Tăng mạnh lên 46,1 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước đắt nhất trong 10 tháng, nới rộng khoảng cách lên 2,8 triệu đồng so với giá vàng thế giới.
Giá vàng trong nước đã có phiên tăng mạnh mẽ. Ảnh minh họa |
Vàng tăng giá, tăng lãi suất huy động
Sau đợt tăng ấn tượng trong phiên ngày 5/9 với mức tăng 120 nghìn đồng/lượng, biến động mạnh về buổi chiều, giá vàng trong nước sáng 6/9 tiếp tục tăng với biên độ mạnh hơn, bất chấp vàng thế giới vừa quay đầu giảm và mới chỉ có dấu hiệu hồi phục nhẹ. Giá vàng SJC của Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC niêm yết ở mức 45,35 – 45,55 triệu đồng/lượng, tăng thêm 300 nghìn đồng so với phiên trước đó.
Vàng SJC của Tập đoàn Doji tăng 260 nghìn đồng mua vào và 300 nghìn đồng bán ra, lên 45,43 – 45,55 triệu đồng/lượng. Sau đó, giá vàng tiếp tục được đưa lên, tới mức 45,4 – 45,6 triệu đồng/lượng đối với vàng SJC tại Công ty VBĐQ Sài Gòn. Tập đoàn Doji cũng điều chỉnh giá bán lên 45,6 triệu đồng/lượng. Đây là các mức giá cao nhất kể từ ngày 21/11/2011 tới nay.
Dẫu giá vàng trên thị trường châu Á có dấu hiệu hồi phục nhẹ, nhưng việc giá vàng trong nước tăng mạnh là điều đáng ngạc nhiên, đi ngược xu hướng của thị trường vàng 2 ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh.
Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Á châu (ACB) vừa ban hành biểu lãi suất huy động mới trong đó tăng mạnh lãi suất huy động vàng bằng chứng chỉ. Cụ thể, biểu lãi suất được công bố ngày 5/9 so với biểu lãi suất áp dụng ngày 29/8 vừa qua, lãi suất chứng chỉ huy động vàng - kèm quyền chọn đã tăng mạnh từ 0,8%/năm lên 1,4%/năm.
Ở sản phẩm chứng chỉ huy động vàng thông thường, lãi suất cũng đã tăng mạnh từ 0,8%/năm trước đó lên 1,4%/năm. Đáng chú ý là ở sản phẩm này ACB áp dụng trở lại chính sách thưởng 0,2%/năm cho các khoản từ 10 lượng trở lên, đưa mức lãi suất cao nhất mà khách hàng có thể nhận được là 1,6%/năm. Cả hai sản phẩm trên ACB chỉ huy động ở hai kỳ hạn 1 và 2 tháng.
Đây là lần đầu tiên ACB tăng lãi suất vàng trở lại sau 5 lần giảm liên tiếp kể từ ngày 11/4 - 5/7/2012.
Giá vàng trong nước và thế giới “chênh” lớn – do đâu?
Lấy giá USD bán ra tại Vietcombank (20.840 đồng mua vào – 20.910 đồng bán ra) để quy đổi giá vàng thì vàng trong nước hiện đang cao hơn thế giới gần 2,8 triệu đồng/lượng, đã gồm thuế và các khoản phí liên quan.
Chia sẻ về tình trạng giá vàng trong nước “chênh” nhiều so với giá thế giới, đại diện của Công ty SJC cho rằng, đó là do trên thị trường lại đang xuất hiện tình trạng mất cân đối giữa cung và cầu, khi doanh nghiệp và người dân không bán vàng mà chỉ mua vào. Do thị trường chỉ có lực mua mà không có lực bán nên giá bị đẩy lên. Riêng Công ty SJC ngày 5/9 bán ra 6.900 lượng vàng và mua vào 6.400 lượng.
Lý do cung – cầu là lý do kinh điển mỗi khi giá vàng nhảy múa, đặc biệt là trước đây, khi chưa có quy định rõ ràng về việc sản xuất, kinh doanh và quản lý vàng miếng. Thế nhưng, giờ đây, Ngân hàng Nhà nước đã giao cho Công ty SJC gia công vàng miếng, và từ ngày 24 – 29/8, lượng vàng lên tới 70.000 lượng đã được cung ứng ra thị trường, thì người ta có thể nghi ngờ nguyên nhân cung – cầu.
Đặc biệt, lực tăng của giá vàng trong nước bắt đầu được đẩy nhanh từ 5/9 – thời điểm giá vàng thế giới đi xuống, và được đẩy mạnh mẽ ngày 6/9 – thời điểm giá vàng thế giới chỉ phục hồi rất nhẹ, trong bối cảnh lượng vàng cung ứng ra thị trường không nhỏ, cho thấy khoảng cách chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới có điều bất bình thường. Vì thế, có nhiều người cho rằng, việc tăng giảm không đúng quy luật này đang ẩn chứa rủi ro.
Cho đến khi bài viết này chuẩn bị lên khuôn in, vào cuối giời chiều ngày 6/9, giá vàng trong nước đã cán mốc 46 triệu đồng/lượng. Tại TP.Hồ Chí Minh, Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết vàng SJCở mức 45,9 – 46,1 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), trong khi tại Hà Nội giá còn được đẩy lên cao hơn, 45,9 - 46,12 triệu đồng/lượng.
Thảo Anh