Đại dịch COVID-19 bùng phát trên quy mô toàn cầu từ cuối tháng 1/2020 đã tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN Việt Nam.
Tính đến đến cuối tháng 3/2020, đã có khoảng 65,5% DN buộc phải cắt giảm chi phí hoạt động thường xuyên, 35,3% phải cắt giảm lao động, 34% phải cắt giảm lương nhân công lao động và 34,5% đã phải cho lao động nghỉ việc không lương. Theo ước tính, nếu dịch COVID-19 kéo dài đến hết năm 2020 khoảng 39,3% DN sẽ phá sản.
Tính đến tháng 10 năm nay, hơn 70.000 DN tạm ngừng hoạt động và đóng cửa, chủ yếu là DN nhỏ và vừa (SMEs) và hộ kinh doanh cá thể, ảnh hưởng tới hơn 31 triệu người lao động.
Đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN Việt Nam. |
Thực tiễn cho thấy, những DN đang chịu tác động nghiêm trọng nhất từ dịch COVID-19 tại Việt Nam chính là các DN nhỏ, siêu nhỏ, các DN hoạt động trong lĩnh vực nghề nông nghiệp, địa bàn khó khăn.
Đây là nhóm DN yếu thế đang chịu nhiều thiệt thòi. Do khó khăn về nguồn lực, nhóm DN này thường gặp khó khăn nhất khi nắm bắt kịp thời các chính sách hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước, để từ đó tận dụng được các cơ hội để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhóm DN này cũng ít có cơ hội để phản ánh khó khăn, vướng mắc của mình tới các cơ quan nhà nước.
“Cần lưu ý rằng các DN yếu thế nói trên chiếm tới khoảng 90% trong số 800.000 DN hiện nay trên cả nước. Dù số thuế đóng góp ngân sách nhà nước còn khiêm tốn, nhưng nhóm DN này đang tạo ra lượng công ăn việc làm đáng kể cho người lao động, từ đó góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an sinh xã hội tại Việt Nam…” - TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nhấn mạnh.
Qua rà soát nhanh của VCCI và phản ánh từ thực tiễn cho thấy, nhóm DN yếu thế nói trên đang gặp rất nhiều khó khăn khi tìm hiểu về các gói hỗ trợ phù hợp và càng khó khăn hơn khi thực hiện các thủ tục cần thiết để có được gói hỗ trợ một cách nhanh nhất.
“Trong bối cảnh này, VCCI đã phối hợp cùng với Chương trình “Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam” (Chương trình Aus4Reform) do Chính phủ Australia tài trợ xây dựng website Hỗ trợ DN ứng phó với Covid-19…” - Lãnh đạo VCCI chia sẻ.
Được biết, thành phần tham gia website này chủ yếu là các DN, hiệp hội DN, chuyên gia, các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân hữu quan khác
Website nhằm tạo ra một kênh thông tin hiệu quả góp phần hỗ trợ nhóm các DN nhỏ và siêu nhỏ, các DN trong lĩnh vực nông nghiệp, các DN tại địa bàn khó khăn, các DN yếu thế…, giúp các DN tiếp cận nhanh chóng các thông tin về các chương trình, chính sách của Chính phủ và chính quyền các địa phương hỗ trợ các DN ứng phó với đại dịch Covid-19. Theo đó, các DN có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin về chính sách hỗ trợ, thủ tục để thụ hưởng các chương trình hỗ trợ theo nhóm ngành nghề, quy mô DN, địa bàn.
Bên cạnh đó website giúp nắm bắt kịp thời nhu cầu hỗ trợ của nhóm các DN đặc biệt các DN nhỏ và siêu nhỏ, phản ánh kịp thời tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cả ở Trung ương và địa phương. Đồng thời, tạo ra kênh đối thoại hiệu quả giữa DN và bộ ngành trung ương, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan, chia sẻ những kinh nghiệm tốt, những thực tiễn hay trong hỗ trợ DN vượt qua tác động của dịch COVID-19.
DN có thể liên hệ trực tiếp Ban Pháp chế - VCCI)(Điện thoại: 04 5771460; Fax: 04 577 0632; Email: banphapche@vcci.com.vn), để có thêm thông tin.
Thông tin nào sẽ có trên website Hỗ trợ DN vượt qua Covid 19?
- Cập nhật các gói hỗ trợ hiện hành của nhà nước dành cho các DN vượt qua Covid-19
- Cập nhật các chính sách, thông tin hỗ trợ theo lĩnh vực ngành nghề của DN
- Tìm kiếm các văn bản chính sách hỗ trợ theo Bộ ngành, địa phương ban hành văn bản.
- Tham gia các diễn đàn trao đổi về các giải pháp hỗ trợ DN vượt qua Covid-19
- Chia sẻ các kinh nghiệm tốt đã được áp dụng tại các tỉnh thành phố trên cả nước trong hỗ trợ DN vượt qua Covid-19
- Các thông tin liên quan khác.