Ứng viên ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo: Đầu xuôi, đuôi có lọt?

Ông Mike Pompeo
Ông Mike Pompeo
(PLO) - Con đường trở thành ngoại trưởng Mỹ của đương kim Giám đốc CIA Mike Pompeo được cho là sẽ khó khăn vì đến nay ông đang vấp phải sự phản đối từ một số nghị sỹ.

Kết thúc đồn đoán về rạn nứt với Tổng thống Trump 

Ông Mike Pompeo sinh ra và lớn lên ở bang nam California. Khi còn trẻ, ông từng theo học Học viện quân sự Mỹ ở West Point và phục vụ năm năm trong quân ngũ. Sau đó, ông học trường Luật Harvard rồi mở hai công ty ở Kansas và kinh doanh khá thành công. Sau khi đã có được nền tảng kinh tế vững chắc, năm 2010, ông ra tranh cử và đắc cử vào Hạ viện Mỹ.

Tháng 1/2017, ông Pompeo được phê chuẩn làm Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA). Trên cương vị này, ông là người cung cấp cho Tổng thống Donald Trump các báo cáo tình báo hàng ngày về các vấn đề liên quan đến đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên, những hoạt động trên không gian mạng của Trung Quốc, Nga và hoạt động khủng bố ở Trung Đông.

Nhìn chung, ông được đánh giá là một nhân vật có quan điểm cứng rắn trong vấn đề an ninh quốc gia, trong đó có việc phản đối thỏa thuận hạt nhân với Iran và ủng hộ các chương trình do thám người dân. 

Đến ngày 13/3 vừa qua, ông Trump đã kết thúc nhiều tháng đồn đoán về rạn nứt với Ngoại trưởng khi đó là ông Rex Tillerson, bằng cách thông báo đề cử ông Pompeo tiếp quản Bộ Ngoại giao. “Trên cương vị Giám đốc CIA, ông Mike đã nhận được các thành viên của cả hai đảng đánh giá cao vì đã đẩy mạnh được hoạt động thu thập thông tin tình báo, hiện đại hóa khả năng phòng thủ và tấn công của Mỹ, xây dựng mối quan hệ gần gũi với các nước bạn bè và đồng minh trong cộng đồng tình báo quốc tế”, Nhà Trắng trong tuyên bố về ông Pompeo nhận định. 

Theo nhiều nguồn tin, ông Trump đã quyết định thay đổi nhân sự để có một đội ngũ giúp việc mới nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un – dự kiến sẽ là cuộc gặp đầu tiên trong lịch sử giữa một tổng thống Mỹ đang tại nhiệm và một nhà lãnh đạo của Triều Tiên – theo kế hoạch sẽ diễn ra vào tháng 5 hoặc tháng 6/2018 tới. 

Nhiều tiếng nói phản đối

Tuy nhiên, theo một tờ báo Mỹ, việc đề cử ông Pompeo đang vấp phải sự phản đối từ nhiều thành viên trong Ủy ban đối ngoại của Thượng viện Mỹ. Chính xác là không nghị sỹ nào của đảng Dân chủ trong Ủy ban trên ủng hộ ông Pompeo.

Trong đó, Thượng nghị sỹ Tim Kaine của bang Virginia, người từng bỏ phiếu phê chuẩn ông Pompeo làm giám đốc CIA một năm trước, hôm 15/4 tuyên bố sẽ phản đối việc ông này trở thành người thay thế ông Tillerson. 

Đến tối 17/4, Thượng nghị sỹ Jeanne Shaheen bang New Hampshire cũng đưa ra tuyên bố tương tự. Các nghị sỹ khác của đảng Dân chủ trong Ủy ban đối ngoại là Cory Booker, Chris Murphy và Jeff Merkley cũng đã công bố quan điểm không ủng hộ ông Pompeo, chỉ còn lại nghị sỹ Chris Coons chưa công bố quyết định.

Theo một nhân vật trong đảng Dân chủ, các thành viên của đảng phản đối vì cho rằng ông Pompeo tỏ ra quá cứng rắn và hiếu chiến trong vấn đề sử dụng quân sự, đồng thời quá bảo thủ về ý thức hệ để có thể đại diện cho đất nước trên trường quốc tế. 

