Sau một thời gian triển khai, một số quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện. Đặc biệt trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Cùng với đó, các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” đã đặt ra nhiều yêu cầu đổi mới với công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng đã ban hành nhiều chủ trương, quy định liên quan đến công tác quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đanh giá, phân loại cán bộ, công chức, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm người đứng đầu các cấp… Do vậy, một số nội dung, quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung để thể chế hóa các chủ trương của Đảng nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy định của Đảng và của pháp luật trong công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước.
Đại diện Bộ Nội vụ cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức tập trung vào 5 nội dung chính. Theo đó bao gồm: vấn đề công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập; vấn đề áp dụng quy định của Luật đối với đối tượng lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước; yêu cầu tiếp tục đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng điều kiện phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng; kỷ luật đối với cán bộ, công chức; cán bộ, công chức cấp xã. Còn đối với Luật Viên chức, việc sửa đổi, bổ sung chủ yếu liên quan tới vấn đề đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; vấn đề hợp đồng đối với viên chức; vấn đề quản lý và kỷ luật đối với viên chức.
Theo GS.TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, cần xác định rõ nhu cầu cần thiết sửa đổi, bổ sung các luật này. Ngoài mục đích thể chế hóa các chủ trương của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ của pháp luật thì việc sửa đổi, bổ sung cần xuất phát từ nhu cầu thực tại và đáp ứng mục tiêu chung là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp. Các tiêu chuẩn của công chức phải chi tiết, lượng hóa được, trong đó đề cao 3 yếu tố là kiến thức, kỹ năng, thái độ và trách nhiệm nghề nghiệp. Ông Phạm Thành Nam, Hàm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng Trung ương Đảng cho rằng cần tổng kết thực tiễn triển khai Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, từ đó mới đánh giá được các nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung đã bao quát hết các vấn đề bất cập của thực tế chưa.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nhấn mạnh tới sự cần thiết, cấp bách của việc sửa đổi, bổ sung 2 Luật này. Thứ trưởng đề nghị việc sửa đổi cần bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt cần kịp thời cập nhật các nội dung của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 với các chế độ, chính sách thu hút người tài. Việc sửa đổi, bổ sung cần phải xem xét một cách tổng thể, tiếp cận với mức độ rộng hơn, tính toán tới bất cập chung liên quan tới cán bộ, công chức, viên chức hiện nay. Đồng thời phải có báo cáo tổng kết thực tế triển khai luật và các văn bản liên quan trong thời gian qua, đánh giá tác động và xác định cụ thể các tiêu chuẩn, chính sách đối với từng đối tượng.