Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Phan Chí Dũng (nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương), Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM), Lâm Nguyên Khôi (nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM)…
Khoảng 8h, cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đến tòa cùng luật sư Nguyễn Huy Thiệp. Ông Hoàng được cho tại ngoại, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.
Theo ghi nhận của phóng viên, ông Hoàng đi lại chậm chạp, sức khỏe có vẻ yếu. Khi lên thềm TAND cấp cao tại Hà Nội để vào phòng xử, ông Hoàng phải vịn vào luật sư để bước lên. Được biết trước khi đến phiên tòa này, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương phải tiêm thuốc giảm đau liều cao. Ông Hoàng bị các bệnh lý về tim, ung thư tiền liệt tuyến.
8h35, HĐXX bắt đầu làm việc. Chủ tọa Nguyễn Ngọc Huân công bố Quyết định đưa vụ án ra xét xử. Theo báo cáo của thư ký, dù đã được triệu tập hợp lệ nhưng bị cáo Nguyễn Hữu Tín, Lê Văn Thanh (cựu Phó Chánh Văn phòng UBND TP.HCM) và bị cáo Nguyễn Thanh Chương (cựu Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP.HCM) vắng mặt.
Ngoài 3 bị cáo vắng mặt, nhiều người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được triệu tập là: ông Phan Văn Tuất (nguyên chủ tịch HĐQT, phụ trách Bộ phận quản lý vốn nhà nước - BPQLVNN tại Sabeco), ông Võ Thanh Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT, phụ trách BPQLVNN giai đoạn 2015-2018), bà Phạm Thị Hồng Hạnh (nguyên Tổng Giám đốc Sabeco), ông Lê Hồng Xanh (nguyên Phó TGĐ) và ông Nguyễn Minh An (nguyên Phó TGĐ Sabeco)… cũng vắng mặt.
Trước sự vắng mặt của bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, đại diện VKS đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa theo quy định của pháp luật. Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, bào chữa cho bị cáo Vũ Huy Hoàng, đồng tình với quan điểm của đại diện VKS và đề nghị triệu tập đầy đủ các bị cáo cũng như những người liên quan đến tòa.
Luật sư của bị cáo Lê Quang Minh (cựu Trưởng phòng Phát triển hạ tầng, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM) cho biết, bị cáo chưa được tống đạt Quyết định đưa vụ án ra xét xử, đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa để tống đạt theo quy định của pháp luật.
Cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng. |
Trước đó, khi được kiểm tra căn cước, cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói khá nhỏ, giọng yếu ớt. Bị cáo Hoàng nói từng làm việc ở Bộ Công thương và chưa có tiền án, tiền sự, không bị tạm giam, tạm giữ.
Sau khi hội ý, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa. Theo lời chủ tọa, việc vắng mặt 3 các bị cáo, nhiều người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan sẽ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án. Về thời gian mở lại phiên toà, theo chủ toạ sẽ tiến hành vào dịp khác. Chủ toạ phiên toà yêu cầu các cơ quan tố tụng có liên quan trích xuất, tống đạt cho các bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên phải có mặt đầy đủ trong thời gian mở lại phiên toà.
Theo cáo buộc, Tổng Công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) thuộc Bộ Công Thương quản lý. Sabeco được giao cho khu đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM) để sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp và nộp tiền thuê đất hàng năm. Quá trình thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với Sabeco, ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa (nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, hiện đang bị truy nã quốc tế) và ông Phan Chí Dũng đã có hành vi vi phạm gây thiệt hại cho nhà nước.
Tài liệu điều tra thể hiện, họ đã có ý kiến chỉ đạo đối với các cán bộ cấp dưới thuộc Bộ Công thương và Sabeco trong quá trình Sabeco thực hiện các thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng và tiền của Sabeco để thành lập Công ty liên doanh Sabeco Pearl cùng với các doanh nghiệp tư nhân đầu tư thực hiện Dự án “Xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê” trên khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.
Khi Sabeco thực hiện xong các thủ tục pháp lý đầu tư Dự án cho liên doanh Sabeco Pearl và đề nghị được UBND TP.HCM chấp thuận bổ sung chức năng officetel và căn hộ ở cho dự án thì ngay sau đó Bộ Công thương đã chỉ đạo Sabeco thoái toàn bộ vốn góp trong dự án này cho doanh nghiệp tư nhân tham gia liên doanh. Từ đó hoàn tất việc chuyển quyền quản lý, sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng có giá trị hơn 3.816 tỷ đồng là tài sản của Nhà nước sang tư nhân trái pháp luật. Việc này gây thất thoát, thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 2.713 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, ông Vũ Huy Hoàng chỉ thừa nhận trách nhiệm với vai trò là người đứng đầu Bộ Công thương và cho rằng trách nhiệm chính thuộc về Hồ Thị Kim Thoa; việc chấp thuận cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án, được thuê đất tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của UBND TP.HCM; việc phê duyệt giá cổ phần làm giá khởi điểm và giá cổ phần khi dự án có thêm chức năng căn hộ ở trên cơ sở báo cáo của Sabeco, ông Hoàng chỉ nêu chủ trương chứ không kết luận, không phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá.