Từ cuộc gọi tưởng như “vu vơ”…
Trên bước đường hành nghề, Thạc sĩ - Luật sư (LS) Nguyễn Thanh Thanh (Công ty Luật Thanh và cộng sự, Đoàn Luật sư TP HCM) gặp nhiều thân phận éo le, hoàn cảnh khốn khó. Nhưng có lẽ, vụ án bé gái 13 tuổi (ngụ huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) bị dâm ô, khiến LS Thanh trăn trở hơn hết.
“Alo. Chào LS Thanh, tôi ở Cà Mau. Con tôi bị ông già hàng xóm hiếp dâm. Tôi muốn nhờ LS tư vấn, bảo vệ”, giọng thật buồn của người phụ nữ từ một số máy lạ gọi đến. Một cuộc gọi tư vấn như bao cuộc gọi khác mà LS Thanh tiếp nhận hàng ngày.
“Thấy sự việc ở xa, tôi giải thích các quy định pháp luật cho chị và nói sẽ giới thiệu một đồng nghiệp ở Cà Mau cho thuận tiện liên hệ, tư vấn. Nhưng rồi không thấy chị liên hệ nữa. Mình bị cuốn vào công việc, bỏ quên đi cuộc gọi ấy…”, LS Thanh kể.
Đến bây giờ, dù công lý được thực thi, kẻ thủ ác đã đền tội nhưng trong thâm tâm người LS vẫn day dứt, áy náy. Tự mình đặt ra câu hỏi “nếu ngày ấy, mình quan tâm hơn đến cuộc gọi của người phụ nữ ấy thì liệu rằng cháu bé có phải tự tử vì thấy uất ức, cùng đường…” và LS Thanh tự thấy giằng xé.
“Khoảng tháng 3/2017, tôi và nữ LS Võ Thị Ánh Loan uống cà phê. LS Loan đưa bài báo và hỏi tôi: “LS Thanh vào cuộc vụ này không? Nếu anh làm thì em làm”. Tôi gật đầu đồng ý và liên hệ với tác giả bài báo xin thông tin chị Hữu Thị Lợi – mẹ cháu bé”, LS Thanh cho hay. Lúc này, LS Thanh vẫn chưa hề biết, chị Lợi trong bài báo chính là người phụ nữ ở Cà Mau từng gọi điện nhờ anh tư vấn qua điện thoại.
LS Thanh bùi ngùi kể: “Lần gặp trực tiếp, tôi gặp chị Lợi ở quán cà phê tại quận 3 (TP HCM). Hôm đó, tôi, LS Loan, LS Trần Thị Ngọc Nữ, LS Đinh Thị Thu Vân và LS Nguyễn Ánh Tâm nhận trợ giúp pháp lý và bảo vệ quyền lợi cho cháu bé miễn phí. Khi tôi đến, thấy một người phụ nữ da ngăm, tiều tụy, hốc hác thấy rõ nhưng gương mặt khá cương trực.
Nghe giới thiệu tên tôi, chị Lợi kể: “Em từng gọi cho LS Thanh rồi”. Tôi thật sự bất ngờ. Có lẽ đó là nhân duyên dẫn dắt tôi vào vụ án này. Chị Lợi vẫn thường kể, nằm mơ thấy con gái báo mộng: “Mẹ cứ đi đi, sẽ có người giúp”. Tôi lặng người đi vì thấy mình phải chịu trách nhiệm trong vụ án này với tư cách là một LS, một người từng “bỏ quên” cuộc gọi của chị Lợi”.
… muôn vàn bất trắc
Ngồi trước mặt 5 LS, chị Lợi khóc nhiều. Mỗi câu chuyện, chị đều khóc. Vợ chồng chị sống riêng từ lâu. Nhờ cha mẹ chăm sóc hai con gái, chị bươn chải lên Bình Dương làm công nhân kiếm tiền.
Tháng 7/2016, chị nghe con gọi điện cầu cứu “ông Bê “lấy” con”. Chị không tin. Ông Bê là hàng xóm, là bạn thân của cha mẹ chị. Nhưng rồi, những cuộc gọi sau đó, con chị vẫn nói “ông Bê “lấy” con”. Chị bỏ việc, chạy ù về quê. Chị khóc ngất khi nghe con kể lại những lần bị ông Bê dụ dỗ, xâm hại tình dục.