Về phía đảng Cộng hòa, gần như ngay sau khi ông Trump công bố đề cử, nghị sỹ Rand Paul, đại diện đảng Cộng hòa tại bang Kentucky, đã tuyên bố phản đối Pompeo vì việc ông này từng ủng hộ dùng các kỹ thuật hỏi cung bị cho là như tra tấn và các chương trình do thám do Cơ quan an ninh quốc gia của Mỹ thực hiện.

Tại phiên điều trần về việc chuẩn thuận ông Pompeo tại Ủy ban đối ngoại của Thượng viện Mỹ hôm 12/4 vừa qua, ông Paul không hề có dấu hiệu sẽ nhượng bộ ông Pompeo. Thay vào đó, ông tiếp tục “xoay” giám đốc CIA về tính hợp hiến của cuộc không kích Syria do ông Trump phát động cũng như cuộc chiến đang diễn ra ở Afghanistan.

Ông Paul có thể sẽ là người nắm trong tay lá phiếu quyết định đối với việc chuẩn thuận ông Pompeo. Nếu ông đứng về phía tất cả các nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ phản đối việc chuẩn thuận, ông Pompeo có thể sẽ trở thành ngoại trưởng đầu tiên trong lịch sử của Mỹ được chuẩn thuận mà không được ủy ban của Thượng viện Mỹ chịu trách nhiệm giám sát Bộ Ngoại giao tán thành. 

Có một điểm thú vị khác là đề cử quan chức ngoại giao cấp cao gần đây nhất cũng không được Ủy ban đối ngoại ủng hộ chính là ông John Bolton – cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump. Năm 2005, ông Bolton được Tổng thống George W. Bush đề cử giữ chức đại sứ Mỹ tại LHQ nhưng không được chấp thuận. Đảng Cộng hòa sau đó cũng đã không đánh bại được đảng Dân chủ tại cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện để việc đề cử ông Bolton được chấp thuận.

Cuộc bỏ phiếu gian nan

Theo người phát ngôn của Chủ tịch Ủy ban Bob Corker, phiên bỏ phiếu về việc chuẩn thuận ông Pompeo dự kiến tiến hành trong tuần này. Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Robert Menendez cho biết, nếu ông Pompeo không được Ủy ban đối ngoại chấp thuận, ông Trump nên thay thế bằng một đề cử khác có thể nhận được sự ủng hộ  rộng rãi của các nghị sỹ. Song điều này được cho là khó có khả năng xảy ra vì lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell dự kiến sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu của toàn thể Thượng viện Mỹ đối với đề cử ông Pompeo. 

Đảng Cộng hòa hiện giữ thế đa số trong Thượng viện Mỹ với tỉ lệ 51-49. Với việc Thượng nghị sỹ John McCain đang nghỉ chữa bệnh, ông Pompeo sẽ chỉ không được chấp thuận nếu ông Paul và tất cả 49 nghị sỹ đảng Dân chủ phản đối. Nhưng, một số nghị sỹ đảng Dân chủ như Joe Manchin, Heidi Heitkamp và Joe Donnelly được cho là sẽ bỏ phiếu cho ông Pompeo để giúp ứng viên ngoại trưởng và cả ông Trump khỏi thất bại đáng xấu hổ.

Nếu điều này xảy ra, theo Văn phòng lịch sử Thượng viện Mỹ, ông Pompeo sẽ trở thành thành viên thứ hai trong nội các của Mỹ được toàn thể Thượng viện ủng hộ sau cuộc bỏ phiếu bất thuận tại Ủy ban đối ngoại. Ví dụ duy nhất cho trường hợp này là cựu Phó Tổng thống Henry Wallace. Ông này cũng đã từng phải nhờ đến Thượng viện Mỹ mới được chuẩn thuận vào chức Bộ trưởng thương mại khi được Tổng thống Franklin Roosevelt đề cử vào năm 1945.

Lần cuối cùng Thượng viện Mỹ bác bỏ đề cử thành viên nội các của tổng thống là năm 1987, với đề cử bộ trưởng quốc phòng John Tower do Tổng thống George H.W. Bush đưa ra. Còn trên thực tế, nhiều ứng viên khác đã rút lui khi thấy rõ họ không thể nhận được đủ số phiếu cần thiết tại Thượng viện.

