Ngày 19/5/2021, Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, qua công tác tuần tra, kiểm soát trên địa bàn đã phát hiện trường hợp trốn khỏi khu cách ly về bán hàng ở chợ Nam Trung Yên, phường Trung Hòa. Người vi phạm là N.T.S, sinh sống ở địa phương. Hiện tại, các đơn vị chức năng của phường Trung Hòa cũng đã lập biên bản xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Tại Hải Dương, sáng 22/5/2021, Bí thư Đảng ủy phường Trần Phú, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương Trịnh Thị Hạnh cho biết, địa phương vừa ký quyết định xử phạt số tiền cao nhất thuộc thẩm quyền cấp phường với một người bán rượu dạo do người này có hành vi lẻn theo xe rác vào khu phong tỏa để thu nợ.
Cụ thể, vào khoảng 17h40 ngày 21/5, bà Đỗ Thị Mười trú tại xã Nam Hồng, huyện Nam Sách đã bám theo xe thu gom rác của Công ty Môi trường và đô thị để lẻn vào khu phong tỏa Gốc Mít. Khu vực này, trong 3 ngày gần đây có hơn 10 ca nhiễm COVID-19 và được xác định là ổ dịch phức tạp tại Hải Dương. Bà Mười mới vào khu phong tỏa được chừng 10m thì bị tổ trực chốt phát hiện. Lực lượng chức năng đưa bà này về trụ sở UBND phường Trần Phú để làm việc. Bà Mười bị chính quyền sở tại xử phạt 3 triệu đồng vì vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện tự cách ly y tế 21 ngày theo quy định.
Nhiều người trở về từ vùng dịch nhưng không chịu lấy mẫu xét nghiệm. Ngày 20/5/2021, một clip được đưa lên mô tả vụ việc hai người (một nam, một nữ) không hợp tác, thậm chí có thái độ chống đối khi đội ngũ nhân viên y tế đến lấy mẫu xét nghiệm để sàng lọc COVID-19 trên địa bàn xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.
Được biết, gia đình này có người vừa trở về từ tâm dịch Bắc Giang, thời điểm đó, các nhân viên y tế tới gia đình để lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, nhưng nam thanh niên cùng phụ nữ trung niên trong clip không những không hợp tác mà còn đuổi các nhân viên y tế ra khỏi nhà, mặc dù đã được các nhân viên y tế giải thích đây là quy định đối với những trường hợp trở về từ vùng có dịch. Ngay sau đó, tổ công tác đã tăng cường lực lượng đến thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, động viên, tư vấn… Sau đó hai người này đã hiểu và chấp hành việc lấy mẫu để xét nghiệm, cũng như áp dụng phương án cách ly tại nhà theo quy định.
Mới đây, Tỉnh ủy Thanh Hoá đã yêu cầu công an củng cố hồ sơ, xử lý hình sự hai công nhân từ vùng dịch trở về song khai báo thiếu trung thực, vi phạm cách ly. Động thái này được đưa ra sau khi địa phương này xuất hiện 4 ca lây nhiễm cộng đồng có yếu tố dịch tễ từ tỉnh ngoài. Trường hợp thứ nhất là nam công nhân 25 tuổi, quê ở xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa, làm nghề xây dựng tự do và ở trọ tại phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội. Trường hợp thứ hai là bệnh nhân 4616, 27 tuổi, làm việc tại Công ty Crystal Martin, khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang; quê xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc.
Ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá - cho biết, hai bệnh nhân nói trên khi trở về địa phương đã không thực hiện nghiêm quy định về cách ly, khai báo y tế, “có biểu hiện khai báo không trung thực, đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm rất lớn trong cộng đồng”.
Về vấn đề vi phạm cách ly y tế, Luật sư Vũ Văn Biên - Giám đốc Công ty Luật TNHH An Phước - nêu quan điểm, về mặt bản chất, cách ly là việc làm để đảm bảo việc ngăn chặn và phòng ngừa rủi ro lây nhiễm cho cộng đồng. Vì thế, nếu những trường hợp sau đó không xác định họ là F0, tức là không có hậu quả xảy ra khi họ trốn khỏi khu cách ly thì có thể xử phạt hành chính. Trong trường hợp họ trở thành F0 và có hậu quả xảy ra tức là làm lây nhiễm bệnh cho cộng đồng thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật về hình sự.
Tuy nhiên, theo Luật sư Vũ Văn Biên, thực tế trước tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay thì việc xử phạt hành chính đối với trường hợp này là không đủ tính chất răn đe, cần phải đề xuất theo hướng xử lý hình sự.
“Bởi cứ thử hình dung trốn ra khỏi khu cách ly, họ đi vài tỉnh thì công tác truy vết, cách ly lại phải được thực hiện. Khi đó, có khi vài trăm người, vài nghìn người phải cách ly. Nhà nước thiệt hại, người dân thiệt hại. Đó cũng là hậu quả xảy ra, chứ không nhất thiết là cứ phải dịch bệnh mới là hậu quả, bởi vì thiệt hại về kinh tế là rất rõ ràng. Hậu quả kinh tế cho Nhà nước, tức nhân lực, vật lực. Người dân tiếp xúc với người trốn cách ly phải cách ly thì sẽ ảnh hưởng đến đời sống, đến phát triển kinh tế nói chung. Nó được thực hiện với lỗi cố ý. Do đó, nên tăng nặng trách nhiệm hình sự mới đảm bảo tính chất răn đe được, chứ cứ như thế này thì đối với họ, họ nghĩ là một vài triệu đồng đối với họ không phải là vấn đề lớn…” - Luật sư Vũ Văn Biên phân tích.