Chị đưa đơn tố giác nhưng vụ việc không được khởi tố hình sự vì “không đủ căn cứ”. Chị giấu kín chuyện ông Bê không bị khởi tố. Chị biết, con gái trông chờ vào công lý. Mỗi đêm, cháu đều hỏi: “Mẹ ơi, các chú công an làm tới đâu rồi. Ông Bê sắp bị bắt chưa”. Chị sợ con nghĩ quẩn. Chị âm thầm làm đơn khiếu nại.
Nhưng không hiểu sao, vào ngày 10/2/2017, cháu bé biết ông Bê không bị khởi tố và “mình thua cuộc”. Cháu lặng lẽ gom những loại thuốc Tây có trong nhà từ thuốc hạ sốt, đau khớp, huyết áp… và tự kết liễu đời mình trong sự uất hận.
|
LS Thanh (ngoài cùng bên phải) và các đồng nghiệp cùng mẹ nạn nhân trong phiên phúc thẩm |
Sau ngày con chết, chị Lợi tìm thấy một bức tâm thư chỉ vỏn vẹn ba dòng. “Sự thật phơi bày” là tiêu đề. Và hai dòng: “Tôi đã sắp chết không còn ở trên trái đất này nữa. Tôi chết nhắm mắt không yên khi chuyện này không được giải quyết”.
“Sau khi nghe chị Lợi kể và xem những văn bản của cơ quan chức năng trả lời về việc không khởi tố, tôi nhận thấy có nhiều tình tiết chưa được làm rõ nhưng họ đã vội vàng kết luận. Lời khai của cháu về những tin nhắn dụ dỗ của ông Bê, mô tả căn buồng của ông Bê, lời khai một số nhân chứng.
Tuy nhiên, công an chưa cho ông Bê đối chất với nhân chứng và những người liên quan. Cơ quan công an còn đồng ý cho ông Bê đập bỏ căn buồng, xây mới hoàn toàn và chưa trích xuất các cuộc gọi, tin nhắn qua lại giữa ông Bê với cháu bé.
Ngoài ra, thời điểm chị Lợi đi tố giác, cơ quan công an không giám định xem có tế bào nam trên cơ thể của cháu hay không. Bởi vì, theo khoa học hình sự, tế bào nam tồn tại trên cơ thể đến 20 ngày”, LS Thanh kể lại.
Ngay lập tức, nhóm 5 LS và một số phóng viên thuê xe ô tô đi xuyên đêm về Cà Mau. LS Thanh nói: “Chúng tôi vào thẳng trụ sở Công an tỉnh Cà Mau trước sự ngỡ ngàng của nhiều vị lãnh đạo. Phải hai tiếng đồng hồ sau, mới có người tiếp chúng tôi. Nhiều câu hỏi đặt ra và phía công an hứa sẽ trả lời sau. Đó là lần đầu tiên tôi xuống Cà Mau trong hành trình hơn một năm theo đuổi vụ việc”.
Từ tháng 4/2017 đến tháng 5/2018 (phiên phúc thẩm), LS Thanh đã phải đi gần 12 chuyến xe xuyên đêm về Cà Mau. Có hôm, dự tòa ở TP HCM tới chiều tối, LS Thanh chỉ kịp ăn lót dạ rồi phải leo lên xe khách đi về Cà Mau cho kịp lúc dự cung.
Và công lý được thực thi
“Suốt quá trình tham gia bảo vệ, tôi đi nhiều chuyến nhất, có lúc đi xe đò, có lúc đi xe riêng và thường là đi vào ban đêm, đến sáng là tới Cà Mau. Trong tất cả chuyến đi, tôi vẫn nhớ nhất là hôm Bộ Công an tiến hành thực nghiệm hiện trường”.
“Hôm đó, tôi được mời xuống dự cung buổi sáng. Dự cung xong, tôi ăn chiều chờ chuyến xe về Sài Gòn. Đang ăn, người nhà cháu bé gọi điện thông báo có Bộ Công an đến làm việc ở xã và sẽ thực nghiệm hiện trường lúc 20h.