Hồi năm ngoái, một số đề cử nhân sự cấp cao của ông Trump cũng đã vấp phải sự phản đối của đảng Dân chủ, như ứng viên bộ trưởng y tế và dịch vụ con người Tom Price, ứng viên bộ trưởng tư pháp Jeff Sessions và bà Betsy DeVos của bộ giáo dục Mỹ.

Song, với tỉ lệ đa số trong quốc hội, đảng Cộng hòa đều đã giúp các đề cử được chấp thuận, trừ ứng viên Andrew Puzder đã rút lui trước cuộc bỏ phiếu. Tại cuộc bỏ phiếu chuẩn thuận bà DeVos, Phó Tổng thống Mike Pence thậm chí đã phải dùng đến quyền phủ quyết để phá thế bế tắc.

Chiến dịch “đánh bóng” hình ảnh

Mặc dù vậy nhưng cuộc gặp bí mật giữa ông Pompeo và nhà lãnh đạo Triều Tiên vừa được tiết lộ trong tuần qua có vẻ như đang giúp ông ghi được điểm, theo Huffington Post. Thượng nghị sỹ Bob Corker cho biết ông rất vui vì chính quyền đã thực hiện các cuộc bàn thảo trù bị trước cuộc gặp lịch sử Mỹ -  Triều. “Tôi thích sự thật là ông Pompeo đã gặp ông Kim. Tôi nghĩ đó là một hành động thông minh và là việc tốt”, ông Corker nói.

Các nhóm bảo thủ thì cho rằng trong bối cảnh ông Pompeo đã tham gia vào các cuộc đàm phán ngoại giao nhạy cảm với nhà lãnh đạo Triều Tiên, việc từ chối chuẩn thuận ông sẽ gây nguy hiểm nghiêm trọng cho cơ hội hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

“Mike Pompeo đang giúp Tổng thống Trump phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Các nghị sỹ đảng Dân chủ nên chuẩn thuận ông ấy làm ngoại trưởng ngay lập tức”, ông Steve Forbes, Tổng biên tập tờ Forbes, thúc giục.

Theo Huffington Post, chiến dịch hỗ trợ các nỗ lực của ông Pompeo để trở thành ngoại trưởng Mỹ đang có sự điều phối của chính phủ của ông Trump. Một quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ thừa nhận với tờ Politico rằng việc tiết lộ của gặp bí mật của ông Pompeo với ông Kim đã được lên kế hoạch để cho thấy ông Pompeo là một nhà ngoại giao có khả năng thay mặt tổng thống tiến hành những cuộc đàm phán nhạy cảm.

Cũng trong tuần qua, trang web của Nhà Trắng đã đăng bài viết ca ngợi những việc mà ông Pompeo đã làm được trong thời gian giữ chức Giám đốc CIA và khẳng định ông này chính là ngoại trưởng lý tưởng mà nước Mỹ cần.

Theo đó, bài viết cho rằng CIA dưới thời ông Pompeo đã trở thành “trái tim” trong những thành tựu ngoại giao lớn nhất của chính quyền Tổng thống Trump, giúp duy trì tính toàn vẹn của các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên, đẩy nhanh cuộc chiến chống khủng bố.

Đọc thêm

Tuyên bố đáng chú ý của Nga

Tuyên bố đáng chú ý của Nga
(PLVN) - Trong bối cảnh phương Tây thảo luận việc cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đưa ra tuyên bố: Nga có thể chuyển giao công nghệ hạt nhân cho "các quốc gia thù địch với Mỹ".

Chấn động thế giới những vụ tai nạn cuối tuần qua

Chấn động thế giới những vụ tai nạn cuối tuần qua
(PLVN) - Thế giới vừa trải qua một cuối tuần nhiều biến động với loạt tai nạn thảm khốc xảy ra ở nhiều nơi: Xe khách lao xuống vực ở Brazil, máy bay Nga bốc cháy khi hạ cánh ở Thổ Nhĩ Kỳ, lũ quét kinh hoàng ở Indonesia và cháy lớn thiêu rụi khu ổ chuột ở Philippines...

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.