Cụ Nguyễn Văn Tố, có hiệu là Ứng Hòe, xuất thân trong một gia đình nhà Nho tại Hà Nội, bởi thế, vốn Nho học cụ thuộc hàng uyên thâm lắm lắm. Nhưng cũng như một bộ phận thanh niên trí thức Tây học dạo ấy, như những ông Quỳnh, ông Vĩnh, anh thanh niên Tố cũng từ trường Thông ngôn mà lập thành sự nghiệp làm trai. Tốt nghiệp trường ấy, không như ông Quỳnh, ông Vĩnh đi làm thông ngôn, anh thanh niên Nguyễn Văn Tố ngay lúc ban đầu đã vào làm việc tại Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO).
Học vấn uyên thâm
Ban đầu, Nguyễn Văn Tố làm Thư ký tòa soạn với chân nhân viên phụ tá, sau nhờ thực lực mà lên chức Chủ sự. Tài năng của vị học giả họ Nguyễn, đến người Pháp tự cao với “văn minh mẫu quốc” là thế còn phải công nhận, như lời cha cố Léopold Cadière (chủ bút của tập san Bulletin des Amis du Vieux Hué (B.A.V.H), được biết đến với tên gọi Những người bạn cố đô Huế) tán dương rằng:
Ông Tố xứng đáng là một học giả, ông là người viết rất nhiều nhưng tản mạn ở trong các sách báo. Nếu sưu tầm tập trung các bài của ông ấy lại in thành sách thì trong tay những người nghiên cứu có một bộ tài liệu quý giá.
George Coèdes (Giám đốc EFEO thời gian 1929-1947) từng nhận xét: “Ông Tố là người thực thà và thẳng thắn lắm”. Mà tài năng ấy, lại chủ yếu tự học phần nhiều. Xem trong Hà Nội – Những câu chuyện kể từ cuối thế kỷ XIX – XX, ta biết chính bài viết của Coèdes còn bị anh nhân viên Nguyễn Văn Tố sửa lại trước khi đăng và ông Giám đốc của Viện phải công nhận là đúng. Chỉ bấy nhiêu thôi, đã chứng minh cái thực tài của nhà văn hóa nước Việt buổi cận đại rồi.
Tên tuổi Nguyễn Văn Tố xuất hiện ban đầu trên Đông Dương tạp chí qua những bài dịch thuật những đoạn nhỏ trong sách của các văn sĩ tên tuổi của Pháp. Theo Nhà văn Việt Nam hiện đại, thì “văn dịch của ông nhẹ nhàng, lưu loát và có cái đặc điểm là ít dùng chữ Hán”.
Tiếp sau đó là những bài viết bằng Pháp ngữ đăng trên báo Avenir du Tonkin xuất bản ở Hải Phòng, và báo Courrier d’Haiphong, rồi Đông Thanh tạp chí. Các bài viết xoay quanh chủ đề về văn học, triết học, xã hội học, sử học, những mong giới thiệu cho độc giả Pháp về văn hóa, lịch sử nước Việt.
Song hành với những bài viết trên báo, công việc chính của Nguyễn Văn Tố là khảo cứu văn học và lịch sử Việt Nam, phê bình, đính chính những sai lầm về kiến thức trong văn học, sử học nước Việt. Đóng góp của ông đối với công việc này, xét ra thật lớn lao, dẫu Vũ Ngọc Phan cho rằng, việc phê bình thì phải có cả khen và chê, còn cụ Tố thì chê là nhiều.
Như ông chứng minh quốc hiệu nước Việt là Đại Nam chứ không phải An Nam (xem Tri Tân tạp chí số 1, ngày 3/6/1941), hay tác giả của Hoa Tiên truyện là Nguyễn Huy Tự người làng Lai Thạch chứ không phải Nguyễn Lai Thạch (xem Kỷ yếu hội Trí Tri Bắc Kỳ quyển XVI, số 3-4 năm 1936)…
Chân dung cụ Nguyễn Văn Tố. |
Dẫu thông Tây học, làm việc trong Viện Viễn Đông Bác cổ, sau này lại là một Bộ trưởng của nước Việt Nam mới, nhưng phong cách con người cụ vẫn toát lên đầy đủ nét văn hóa Á Đông sâu đậm. Cứ nhìn qua trang phục của cụ, hẳn ta rõ và có cái nhìn cảm mến ngay.
Ấn tượng ấy, trong Gương mặt những người cùng thế hệ, cụ Vũ Đình Hòe như còn thoảng thấy đâu đây chưa lâu: “Điều đặc sắc của cụ là luôn luôn chỉnh tề trong bộ đồ cổ truyền: khăn xếp, áo the thâm, ô lục soạn. Cho nên bọn sinh viên chúng tôi thuở ấy quý cụ, kính trọng cụ mà cứ khép nép đứng xa!”.
Được đào tạo Tây học, nhưng lề lối sinh hoạt, tác phong của cụ truyền thống lắm. Thế nên trong Hà Nội những câu chuyện kể từ cuối thế kỷ XIX – XX kể ra thật sống động khi hồi tưởng về vị học giả bình dân “Ngày bốn bận đi và về cụ đều đi bộ. Cụ coi đó là môn thể dục tốt nhất. Không ai hề thấy cụ đi xe đạp và xe tay bao giờ”.