Tôi hủy chuyến xe, lập tức bắt taxi quay lại huyện Thới Bình. Sợ bị phát hiện là LS, tôi thay đổi quần áo nhưng khi vào xã bị một cán bộ công an tỉnh nhận biết. Vì thực tế tôi “nhẵn mặt” ở Công an Cà Mau nên nhiều người biết”, LS Thanh nhớ lại.
Hiện trường bị phong tỏa, không được vào, LS Thanh nhờ người quen của cháu bé chở vòng vèo qua các con lộ nhỏ cập mé sông. Sau đó, ông leo rào vào nhà cháu bé, trốn ở trong buồng để “nghe ngóng tình hình”.
Vừa cười, LS Thanh kể: “Y như ăn trộm. Núp trong nhà nhìn ra để xem họ đo hiện trường, thực nghiệm xem các nhân chứng có thấy gì vào đêm tối hay không? Thấy cán bộ công an đi vào nhà cháu bé là tôi bỏ ra sau nhà, giả vờ đi vệ sinh”.
LS Thanh không được tham gia vào cuộc điều tra vì thời điểm đó, vụ án chưa khởi tố lại và theo luật cũ, LS không được tham gia vào giai đoạn tiền tố tụng.
Hành trình đi tìm sự thật, công lý trong vụ án, LS Thanh trải qua nhiều cung bậc cảm xúc: Thất vọng có, hi vọng có và vỡ òa hạnh phúc khi kẻ thủ ác phải trả giá trước những chứng cứ mà LS, cơ quan điều tra phải dày công thu thập.
“Hai lần ra tòa, ông Bê đều không thừa nhận hành vi và kêu oan. Người nhà của ông ấy gây áp lực cho LS, cho những người tham gia tố tụng. Ở phiên tòa phúc thẩm, sau khi tuyên án, họ còn xông lên đòi đánh LS và đại diện VKS.
Trong vụ án này, đến bây giờ, điều tôi còn trăn trở là chưa hài lòng với sự thờ ơ của một số cán bộ công an khi họ chưa làm hết trách nhiệm, đúng pháp luật. Và cái chết của cháu bé, tôi cho là có một phần lỗi ở sự thờ ơ, tắc trách này”, LS Thanh chia sẻ.
Người dâm ô bị xử lý, cán bộ làm sai bị cách chức
Theo hồ sơ, từ tháng 6 đến tháng 9/2016, ông Hữu Bê (SN 1960, hàng xóm của cháu bé) lợi dụng sự ngây thơ, thiếu hiểu biết của cháu bé để dụ dỗ nhằm thực hiện hành vi dâm ô.
Ngày 27/9/2016, chị Lợi (mẹ bé gái) gửi đơn tố giác đến Công an tỉnh Cà Mau. Đến tháng 12/2016, Công an tỉnh Cà Mau ra quyết định không khởi tố vụ án do không đủ cơ sở.
Ngày 10/2/2017, cháu bé biết sự việc không được khởi tố nên đã uống thuốc tự tử và tử vong. Nhờ sự đấu tranh của các luật sư và báo chí, vụ việc sau đó được khởi tố. Đến tháng 9/2017, ông Bê bị khởi tố bị can và bị bắt tạm giam. Tháng 1/2018, ông Bê bị TAND tỉnh Cà Mau tuyên phạt 7 năm tù về tội “Dâm ô với trẻ em”. Ông Bê kháng cáo kêu oan. Đến tháng 5/2018, TAND Cấp cao tuyên y án sơ thẩm.
Trong vụ việc này, Thượng tá Trần Hồng Lộc (Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Phó phòng PC45 Công an Cà Mau) và Trung tá Đỗ Tấn Đạt (Đội trưởng) bị cách chức, chuyển công tác khác. Về mặt Đảng, cả hai cùng bị kỷ luật cảnh cáo. Hai vị này được phân công điều tra đơn tố giác nhưng “không tìm ra chứng cứ” nên đề xuất đình chỉ vụ án.