Hiểu biết pháp luật của nhân dân được tăng cường
Qua tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư cho thấy công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã có chuyển biến tích cực: Nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng về vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL đã được nâng lên; hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân đã được tăng cường, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật và hội nhập kinh tế quốc tế, đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa… Tuy nhiên, thời gian vừa qua công tác PBGDPL vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế của công tác PBGDPL thời gian qua, nâng cao chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu triển khai công tác này trong tình hình mới, ngày 20/6/2020, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 80-KL/TW với 04 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng.
Để Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư kịp thời đi vào cuộc sống, được triển khai thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả trên phạm vi toàn quốc, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp đã xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện. Theo đó, dự thảo Kế hoạch đề ra 09 nhóm nhiệm vụ nhằm tạo chuyển biến cơ bản về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác PBGDPL
Trong đó, dự thảo kế hoạch nêu rõ nhiệm vụ đầu tiên là nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị triển khai công tác PBGDPL. Cùng đó, đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL bảo đảm phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng, địa bàn. Nội dung PBGDPL tập trung về các chính sách, pháp luật được dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội để tạo sự đồng thuận trong thực thi chính sách, pháp luật; thông tin rộng rãi, kịp thời các dự thảo chính sách pháp luật có tác động lớn đến xã hội ngay từ khâu đề xuất chính sách và soạn thảo văn bản; thực hiện PBGDPL bằng tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài thông dụng đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước.
Tổ chức triển khai công tác PBGDPL toàn diện, rộng khắp đến các đối tượng, địa bàn, lĩnh vực trong phạm vi cả nước, có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên nguồn lực PBGDPL cho các nhóm đối tượng đặc thù, yếu thế, dân tộc thiểu số, các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, địa bàn trọng yếu về quốc phòng an ninh. Phát huy vai trò chủ trì của các Tổ chức pháp chế, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và sự tham gia, vào cuộc của cơ quan, đơn vị và đoàn thể ở cơ sở; lồng ghép với hòa giải ở cơ sở, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và hình thức PBGDPL hiệu quả khác.
Bên cạnh đó, hoàn thiện thể chế, chính sách về công tác PBGDPL để tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác PBGDPL.
Đặc biệt, dự thảo kế hoạch nêu rõ: huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác PBGDPL, trong đó Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp tổ chức phổ biến pháp luật bằng mô hình, cách thức phù hợp cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý; động viên, khuyến khích các thành viên, hội viên phát huy trách nhiệm xã hội tích cực tham gia tư vấn pháp luật, PBGDPL, trợ giúp pháp lý cho Nhân dân. Các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ tham mưu ban hành, thực hiện chính sách khuyến khích cụ thể, phù hợp để huy động tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia, hỗ trợ triển khai công tác PBGDPL.
Đổi mới tổ chức và hoạt động quản lý nhà nước về PBGDPL cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng được dự thảo đề cập. Theo đó, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm bố trí biên chế, kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ có hiệu quả công tác PBGPDL tại bộ, ngành, địa phương, nhất là cấp cơ sở.
Dự thảo Kế hoạch cũng quy định cụ thể trách nhiệm của Thủ trưởng bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc tổ chức thực hiện Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ phù hợp với điều kiện, đặc thù của bộ, ngành, địa phương.