Theo Bộ Quốc phòng, công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2021 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát đợt 3 hết sức phức tạp; một số địa phương, đơn vị phải lùi thời gian giao nhận quân so với kế hoạch chung toàn quốc.
Để triển khai thực hiện nghiêm việc gọi công dân nhập ngũ năm 2022, Bộ Quốc phòng đã đưa ra đề nghị khá cụ thể đối với các địa phương và yêu cầu với các đơn vị.
Những trường hợp ưu tiên
Cụ thể, đối với các địa phương giao quân, Bộ đề nghị tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, phát huy vai trò của các cấp, các ngành, các tổ chức Chính trị xã hội, sự giám sát của nhân dân đối với công tác tuyển quân. Ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo sát, đúng với tình hình thực tế, nhiệm vụ của địa phương. Triển khai tổ chức thực hiện chặt chẽ, dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng đúng pháp luật; bảo đảm chất lượng và đạt 100% chỉ tiêu được giao.
Kiện toàn Hội đồng nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp, tổ chức Hội đồng khám sức khỏe NVQS cấp huyện đủ số lượng, đúng thành phần quy định; bảo đảm phương tiện, trang thiết bị y tế đồng bộ; phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên gắn với chất lượng tuyển quân; bố trí cán bộ, nhân viên có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn tham gia khám tuyển.
Các địa phương cũng phải tổ chức tập huấn, khám tuyển chặt chẽ phù hợp từng địa phương, từng cấp độ dịch bệnh; chú trọng các địa phương dịch bệnh COVID-19 cấp độ 3, 4; kết luận phân loại sức khỏe chính xác; đề xuất, giải quyết, xử lý kịp thời các trường hợp trên cơ thể có hình xăm, chữ xăm; sử dụng thuốc, chất kích thích, chất ma túy, tiền ma túy... làm thay đổi, sai lệch kết quả khám sức khỏe, nhằm trốn, tránh thực hiện NVQS.
Đáng lưu ý, theo Bộ Quốc phòng, cần ưu tiên tuyển chọn những công dân đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng có ngành nghề chuyên môn kỹ thuật phù hợp với nhu cầu bố trí, sử dụng của Quân đội; con em đồng bào dân tộc ít người (dưới 10.000 người) để tạo nguồn cán bộ cơ sở cho địa phương; bảo đảm 100% địa phương cấp xã có công dân gọi nhập ngũ - không để có xã trắng trong tuyển quân.
Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục thực hiện tuyển quân “Tròn khâu” với phương châm “Tuyển người nào chắc người đó”, hạn chế thấp nhất bù đổi, loại trả sau giao nhận quân. Tạo điều kiện thuận lợi giúp các đơn vị nhận quân được thâm nhập “Ba gặp, bốn biết” theo quy định của Bộ Quốc phòng; giao chỉ tiêu tuyển quân cho địa phương cấp huyện gắn với địa bàn động viên để tạo nguồn xây dựng lực lượng dự bị động viên.
Chú trọng nâng cao chất lượng lập và quản lý chặt chẽ hồ sơ, lý lịch công dân nhập ngũ; nội dung viết, kê khai phải đầy đủ, rõ ràng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong tuyển quân, hạn chế thấp nhất việc đi lại làm ảnh hưởng đến công việc, thời gian của công dân và các cơ quan, tổ chức liên quan.
Chuẩn bị tốt mọi mặt, chủ trì, phối hợp với các đơn vị nhận quân tổ chức Hội nghị hiệp đồng tuyển quân ở hai cấp (tỉnh và huyện) bảo đảm chặt chẽ, cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai thực hiện; tổ chức Lễ giao nhận quân trang trọng, vui tươi, tiết kiệm, an toàn phòng chống dịch, đúng quy định.
Các địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo ưu tiên thực hiện 100% công dân trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, có Lệnh gọi nhập ngũ được tiêm 02 mũi (tiêm đủ liều) vắc xin phòng COVID-19 trước 14 ngày giao quân và được xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR kết quả (âm tính) còn hiệu lực đến ngày giao nhận quân.
Trường hợp địa phương, có thảm họa hoặc dịch bệnh phức tạp không thể giao nhận quân, Thường vụ Tỉnh ủy, (Thành ủy), Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố trực thuộc Trung ương) xem xét, và giao Hội đồng NVQS kịp thời đề xuất, báo cáo về Quân khu, Bộ Quốc phòng để xem xét, điều chỉnh thời gian giao nhận quân phù hợp…
Đảm bảo an toàn phòng, phòng chống dịch
Đối với các đơn vị nhận quân, Bộ Quốc phòng yêu cầu: tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác tuyển nhận quân chặt chẽ, sát, đúng với tình hình thực tế, nhiệm vụ của từng đơn vị, địa phương theo từng cấp độ dịch. Chủ động phối hợp, hiệp đồng với địa phương thống nhất cụ thể từng nội dung tuyển quân. Phân công cán bộ có năng lực, kinh nghiệm, trách nhiệm đi tuyển nhận quân; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ trước khi đi nhận quân, hiệp đồng chặt chẽ với địa phương, nhận quân bảo đảm đạt 100% chỉ tiêu chất lượng, an toàn. Chuẩn bị tốt nơi ăn, ngủ nghỉ, sinh hoạt, học tập... tổ chức đón nhận và đảm bảo tốt mọi mặt đời sống, vật chất, tinh thần cho tân binh ngay từ ngày đầu về đơn vị.
Trường hợp đơn vị huấn luyện chiến sĩ mới đứng chân trên địa bàn dịch bệnh phức tạp không thể tiếp nhận tân binh về được, chỉ huy đơn vị cấp trực thuộc Bộ, điều chỉnh giao đơn vị khác thuộc quyền đủ điều kiện huấn luyện chiến sĩ mới tiếp nhận và tổ chức huấn luyện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; nếu không điều chỉnh được kịp thời đề xuất, báo cáo Bộ Quốc phòng để xem xét, điều chỉnh thời gian nhận quân phù hợp.
Tổ chức Hội đồng khám phúc tra sức khỏe đủ số lượng, đúng thành phần quy định, phối hợp chặt chẽ với địa phương giao quân thực hiện bù đổi theo quy định (nếu có). Tiếp tục rà soát, phát hiện, có biện pháp giáo dục, động viên tân binh trên cơ thể có hình xăm, chữ xăm (nếu có) tự giác tẩy xóa và chấp hành nghiêm chế độ sinh hoạt trong môi trường Quân đội. Thường xuyên nắm chắc và làm tốt công tác chính trị tư tưởng, duy trì thực hiện nghiêm kỷ luật của Quân đội và thực hiện nền nếp chính quy.
Chuẩn bị tốt mọi mặt tổ chức huấn luyện chiến sĩ mới, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 04/CT-TM ngày 03/02/2021 của Tổng Tham mưu trưởng. Chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ trước khi bước vào huấn luyện; tổ chức biên chế, chất lượng khung huấn luyện chiến sĩ mới; bảo đảm đầy đủ vũ khí, trang bị, cơ sở vật chất, mô hình học cụ, thao trường, bãi tập...; nâng cao chất lượng huấn luyện tân binh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới./.