Ứng dụng công nghệ trong ngân hàng: Rà soát, sửa đổi và bổ sung các quy định

Ứng dụng công nghệ thông tin để thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế tất yếu.
Ứng dụng công nghệ thông tin để thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế tất yếu.
(PLVN) - Trước các nhà đầu tư tại Hội nghị trực tuyến chuyên sâu về môi trường đầu tư Việt Nam, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Lê Minh Hưng khẳng định, Việt Nam đang xây dựng cơ chế thử nghiệm, đồng thời rà soát và tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng có thể nhanh chóng triển khai việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động của mình.

Giữ ổn định, an toàn hệ thống

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, hơn 20 năm qua, Việt Nam luôn được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là điểm đến hấp dẫn. Hiện nay, trước những thách thức của đại dịch Covid-19, đòi hỏi Việt Nam phải linh hoạt hơn trong ứng phó, và có những giải pháp cụ thể, kịp thời để giảm thiểu tác động tiêu cực và biến thách thức thành cơ hội.

Chia sẻ về tình hình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD), Thống đốc cho biết, việc thực hiện đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020” của Ngân hàng Nhà nước đến nay đã ghi nhận những kết quả quan trọng trên tất cả các khía cạnh liên quan.

Về mặt pháp lý, khuôn khổ pháp lý tiền tệ ngân hàng được hoàn thiện, đồng bộ với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam. Hệ thống các TCTD giảm về số lượng, tăng về quy mô, năng lực quản trị điều hành được nâng cao mở rộng phù hợp với thông lệ quốc tế, tính minh bạch trong hoạt động tín dụng được cải thiện. Hầu hết các ngân hàng đã áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo phương pháp tiêu chuẩn của Basel II, thậm chí có 18 ngân hàng đã áp dụng trước thời hạn do NHNN quy định. NHNN cũng đã xây dựng cơ sở pháp lý cho việc triển khai trụ cột 2 của Basel II. 

Về nợ xấu, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu, chất lượng tín dụng đã được cải thiện đáng kể, góp phần giảm tỷ lệ nợ xấu và duy trì dưới mức 2% tính đến thời điểm hiện tại.

“Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động giám sát an toàn vĩ mô đối với hệ thống tài chính, tạo thuận lợi cho các TCTD cung ứng đầy đủ đa dạng các sản phẩm dịch vụ tài chính, tăng cường hiệu lực và hiệu quả của công tác thanh tra, giám sát NH, đổi mới theo hướng chuyển nhanh và mạnh từ thanh tra tuân thủ sang thanh tra giám sát trên cơ sở rủi ro, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Đồng thời, NHNN sẽ chỉ đạo TCTD triệt để tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay tiếp sức cho nền kinh tế, đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới nhưng không hạ chuẩn cho vay, đảm bảo chất lượng an toàn tín dụng,…”- Thống đốc thông tin.

Phát triển dịch vụ ngân hàng hiện đại

Trước mối quan tâm của nhà đầu tư về phát triển NH số và Fintech tại Việt Nam, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng sự xuất hiện và phát triển với tốc độ nhanh chóng của Fintech đã khiến các cơ quan quản lý tài chính của các quốc gia phải đối mặt với những thách thức và khó khăn trong công tác quản lý, giám sát như nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố, rủi ro liên quan đến an ninh, an toàn, bảo mật thông tin, sử dụng trái phép thông tin cá nhân..

Người đứng đầu ngành ngân hàng cho biết, NHNN và các cơ quan liên quan tại Việt Nam cũng đang gặp phải các thách thức mới trong công tác quản lý Nhà nước với sự xuất hiện của các công ty Fintech hoạt động trong các lĩnh vực như cho vay ngang hàng (P2P Lending), các mô hình thanh toán mới, chuyển tiền xuyên biên giới, chia sẻ dữ liệu người dùng qua giao diện lập trình ứng dụng mở... Hoạt động của loại hình các công ty/mô hình này hiện nay hầu hết đều chưa có quy định pháp lý cụ thể điều chỉnh, do đó những rủi ro phát sinh chưa được kiểm soát đầy đủ.

Xuất phát từ thực tiễn đó và thông lệ quản lý lĩnh vực Fintech trên thế giới, trước mắt đối với các dịch vụ mới hoàn toàn chưa có quy định pháp lý thì việc thiết lập cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam là hết sức cấp bách và cần thiết.

“Hiện nay, NHNN đang trong quá trình phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thiện bộ hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng, trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới…”- Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.

Song song với đó, đối với các dịch vụ đã có một phần quy định pháp lý điều chỉnh, NHNN thực hiện rà soát và tiến hành sửa đổi, bổ sung ngay các quy định này nhằm hỗ trợ các TCTD có thể nhanh chóng triển khai việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động của mình như: Ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực thanh toán (sửa đổi, bổ sung Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt); Thực hiện xác thực khách hàng từ xa (sửa đổi, bổ sung Nghị định 116/2013/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền)...

NHNN cũng đang nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung vào Luật các TCTD các nội dung mới liên quan đến công nghệ nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho quá trình chuyển đổi số và hoạt động Fintech trong lĩnh vực này.

Đọc thêm

Sẽ quy định cụ thể trách nhiệm và cách thức sàn thương mại điện tử khấu trừ, nộp thay thuế

 Sẽ quy định cụ thể trách nhiệm và cách thức sàn thương mại điện tử khấu trừ, nộp thay thuế
(PLVN) - Bộ Tài chính sẽ xây dựng nghị định quy định chi tiết về phạm vi trách nhiệm và cách thức các nhà quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế đã khấu trừ đối với các giao dịch kinh doanh trên sàn của các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Thay đổi nhân sự ngành Thuế

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận trao quyết định và chúc mừng ông Lưu Đức Huy và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng
(PLVN) - 2 vị trí Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) và Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) đã được hoán đổi giữa ông Lưu Đức Huy và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng.

Livestream bán hàng: Khai thuế, nộp thuế như thế nào?

Livestream bán hàng: Khai thuế, nộp thuế như thế nào?
(PLVN) - Các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa thông qua phiên livestream thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế theo nguyên tắc: tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm và xuất hóa đơn đầy đủ khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

Hoàn thuế GTGT: Nhận diện khó khăn, thách thức

Thời gian qua nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ gặp khó trong hoàn thuế GTGT vì phải truy xuất đến F0, F1...
(PLVN) - Mặc dù từ đầu năm đến nay, cơ quan thuế (CQT) đã giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho hơn 15 nghìn hồ sơ với tổng số tiền hơn 115 nghìn tỷ đồng, bằng 112% so với số hoàn cùng kỳ năm 2023, song công tác hoàn thuế vẫn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức…