Đây là nội dung cuộc đối thoại trực tuyến diễn ra trong bối cảnh Bộ Y tế vừa đưa ra dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu, bia để lấy ý kiến, Báo PLVN xin trân trọng giới thiệu.
Bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) tại buổi đối thoại trực tuyến |
* Đọc Dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia mà Bộ Y tế đang lấy ý kiến, tôi thấy có vẻ như dự thảo đang siết chặt mọi hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất rượu bia khi các hoạt động tài trợ, khuyến mại, bán theo giờ...trong khi mục tiêu cần làm là phải nâng cao ý thức của người tiêu dùng không quá lạm dụng đồ uống có cồn?
-Mục tiêu của Luật là phòng chống mặt tác hại của sử dụng rượu bia và giảm tỷ lệ sử dụng rượu bia đang gia tăng ở Việt Nam với các nhóm giải pháp chủ yếu là: giảm mức tiêu thụ, giảm tính sẵn có và dễ tiếp cận đối với rượu bia; kiểm soát việc cung cấp và giảm các tác hại của sử dụng rượu bia. Do đó, việc quản lý cấp phép, hạn chế khuyến mãi, quảng cáo, tài trợ, quản lý thời gian, địa điểm bán rượu bia... là cần thiết để thực hiện mục tiêu của Luật. Các giải pháp này được thực hiện đồng thời với việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân thì mới đạt hiệu quả. Hơn 100 quốc gia trên thế giới cũng đang thực hiện việc kiểm soát rượu bia như các quy định của dự thảo Luật từ nhiều thập kỷ trước.
*Xin hỏi phạm vi của dự luật đề cập đến các loại rượu lậu, rượu không rõ nguồn gốc ra sao?
-Việc kiểm soát và phòng chống các loại rượu lậu, rượu không rõ nguồn gốc hiện nay đã được quy định trong pháp luật về thương mại, an toàn thực phẩm, hình sự. Dự thảo luật phòng chống tác hại của rượu bia cũng có các quy định liên quan đến phòng chống tác hại của các loại rượu lậu, rượu không rõ nguồn gốc như kiểm soát chất lượng, an toàn của các sản phẩm rượu bia, có một điều riêng về phòng chống rượu bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng; các quy định về cấp phép và kiểm soát nguồn gốc rượu bia cũng như việc tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng và tham gia phòng chống rượu bia lậu, không bảo đảm chất lượng. Bên cạnh đó là xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm về hành chính, hình sự.
* Việc bán rượu, bia qua Internet đang bị cấm nhưng người tiêu dùng vào mạng vẫn có thể mua được rượu, bia khá dễ dàng. Nếu cấm mà không quản lý được thì có nên cấm không hay chỉ tạo điều kiện cho đối tượng bán rượu, bia giả, nhập lậu và cố tình vi phạm pháp luật? Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?
-Hiện nay, Nghị định của Chính phủ đã cấm bán rượu trên Internet. Dự thảo Luật tiếp tục kế thừa và có bổ sung quy định cấm bán rượu bia trên Internet. Việc quy định này là cần thiết để hạn chế việc mua rượu bia quá dễ dàng, không kiểm soát được chất lượng, bán rượu bia không có giấy phép, đặc biệt là trẻ em dễ mua rượu bia qua mạng mà không bị kiểm soát...
Việt Nam đã có đủ điều kiện về công nghệ để phát hiện các hành vi vi phạm trên Internet và nếu phát hiện vi phạm sẽ phải xử phạt nghiêm. Đây là một quy định hiệu quả nếu tổ chức thực hiện tốt.
*Xin bà cho biết dự án luật quy định xử lý đối với những cơ sở sản xuất rượu bia chứa methanol hoặc men kém chất lượng có thể gây ngộ độc rượu, ung thư... như thế nào?
-Rượu bia chứa methanol, kém chất lượng gây nguy hại cho sức khỏe của người uống, thậm chí có thể gây tử vong nên đã bị pháp luật nghiêm cấm. Nếu phát hiện hành vi vi phạm này thì cần phải xử lý nghiêm, thậm chí là xử lý hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng. Dự Luật phòng chống tác hại của rượu bia cũng nghiêm cấm hành vi này.
*Xin chuyên gia cho biết các quy định hạn chế quảng cáo, kinh doanh rượu bia ảnh hưởng như thế nào đối với các ngành công nghiệp khác như du lịch, ẩm thực, văn hoá... Chính phủ đã có những đánh giá tác động về kinh tế và xã hội của dự luật này hay chưa? Kết quả như thế nào?
-Việc hạn chế quảng cáo, kiểm soát kinh doanh rượu bia chặt chẽ là cần thiết để hạn chế việc tiếp cận dễ dàng và tiêu dùng rượu bia quá nhiều, nhất là phòng ngừa để trẻ em không sử dụng rượu bia.