Góp công vào nghiệp văn hóa
Khi đương chức Hội trưởng Hội Trí tri, cụ Tố rất tâm huyết và luôn đau đáu vấn đề giáo dục giới bình dân, về nạn thất học của dân ta, những mong truyền bá chữ quốc ngữ cho dân, xóa nạn mù chữ.
Khuyến khích mọi người đi học, nên dù là Hội trưởng, cụ Tố rất giản dị, gần gũi, như cụ Vũ Đình Hòe hồi tưởng “cụ có lối nói bình dân, thái độ khiêm nhường, chân tình, dễ thương. Đi thanh tra lớp học, cụ thường lân la vào nhà các đồng bào nghèo, giục theo lớp, tiện thể hỏi han về đời sống, công việc làm ăn, được bà con mến lắm”.
Còn Nguyễn Bá Đạm thì kể: “Các buổi tối khác hoặc ngày nghỉ cụ thường lui tới Hội Trí tri ở phố Hàng Quạt dạy Pháp văn cho người lớn tuổi, thường là dạy không lấy tiền”.
Di cảo của nhà học giả, tập trung chủ yếu ở những bài viết trong Kỷ yếu của Hội Trí tri Bắc kỳ, Đông Thanh tạp chí, Tập san Trí tri, Tập san Viễn Đông Bác cổ, Tri Tân tạp chí… Số lượng các bài viết, tác phẩm cụ thể của vị học giả từng là Hội trưởng Hội Trí tri, trong Lược truyện các tác gia Việt Nam liệt kê khá đủ đầy.
Đến nay, vẫn chưa chính thức có một cuốn sách nào tập hợp cho trọn những bài nghiên cứu có giá trị ấy để ấn hành cho thế hệ sau có thêm một nguồn tư liệu giá trị, cũng là để xứng với đóng góp to lớn của một nhà văn hóa trong “Tứ kiệt Hà thành” xưa.
Theo Tác giả văn học Thăng Long – Hà Nội (từ thế kỷ XI đến giữa thế kỷ XX) thì năm 1997, hai công trình của cụ là Đại Nam dật sự, và Sử ta so với sử Tàu được in. Còn lúc đương thời cụ sống, tác phẩm Phong cảnh và di tích ở Bắc Kỳ bằng tiếng Pháp chỉ dày 22 trang được in năm 1942.
Mong rằng, thời gian sẽ không phủ lớp bụi mờ lên những tác phẩm ấy, mà ngõ hầu sẽ có một tổ chức, cá nhân “giở chồng báo cũ” để giới thiệu với bạn đọc những công trình nghiên cứu chất lượng của cụ.
Cụ Nguyễn Văn Tố (đầu tiên bên trái) |
Tham gia kiến thiết nước Việt Nam mới
Nhận thấy uy tín của cụ Tố với quốc dân đồng bào, cũng như hoạt động thiết thực, hiệu quả của cụ, nên khi Cách mạng tháng 8 thành công, trong thành phần Chính phủ lâm thời dưới quyền Chủ tịch nước Hồ Chí Minh, cụ Nguyễn Văn Tố có tên trong cương vị Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội, gánh vác một trọng trách lớn lao và đầy khó khăn lúc bấy giờ là đẩy lùi “giặc đói”, một trong những đồng minh của giặc ngoại xâm buổi ấy.
Với những thành quả đã đạt được khi làm Hội trưởng Hội Trí Tri, nên phong trào Bình dân Học vụ để xóa mù chữ cho quốc dân được khởi phát ngay sau ngày Quốc khánh, thì cụ Tố đã góp tay vào. Là Hội trưởng của cả Hội Truyền bá Quốc ngữ, cụ Tố bàn với Ban trị sự của hội và quyết định chuyển toàn bộ tài sản vật chất, tinh thần sang cho hoạt động Bình dân học vụ. Nhờ một phần đóng góp to lớn đó, hoạt động Bình dân học vụ xóa mù chữ có thêm cơ sở để hoạt động.
Sau, cụ Nguyễn Văn Tố được bầu vào Quốc hội khóa I, và là Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Cả nước bước vào cuộc đọ sức mới với thực dân Pháp. Các cơ quan, bộ ngành từ Hà Nội được di chuyển lên An toàn khu Tân Trào. Bộ Cứu tế xã hội của cụ Tố di chuyển lên thị xã Bắc Kạn.
Mùa thu năm 1947, Pháp đưa quân tấn công Việt Bắc, một trong những mục đích lớn nhất của địch, chính là tiêu diệt cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến. Quân Pháp tấn công bằng mọi loại hình không quân, thủy quân, lục quân.
Ở Bắc Kạn, cơ quan của cụ Tố bị mắc kẹt giữa vòng vây của quân Pháp, và vị Bộ trưởng lâm nạn. Cụ bị Pháp bắt và sát hại. Cụ Nguyễn Văn Tố là vị Bộ trưởng đầu tiên hi sinh trên chiến trường. Ngày cụ hi sinh, ấy là ngày 7/10/1947. Trong Gương mặt những người cùng thế hệ, cụ Vũ Đình Hòe đã cảm xúc mà rằng:
Rừng Việt Bắc – đất Tổ bạt ngàn,
Hồn Sĩ phu – nòi Hùng muôn thuở!
Tôi kính cẩn cúi đầu, nghiêng mình trước anh linh,
Liệt sĩ Nguyễn Văn Tố,
Nhân, trí, dũng
Một bậc hiền!.