Vạch trần uẩn khúc đằng sau đám tang "vô cảm"

 

Khác với những đám tang bình thường kéo dài ít nhất vài ngày, trong đám tang này người chết vội vã được đưa đi chôn cất sau chưa đầy 24 tiếng đồng hồ và bất thường hơn nữa, không có lấy một giọt nước mắt trong sự kiện này.

Một ngày cuối tháng 11/2004, từ nguồn tin quần chúng nhân dân, công an huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) nhận thấy có những điều bất thường phía sau đám tang của anh Trần Văn Hoàng (SN 1977, ngụ ấp Tân Long, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp).

Khác với những đám tang bình thường kéo dài ít nhất vài ngày, trong đám tang này người chết vội vã được đưa đi chôn cất sau chưa đầy 24 tiếng đồng hồ và bất thường hơn nữa, không có lấy một giọt nước mắt trong sự kiện này.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Điều bất thường trong đám tang “vô cảm”

Xác minh được biết anh Hoàng có mẹ mất sớm, cha thì đi lấy vợ khác nên từ nhỏ đã sống cùng ông bà ngoại. Trước khi chết đột ngột, nạn nhân có xảy ra xô xát với các ông cậu và công an xã có đến gặp các đương sự và những người biết sự việc để lấy lời khai.

Gia đình cho biết trước khi chết, nạn nhân có lên cơn kinh phong và được người nhà trói lại nhưng vẫn “giật tưng” nên té xuống mương chết đuối. Những người sống xung quanh đa phần có quan hệ bà con dòng họ với nạn nhân cũng xác nhận điều tương tự.

Tuy nhiên, khi tiếp xúc với một số bà con tiểu thương buôn bán ở chợ bên kia sông (đối diện nhà nạn nhân) thì trinh sát lại nhận được nhiều lời bàn tán dị nghị cho rằng anh Hoàng bị người trong nhà đánh chết. Thậm chí nhiều người còn nói tận mắt nhìn thấy mấy ông cậu ruột nhấn nạn nhân dưới sông. Mặt khác, đám tang này cũng diễn ra rất mau lẹ và có vẻ “rất vô cảm”, khác lạ với những “đám hiếu” thông thường ở quê: Từ lúc loan tin thì chỉ chưa đầy 24 tiếng đồng hồ sau, người chết đã được đem mai táng trong khi những đám tang khác chí ít cũng phải ba ngày, dài thì đến cả một tuần lễ. “Điều gì đã khiến gia đình người chết vội vàng như vậy? Vì hoàn cảnh đặc biệt, do mê tín hay có án mạng đã xảy ra?”, đây là nghi vấn cần phải được làm sáng tỏ.

Tiếp tục thu thập, sàng lọc các thông tin cũng như quan sát các biểu hiện bất thường của gia đình nạn nhân, các trinh sát nhận định “có nhiều khả năng nạn nhân bị mưu sát”. Tuy nhiên, một khó khăn không nhỏ trong việc thu thập chứng cứ để phá án là người chết không còn thân nhân như cha, mẹ, anh, chị em ruột.

Những người thân thích ở hàng thừa kế thứ hai như bà ngoại, các cậu, mợ, dì… thì lại có quan hệ thân thích với các “đối tượng bị tình nghi” hơn, do đó rất khó để có thể lấy được lời khai khách quan. Không thể để tội ác bị chôn vùi, kẻ phạm tội được nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, bằng các biện pháp nghiệp vụ khác, ngày 28/11/2004 công an đã quyết định khám nghiệm hiện trường và khai quật tử thi để xác định nguyên nhân cái chết của nạn nhân.

Bản kết luận giám định pháp y khẳng định nạn nhân tử vong do ngạt nước có ngoại lực tác động, khi mổ tử thi đã phát hiện có cặn bùn trong khí quản, phế quản và cả dạ dày. Củng cố đầy đủ chứng cứ, công an đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp các cậu ruột của nạn nhân là Trần Văn Đầy (SN 1958), Trần Văn Cơi (SN 1961), Trần Văn Lúa (SN 1963) và đối tượng Trần Văn Cu (SN 1956, cậu họ nạn nhân).       

Bốn ông cậu độc ác

Tại cơ quan điều tra, trước những chứng cứ thuyết phục mà cơ quan điều tra đưa ra, các đối tượng đã lần lượt phải cúi đầu khai nhận để mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Theo đó, Hoàng là đứa con duy nhất của người chị gái đã quá cố của mấy anh em này. Ngay từ lúc nhỏ Hoàng đã có tiền sử bị bệnh động kinh, mặc dù gia đình đã cứu chữa ở nhiều nơi nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Sau khi mẹ mất, cha bỏ đi, Hoàng lớn nên trong sự thương yêu, đùm bọc của ông bà ngoại và các cậu mợ. Những lúc bình thường, dù không biết làm gì nhưng Hoàng cũng rất ngoan và biết nghe lời mọi người. Tuy nhiên, khi Hoàng phát bệnh thì những người xung quanh “lãnh đủ”.

Sáng ngày 26/11/2004, bệnh tái phát và đứa cháu động kinh đã xông vào “tẩn” bà ngoại 72 tuổi của mình. Do “sức yếu chân chậm”, không chống cự được và cũng chẳng kịp chạy nên bà cụ đã bị thằng cháu ngoại gây thương tích nhẹ.

Chưa dừng lại, Hoàng tiếp tục cầm một đoạn tre và chiếc bàn nạo dừa bằng sắt chạy sang nhà cậu ruột ở bên cạnh là nhà ông Trần Văn Lúa, gây thương tích một người rồi tiếp tục đuổi đánh mợ và các em sang tới sân nhà ông cậu khác. Thấy vậy, những ông cậu ruột nêu trên xông vào đè, trói tay chân đứa cháu. Bị trói như con heo, đứa cháu càng “điên tiết” nên la hét, chửi bới thậm tệ: “Thả tao ra, tao vuột ra được tao giết tụi bay không còn một mạng”.

Nghe thằng cháu bệnh tật đe doạ như vậy, các ông cậu “mặt cắt không còn hột máu” lo sợ. Suy nghĩ một hồi, ông Đầy nói với các em: “Mình đem nhấn nước cho nó chết mẹ luôn, tới bà ngoại thương yêu chăm sóc nó thế mà nó cũng còn dám đánh thì nó chừa gì mình”. Nghe ông anh nói vậy, tất cả cùng đồng ý làm theo, lấy đoạn tre dài xỏ qua sợi dây đang trói chân tay đứa cháu khênh xuống mé bờ sông.

Khi tới bà sông, ông cậu Đầy xô đứa cháu xuống sông rồi nhảy theo đè đầu nạn nhân nhấn nước nhiều lần. Thấy hành động quá nhẫn tâm, một người họ hàng đã nhảy xuống sông ngăn cản và kéo Hoàng lên bờ. Thấy mọi người la hét om sòm, bà ngoại của Hoàng kêu con khiêng đứa cháu động kinh vào bên hông nhà.

Đã thoát chết, đứa cháu điên dại vẫn liên tục la hét, chửi bới các cậu nên một lần nữa Đầy chủ động bàn bạc với các em: “Nhấn nước cho nó chết mẹ nó luôn, để nó vuột ra nó sẽ giết chết anh em tụi mình!”. Thấy các em còn lưỡng lự, Đầy quả quyết “Tụi bây cứ làm đi, có gì tao chịu”. Lần này, những ông cậu nhẫn tâm chọn cách giết cháu là nhấn Hoàng vào lu nước cho đến khi nạn nhân tắt thở.

Nỗi đau “nồi da xáo thịt”

Để che giấu hành vi phạm tội của mình, Đầy bàn bạc với các đồng phạm “nếu có công an vào xác minh thì tất cả cùng khai do thằng cháu vuột dây trói nhưng bị giật kinh phong té xuống mương chết”. Vì vậy, khi công an xã Hòa Mỹ đến xác minh thì cả bốn người đều khai trùng khớp như nhau rồi khẩn trương đem chôn đứa cháu. Nhóm thủ phạm không thể ngờ hành vi của mình đã không thể qua mắt được quần chúng nhân dân xung quanh. Chưa đầy 48 tiếng đồng hồ sau khi gây án, cả bốn đối tượng đều đã bị bắt khẩn cấp.

Ngày 15/9/2005, TAND tỉnh Hậu Giang đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Tòa nhận định hành vi của các bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến tính mạng của người khác một cách trái pháp luật, gây bất bình trong quần chúng nhân dân tại địa phương. Các bị cáo phạm tội với ý chí cao, quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng, phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được nên cần phải xử lý nghiêm minh nhằm giáo dục, cải tạo các bị cáo cũng như góp phần răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.

Qua xem xét tính chất, mức độ phạm tội của từng bị cáo, Tòa đã tuyên phạt Trần Văn Đầy mức án cao nhất là 12 năm tù về tội giết người. Với vai trò đồng phạm nhưng mức độ hạn chế hơn nên các bị cáo: Lúa, Cơi và Cu mỗi người lãnh 07 năm tù. Về phần trách nhiệm dân sự, do đại diện hợp pháp của bị hại cũng là mẹ của các bị cáo không yêu cầu nên Tòa không xem xét.

Vụ án đã khép lại nhưng nỗi đau và bài học đắt giá này sẽ mãi còn đó, chỉ vì một phút nông nổi mà bốn người cậu đã nhẫn tâm sát hại thằng cháu động kinh. Các đối tượng đã không chỉ phải chịu hình phạt nghiêm khác của pháp luật, mà người dân trong vùng cũng lấy đó làm bài học cho mọi người tránh những suy nghĩ nông nổi, vì một phút nóng giận mà mất tình nghĩa ruột rà, lại để tiếng xấu cho người đời cười chê.

Thanh Hậu

Đọc thêm

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành kỷ luật đối với Phó Chủ tịch và nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.

Bắt đối tượng vận chuyển gần 12.000 viên ma túy tổng hợp

Tang vật vụ án.

(PLVN) - Ngày 13/1, thông tin từ Công an huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) thuộc đơn vị đang tiếp tục mở rộng điều tra về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy” đối với Lê Văn Q (SN 1980, trú tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ).

Vụ án tại Trung tâm R&D thuộc BQL Khu CNC TP HCM: Cựu lãnh đạo Sở KH&ĐT nhận tiền tỷ khi duyệt dự án

Bị cáo Minh tại một phiên tòa hồi tháng 7/2024. (Ảnh: Hải Duyên)
(PLVN) - Dự kiến từ ngày 15/1, TAND TP HCM sẽ đưa bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu PGĐ Sở KH&ĐT), Phan Tất Thắng (cựu Phó phòng Kinh tế) ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ trong vụ án xảy ra tại Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao (Trung tâm R&D) thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao (BQLKCNC) TP HCM và các đơn vị liên quan.