Hiện nay, hơn 100 quốc gia đã có các quy định rất mạnh mẽ về hạn chế quảng cáo, kiểm soát chặt chẽ việc bán rượu bia và không có ghi nhận nào là rượu bia ảnh hưởng đến văn hóa, du lịch, ẩm thực. Ví dụ, các quốc gia theo Đạo Hồi cấm hoàn toàn việc sử dụng rượu bia nhưng du lịch, văn hóa vẫn rất phát triển. Thái Lan kiểm soát chặt chẽ rượu bia nhưng du lịch vẫn đem lại nguồn thu lớn.
Chính phủ đã giao Bộ Y tế đánh giá tác động và cho thấy quy định này là cần thiết, giúp giảm bệnh tật, sử dụng rượu bia và không có các mối liên quan nào đến việc làm giảm kinh doanh du lịch, văn hóa, ẩm thực.
*Tôi không hiểu tại sao quy định cấm bán rượu, bia vào những khung giờ nhất định có thể giúp giảm tại hại của rượu, bia, vì nếu đã xác định rượu, bia có hại thì uống lúc nào chẳng có hại? Có cơ sở khoa học nào cho việc cấm bán rượu theo giờ này không?
-Quy định thời gian cấm bán rượu bia theo giờ được nhiều quốc gia áp dụng vì tính hiệu quả trong việc giảm tiêu thụ rượu bia, từ đó, giảm tác hại của rượu bia. Việc quy định cấm bán rượu bia sau 22h đến 6h ngày hôm sau giúp giảm việc tiêu thụ rượu bia và hạn chế lượng rượu bia uống quá nhiều, góp phần giảm tai nạn giao thông trong thời gian này. Bên cạnh đó, vào các thời gian khác đã có những quy định như cấm cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sử dụng rượu bia trong giờ làm việc.
*Xin chuyên gia cho biết, những người buôn bán rượu bia phải đóng các loại thuế gì? Có thể tăng thuế trong mặt hàng này để giảm lượng người tiêu thụ rượu bia hay không?
-Rượu bia là hàng hóa không được khuyến khích tiêu dùng nên ngoài các loại thuế như các hàng hóa thông thường khác (VAT, thuế nhập khẩu đối với hàng nhập khẩu), rượu bia còn phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia ở Việt Nam hiện nay còn thấp so với nhiều nước khác, chỉ chiểm khoảng 30% giá bán lẻ (các nước trên thế giới chiếm từ 50% đến 85% giá bán lẻ) nên đúng như bạn nói, chúng ta cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia để giảm tiêu dùng rượu bia, ít nhất là theo mức bằng với các nước trong thời gian tới.
Không có mức độ uống bia rượu nào là an toàn |
*Theo Bộ Y tế, 70% rượu không kiểm soát gây thất thu 2.000 tỷ mỗi năm. Cơ quan soạn thảo luật có đề xuất gì để kiểm soát vấn đề hai trong một này?
-Dự Luật Phòng chống tác hại rượu bia rất chú trọng điều chỉnh vấn đề này bằng nhiều biện pháp, quy định như: phòng chống rượu nhập lậu kém chất lượng; kiểm soát chất lượng rượu thủ công, giao Ủy ban nhân dân các cấp tăng cường quản lý, tổng rà soát sản lượng, kiểm tra chất lượng rượu thủ công trong toàn tỉnh và phải hoàn thành trước ngày 1/1/2022; hướng dẫn người dân sản xuất rượu thủ công đảm bảo các chỉ tiêu an toàn; có các biện pháp hỗ trợ người dân đăng ký kinh doanh; vận động tuyên truyền và có các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề để người dân từng bước chấm dứt việc sản xuất rượu thủ công không có đăng ký kinh doanh cũng như quy định biện pháp bảo đảm kinh phí cho phòng chống tác hại của rượu không được kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Nếu dự luật này được thông qua và tổ chức thực hiện nghiêm túc thì sẽ hạn chế tình trạng rượu không kiểm soát.
*Việc tham gia giao thông khi đã uống say vô cùng nguy hiểm, vậy Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia sắp tới xử lý vấn đề này như thế nào?
-Các luật về an toàn giao thông đã có quy định nghiêm cấm, hoặc hạn chế lái xe có uống rượu bia. Dự luật này có quy định thêm nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng lái xe có sử dụng rượu bia như: tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không điều khiển phương tiện giao thông khi sử dụng rượu bia; thực hiện các biện pháp chủ động kiểm tra nồng độ cồn trong máu và khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông; đưa nội dung về phòng chống tác hại rượu bia vào các chương trình đào tạo thi cấp phép lái xe... và xử phạt các hành vi vi phạm.
Hiện nhiều người vẫn nghĩ rằng uống một chút rượu, bia thì vẫn an toàn, thậm chí còn tốt cho sức khỏe. Đó là quan niệm sai lầm, vì khoa học đã chứng minh không có mức độ uống rượu bia nào là an toàn cả!
*Xin trân trọng cảm ơn bà!