Sắp xử ông Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Hữu Tín trong vụ "đất vàng Sabeco": Thủ đoạn biến đất công thành “đất ông”

Khu đất 6.080 m2 số 2-4-6 Hai Bà Trưng có vị trí đắc địa với 3 mặt tiền.
Khu đất 6.080 m2 số 2-4-6 Hai Bà Trưng có vị trí đắc địa với 3 mặt tiền.
(PLVN) - Dự kiến từ ngày 7/1 đến 14/1, tại TAND Hà Nội, ông Vũ Huy Hoàng (từng có thời gian là Bộ trưởng Công Thương), ông Nguyễn Hữu Tín (cựu PCT UBND TP HCM) cùng một số bị cáo bị xét xử về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, Vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

Không định giá khu đất vào phần vốn góp 

Trong vụ án này, ông Hoàng đã chuyển nhượng trái luật tài sản nhà nước ở khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (Quận 1, TP HCM). Đồng phạm giúp sức của ông Hoàng là cấp phó Hồ Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Công nghiệp nhẹ Phan Chí Dũng và nhóm 8 lãnh đạo, cán bộ UBND TP HCM, theo cáo trạng của VKSND Tối cao.

Khu đất 6.080 m2 số 2-4-6 Hai Bà Trưng có vị trí đắc địa với 3 mặt tiền, do Cty CP Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - do Bộ Công Thương trực tiếp quản lý) quản lý, nộp tiền thuê đất hàng năm và dùng để sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp.  

Theo đề nghị của Sabeco, tháng 12/2007, ông Tín đồng ý chủ trương cho Cty này làm chủ đầu tư thực hiện dự án xây khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại hội nghị, cao ốc văn phòng cho thuê tại khu đất này.

Để có pháp nhân thực hiện dự án, Sabeco cùng nhiều DN tư nhân thành lập Cty liên doanh Sabeco Land. Năm 2011, UBND TP HCM duyệt giá trị quyền sử dụng đất để Sabeco thực hiện nghĩa vụ tài chính khi được chuyển mục đích sử dụng đất theo giá thị trường là 1.236 tỷ đồng.

Do số tiền quá lớn, Sabeco không bố trí được nên báo cáo Bộ Công Thương gửi công văn xin TP gia hạn thời gian nộp tiền. Cty liên doanh Sacbeco Land cũng giải thể sau đó.

Cùng thời gian này, Chính phủ ban hành nghị quyết yêu cầu các tập đoàn kinh tế, TCty nhà nước tập trung vốn đầu tư vào các ngành kinh doanh chính, không đầu tư ngoài ngành nhất là các lĩnh vực tài chính, bất động sản. Đối với TCty đã đầu tư vào các lĩnh vực này phải sớm có kế hoạch thoái vốn, chấm dứt kinh doanh.

Tuy nhiên, ba lãnh đạo Bộ Công Thương là ông Hoàng, bà Thoa, ông Dũng đã không thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ mà vẫn giao Sabeco thực hiện đầu tư dự án bất động sản.

Tháng 4/2014, Bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco do ông Phan Đăng Tuất (Chủ tịch HĐQT, phụ trách Bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco) và nhiều thành viên ký công văn đề xuất Bộ Công Thương cho hợp tác với nhóm nhà đầu tư mới, thành lập Cty CP để tiếp tục thực hiện dự án.

Phương án đề xuất là Sabeco sẽ góp 26% vốn điều lệ (18% tiền mặt và 8% giá trị lợi thế), các cổ đông còn lại góp vốn bằng tiền mặt và nộp 1.236 tỷ đồng tiền sử dụng đất cùng tiền nộp phạt quá hạn. Sabeco không phải góp vốn đầu tư dự kiến khoảng 3.000 tỷ đồng, các cổ đông còn lại cam kết thu xếp nguồn tiền cho việc triển khai dự án theo đúng tiến độ. Sabeco sau đó sẽ chuyển quyền sử dụng khu đất cho Cty CP này để triển khai dự án.

Tháng 6/2014, ông Dũng tham mưu cho bà Thoa ký công văn trả lời phương án đề xuất của Sabeco, thì được yêu cầu gửi dự thảo công văn xin ý kiến chỉ đạo của ông Hoàng trước khi ký phát hành. Ông Hoàng sau đó trực tiếp ghi thêm vào dự thảo văn bản với nội dung: "Việc lựa chọn nhà thầu đầu tư cụ thể, TCty phải báo cáo Bộ để được xem xét quyết định".

