, với những cuộc duyệt binh mỗi năm lại có quy mô lớn hơn so với những sự kiện được tổ chức dưới thời Xô Viết. Đây cũng là một giải pháp để hòa giải những di sản lịch sử đối lập của nước Nga hiện đại: Di sản của đế chế Nga và di sản của Liên Bang Xô Viết.

Nhiều tổ chức, như Hội Lịch sử Quân sự Nga, được thành lập năm 2012 theo quyết định của tổng thống Vladimir Putin, còn tổ chức kỷ niệm chiến thắng hoàng đế Pháp Napoléon năm 1812 hoặc chiến thắng quân phát xít Đức năm 1945. Lập trường chính thức coi những “con người lễ độ” dấn thân ở bán đảo Crimée hoặc đội viễn chinh Nga ở Syria đều là những người kế thừa trực tiếp của các thế hệ trước.

Tương tự, nhiều đơn vị trong quân đội hiện nay được đặt tên theo những trận chiến trong Thế Chiến II, song song với những tên gọi đặt theo thời Nga hoàng. Thậm chí, Giáo hội Chính Thống Giáo giờ cũng thường xuyên được dàn xếp xuất hiện bên cạnh quân đội Nga.

Về phần mình, Bộ Văn hóa Nga tài trợ khá mạnh cho những công trình điện ảnh quốc gia có quy mô lớn nói về Thế Chiến II, như phim Trận đánh Sebastopol (2015), 28 cảm tử quân của Panfilov (2016), Bất khả chiến bại dự kiến khởi chiếu vào tháng 12/2018.  

Kết quả là nếu như năm 2010, theo một nghiên cứu của Viện thăm dò Nga FOM, chỉ khoảng 22% người dân đánh giá nghề binh là nghề “có uy tín”, thì năm 2018, tỉ lệ này tăng lên thành 60%. Số thiếu sinh quân tăng từ 26.000 người vào năm 2016 lên thành hơn 230.000 người vào tháng 5/2018.

Đọc thêm

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.