Nhớ lại ngày đầu thành lập và đi vào hoạt động tháng 5/2003, cùng với tình hình chung của cả hệ thống trên toàn quốc, NHCSXH huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trụ sở phải đi thuê, mượn, đội ngũ cán bộ còn mỏng, địa bàn hoạt động tín dụng rộng, nhận bàn giao 2 chương trình tín dụng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Kho bạc Nhà nước với tổng dư nợ chỉ có 20,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện đã đặt sự quan tâm và hỗ trợ hàng đầu cho NHCSXH huyện. UBND huyện đã thành lập Ban đại diện - Hội đồng quản trị để quản trị và chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, chỉ đạo cấp ủy Đảng và chính quyền các xã, thị trấn triển khai thực hiện tín dụng chính sách đến các đối tượng thụ hưởng.
Đội ngũ cán bộ nhân viên NHCSXH huyện đã xác định nhiệm vụ, đồng sức, đồng lòng quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương triển khai cho vay kịp thời các chương trình tín dụng, thu hồi các món nợ quá hạn nhận bàn giao để tạo nguồn vốn quay vòng, xây dựng và củng cố tổ chức mạng lưới các Tổ tiết kiệm và vay vốn tại cơ sở.
Những năm đầu triển khai thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi, huyện Tuyên Hóa là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm chiếm tỷ trọng tương đối cao. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm là 55%. Đây là cơ sở về đối tượng thụ hưởng để đơn vị tranh thủ nguồn vốn qua các năm nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng.
Ban Giám đốc, tập thể cán bộ nhân viên NHCSXH huyện đã tập trung ý chí, đoàn kết, thường xuyên tham mưu tốt cho chính quyền địa phương đặc biệt là cấp xã để củng cố các Tổ TK&VV, đào tạo tập huấn cho tổ chức mạng lưới, đôn đốc, hướng dẫn bình xét cho vay, hoàn tất các thủ tục hồ sơ và giải ngân đến các đối tượng thụ hưởng.
Từ chỗ chỉ thực hiện 2 chương trình tín dụng khi đi vào hoạt động, qua 15 năm, đến nay đã có 15 chương trình tín dụng được triển khai thực hiện, tổng doanh số cho vay là 890,5 tỷ đồng với 54,7 ngàn lượt hộ được vay vốn, thực hiện ủy thác cho vay thông qua 4 tổ chức chính trị-xã hội: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. Trên 20 xã, thị trấn có 4 tổ chức chính trị-xã hội làm dịch vụ ủy thác, mạng lưới Tổ TK&VV có 324 tổ.
PGD NHCSXH huyện Tuyên Hóa đã mở 20 điểm giao dịch tại các xã, thị trấn; nguồn vốn tín dụng chính sách đã cho vay đến 156 thôn, bản trên địa bàn huyện. Với 15 chương trình tín dụng được triển khai thực hiện trên toàn huyện, đến nay, tổng dư nợ cho vay đạt 417 tỷ đồng, tăng 397 tỷ đồng (gấp 20,8 lần) so với ngày đầu thành lập. Tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,12%/tổng dư nợ, giảm 2,85% so với ngày đầu thành lập.
Nguồn vốn cho vay đã giúp cho gần 10 ngàn hộ nghèo thoát được nghèo, tạo việc làm cho 16,5 ngàn lao động, có 875 ngôi nhà của hộ nghèo được xây dựng nhờ vay vốn, 8.371 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn học tập, 11.760 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được đầu tư nhờ vay vốn.
Điển hình các hộ vay vốn phát huy tốt hiệu quả như: Hộ anh Đỗ Đức Lợi ở thôn Cao Cảnh, xã Cao Quảng vay vốn hộ nghèo 32 triệu đồng đầu tư chăn nuôi bò lai, đem lại thu nhập bình quân hàng năm cho gia đình là 50 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 2 lao động. Hộ anh Đinh Minh Ngọc ở tiểu khu Lưu Thuận, thị trấn Đồng Lê vay vốn chương trình hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn số tiền 50 triệu đồng đầu tư mô hình kinh tế tổng hợp, đến nay trang trại của anh thường xuyên có 30 con lợn nái, 4 con bò cái sinh sản, đàn dê có 30 con và 3 sào đất ao nuôi cá nước ngọt, hàng năm sau khi trừ các khoản chi phí đem lại thu nhập cho gia đình từ 110-120 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 3 lao động.
Và còn rất nhiều các hộ nghèo khác nữa ở Tuyên Hóa đã sử dụng đồng vốn chính sách đúng mục đích, phát huy tốt hiệu quả. Có thể khẳng định, tín dụng chính sách thông qua NHCSXH trong 15 năm qua đã được cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương các cấp, đông đảo hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đồng thuận hưởng ứng tích cực, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội cùng góp công sức, trí tuệ để thực hiện tốt công tác tín dụng chính sách, hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận được nguồn vốn đầu tư sản xuất kinh doanh để thoát nghèo, giải quyết việc làm và vươn lên làm giàu chính đáng.