Ba ngày sau, bà Thoa ký công văn và bổ sung ý kiến của ông Hoàng vào văn bản: “Bộ Công thương đồng ý với đề nghị của Bộ phận quản lý vốn nhà nước về việc lựa chọn nhóm nhà đầu tư mới thay thế nhà đầu tư cũ để triển khai dự án”.

Được lãnh đạo Bộ chấp thuận chủ trương, đại diện của Sabeco đã hợp tác với Cty Attland, Cty đầu tư thương mại và dịch vụ Hà An, Cty đầu tư Mê Linh để thành lập Cty CP Sabeco Pearl, vốn điều lệ gần 485 tỷ. Attland, Hà An và Mê Linh sẽ thực hiện nộp tiền sử dụng khu đất 2-4-6 và tiền phạt chậm nộp cho nhà nước.

Theo cáo trạng, giá trị quyền sử dụng khu đất đưa vào liên doanh để đầu tư thực hiện dự án nhưng không được định giá theo quy định pháp luật để tính vào phần vốn góp của Sabeco.

Thiệt hại ước tính hơn 2.700 tỷ đồng

Từ công văn đề nghị của Sabeco, tháng 4/2015, ông Tín ký quyết định duyệt giá trị quyền sử dụng khu đất là hơn 997 tỷ đồng. Cùng lúc, ông Tín chỉ đạo lãnh đạo các sở đề xuất UBND TP xem xét quyết định với đề nghị của Sabeco về việc chuyển quyền sử dụng khu đất cho pháp nhân mới của Sabeco là Sabeco Pearl.

Tháng 6/2015, ông Tín ký công văn chấp thuận cho Sabeco Pearl thuê khu đất với giá hơn 997 tỷ đồng (thấp hơn giá UBND TP duyệt trước đó là 1.236 tỷ đồng), thời hạn 50 năm. Một tuần sau, Đào Anh Kiệt (Giám đốc Sở TN&MT) ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản gắn liền với khu đất cho Sabeco Pearl.

Sau đó theo đề xuất của ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, ông Tín tiếp tục ký công văn chấp thuận điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc xây dựng, bổ sung thêm chức năng officetel (văn phòng cho thuê và khách sạn) và căn hộ ở cho dự án.

Ngay sau đó, nhóm các nhà đầu tư của Sabeco Pearl cùng ký công văn gửi ông Hoàng đề xuất chỉ đạo Sabeco thoái toàn bộ vốn góp tại Sabecon Pearl. Khi chưa có phản hồi, nhóm nhà đầu tư này tiếp tục ký công văn gửi ông Hoàng đề nghị được mua lại toàn bộ phần vốn góp 26% của Sabeco.

Tiếp nối đề xuất của nhóm nhà đầu tư, ông Dũng ký báo cáo gửi ông Hoàng, bà Thoa cho rằng thoái vốn là “phù hợp với chủ trương của Chính phủ” và đề nghị Bộ Công Thương có công văn yêu cầu bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco xây dựng phương án. Tổ thoái vốn sau đó được Sabeco thành lập theo chỉ đạo của Bộ Công Thương.

14,7 triệu cổ phần (tương đương 26% vốn nhà nước) của Sabeco sau khi được điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch bổ sung chức năng căn hộ ở có giá 14.433 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, ông Hoàng cho rằng giá 14.433 đồng/cổ phần là giá giả định trong tương lai khi khu đất có chức năng căn hộ ở và quyết định giá khởi điểm để thực hiện thoái vốn là 13.247 đồng/cổ phần.

Ông Hoàng và bà Thoa sau đó đều phê duyệt giá sàn là 13,247 đồng/cổ phần. 26% vốn của Sabeco tại Sabeco Pearl đã được Cty Attland mua lại với giá 196,645 tỷ đồng. Từ đó, Sabeco rút khỏi liên doanh Sabeco Pearl.

Tháng 10/2016, Sở KH&ĐT cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đổi tên Sabeco Pearl thành Cty CP đầu tư Quảng trường Mê Linh. Cùng lúc, những người đại diện phần vốn góp nhà nước tại Sabeco hết nhiệm vụ nên dự án tại khu đất lúc này được chuyển toàn bộ sang nhà đầu tư là doanh nghiệp tư nhân.

Theo cáo trạng, Sabeco phải nộp tiền và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xong thì mới dược dùng quyền sử dụng đất để góp vốn vào Sabeco Pearl. Trường hợp Sabeco không có khả năng thực hiện dự án thì UBND TP phải thu hồi khu đất và tổ chức đấu giá. Tuy nhiên, ông Tín vẫn ký văn bản cho Sabeco Pearl nộp tiền và làm chủ đầu tư trong khi đây không phải là doanh nghiệp nhà nước.

Theo kết quả giám định, giá trị quyền sử dụng khu đất tại thời điểm khởi tố vụ án hình sự (8/11/2018) là hơn 3.800 tỷ đồng; giá trị 26% vốn góp của Sabeco tại thời điểm ngày 1/4/2016 là hơn 465 tỷ đồng (trong khi Sabeco bán hơn 196 tỷ đồng). Việc định giá, thoái vốn là thủ đoạn cuối cùng làm mất tài sản và là cơ sở để tư nhân chiếm tài sản nhà nước. Thiệt hại ước tính hơn 2.700 tỷ đồng.

Hành vi của ông Tín và 8 đồng phạm là cán bộ thuộc UBND TP HCM trong việc phê duyệt cho Sabeco Pearl thuê và cấp giấy chứng nhận khu đất thay cho Sabeco là không đúng quy định. Các bị can thừa nhận hành vi là trái quy định pháp luật nhưng cho rằng "không có động cơ tư lợi".

Đọc thêm

Xét xử vụ án vi phạm trong quản lý đất đai tại Hưng Yên

Các bị cáo tại phiên tòa.
(PLVN) -Ngày 26/3, Tòa án Nhân dân tỉnh Hưng Yên tổ chức xét xử 9 bị cáo nguyên là cán bộ, công chức xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào (nay là Phường Dị Sử, Thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) về các hành vi: Lạm quyền trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; tham ô tài sản.

Vụ án liên quan cựu Bí thư Thị xã Bến Cát: 3/3 yêu cầu giám định của Công an Bình Dương đều bị từ chối

Ông Khanh tiếp tục gửi đơn kêu oan, đề nghị đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can với ông. (Ảnh trong bài: Bùi Yên)
(PLVN) - Sau hơn 5 tháng tạm đình chỉ điều tra, ngày 18/3/2024, Cơ quan CSĐT Công an Bình Dương (CQĐT) có Quyết định 969/QĐ-CSKT(P4) phục hồi điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí và Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” và Quyết định phục hồi điều tra bị can với 7 người; ông Nguyễn Hồng Khanh (SN 1967, cựu Bí thư TX Bến Cát, người mua đất trong vụ án) tiếp tục có đơn yêu cầu đình chỉ điều tra vụ án vì cho rằng ông bị oan trong vụ án đã kéo dài hơn 7 năm.

Hai phạm nhân trốn trại nhận thêm án

Hai bị cáo Phan Công Thành và Nguyễn Đắc Hoàng tại phiên tòa xét xử. Ảnh: PV
(PLVN) - Đang chấp hành án tại Trại giam Xuân Hà (Hà Tĩnh) 2 phạm nhân Phan Công Thành và Nguyễn Đắc Hoàng đã bỏ trốn, sau đó bị bắt giữ và vừa đưa ra xét xử.

VKSND cấp cao kháng nghị hủy bản án phúc thẩm vụ án Công ty Phúc Thanh Vinh

VKSND cấp cao kháng nghị hủy bản án phúc thẩm vụ án Công ty Phúc Thanh Vinh
(PLVN) - VKSND cấp cao đánh giá, suốt quá trình giải quyết vụ án, Cty Phúc Thanh Vinh không cung cấp được chứng cứ chứng minh khách hàng đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Trong khi đó, khách cung cấp được các chứng cứ chứng minh Cty Phúc Thanh Vinh đã vi phạm nghĩa vụ, tự ý đơn phương bán lại các căn nhà cho người khác.