Đi đúng hướng…
Trước khi lên quận, Cầu Giấy là một phần của huyện Từ Liêm, vùng đất thuần nông ven đô Hà Nội. Vốn liếng hiểu theo nghĩa đen và nghĩa bóng của Cầu Giấy lúc bấy giờ là một vùng đất đai rộng lớn gồm 7 xã, thị trấn.
Nguồn lực này chính là chiếc “chìa khóa” giúp quận tạo những nguồn thu quan trọng từ đấu giá quyền sử dụng đất để đặt những viên gạch đầu tiên cho quá trình kiến thiết quận nhà.
“Cầu Giấy đã được TP.Hà Nội phê duyệt cơ chế đặc thù về sử dụng nguồn thu từ đấu giá đất để thực hiện nhiều dự án kết nối hạ tầng giao thông, qua đó có điều kiện để “vẽ” nên những nét đầu tiên của bộ mặt đô thị mới như tuyến đường vành đai 2,5 từ Hoàng Quốc Việt đến Trung Kính, Trần Duy Hưng chiều dài 2km, Công viên Dịch Vọng…”, ông Trần Việt Hà - Ủy viên Thường vụ Quận ủy, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy trao đổi với PLVN.
"Dịch vụ của quận bây giờ là những dịch vụ chất lượng cao như tài chính - ngân hàng, tư vấn về khoa học công nghệ… Quận đã, đang hướng đến những nguồn thu bền vững và giảm dần nguồn thu từ sử dụng đất như thời kỳ đầu mới lập quận”, bà Phan Thị Hồng Minh - Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch quận Cầu Giấy
Điều đáng nói, 2 năm sau ngày thành lập quận - năm 1999, Cầu Giấy đã có trong tay bản Quy hoạch chi tiết 1/2.000. Tài liệu này được ví là một “thanh ray” quan trọng cho định hướng phát triển của một đô thị đồng bộ, văn minh trong tương lai. Đồng thời đó cũng là cơ sở để những quy hoạch chi tiết hơn, nhỏ hơn như 1/500 “bám” vào để thực hiện.
Trong lĩnh vực kinh tế, tập thể lãnh đạo quận này đã từng đưa ra quyết sách khá đột phá khi điều chỉnh thành công Cụm tiểu thủ Công nghiệp và Công nghiệp nhỏ của quận thành Khu Công nghệ thông tin tập trung Cầu Giấy. Đây là Khu Công nghệ thông tin tập trung đầu tiên của Hà Nội và là thứ 3 của cả nước được công nhận vào thời điểm năm 2013, sau Công viên Phần mềm Quang Trung (TP.HCM) và Đà Nẵng.
“Năm 2007, Tập đoàn FPT đầu tư khánh thành tòa nhà đầu tiên ở khu vực này. Tiếp đó, hàng chục tòa nhà văn phòng khác cũng được khánh thành đi vào hoạt động ở đây... “Hữu xạ tự nhiên hương”, nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phần mềm như CMC, Viettel, Elcom, Misa… lần lượt về đây để kinh doanh, sáng tạo với cả vạn lao động... Sự thành công của mô hình này là một cú huých quan trọng, tạo nên dấu ấn của một đô thị năng động, với nhiều doanh nghiệp kinh doanh có hàm lượng chất xám cao ở phía Tây thành phố”, lời Phó Chủ tịch quận Cầu Giấy.
Sau 25 năm thành lập quận, nhiều công trình hạ tầng xã hội đã được đầu tư xây dựng để phục vụ nhân dân (Trong ảnh: Nhà thi đấu Cầu Giấy đang phục vụ SEA Games 31) |
Tự tin vào “Câu lạc bộ” 10.000 tỷ
Với những bước đi bài bản từ ngày đầu, Cầu Giấy đã định hướng phát triển và xác định cơ cấu kinh tế “đường dài” của địa phương là tập trung vào lĩnh vực dịch vụ, thương mại và công nghiệp xây dựng.
“Dịch vụ của quận bây giờ là những dịch vụ chất lượng cao như tài chính - ngân hàng, tư vấn về khoa học công nghệ… Quận đã, đang hướng đến những nguồn thu bền vững và giảm dần nguồn thu từ sử dụng đất như thời kỳ đầu mới thành lập quận”, bà Phan Thị Hồng Minh - Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch quận Cầu Giấy nói và cho biết thêm, mục tiêu năm 2022 của Cầu Giấy là sẽ gia nhập vào “Câu lạc bộ” 10.000 tỷ đồng.
Mục tiêu này thành công thể hiện rõ sự trưởng thành vượt bậc của địa phương suốt hơn 2 thập kỷ. Cụ thể, khi mới lên quận - năm 1997, nguồn tài chính rất hạn hẹp, mất cân đối, chủ yếu trông chờ vào thành phố vì thu ngân sách địa phương mới 2 con số (khoảng 35 tỷ) nhưng đến năm 2017, con số này là 6.000 tỷ. Năm 2021 - dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng số thu ngân sách trên địa bàn quận vẫn đạt trên 9.000 tỷ…
Cả quận hiện có gần 2 vạn doanh nghiệp, 9.000 hộ kinh doanh cá thể - đó là những thành tố quan trọng, đồng hành cùng sự phát triển kinh tế địa phương và đã giúp Cầu Giấy luôn có mặt trong nhóm những quận, huyện dẫn đầu thành phố về số thu ngân sách.
Ở “tuổi” 25, Cầu Giấy cũng được chấm điểm khá cao vì sự nỗ lực của một chính quyền vì người dân, doanh nghiệp phục vụ, khi 5 năm gần đây chỉ số cải cách hành chính luôn thay đổi theo hướng tích cực.
“Năm 2016, quận xếp thứ 18 của thành phố, năm 2018 lên vị trí thứ 4. Ba năm gần đây, Cầu Giấy luôn dẫn đầu TP.Hà Nội về cải cách hành chính”, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà thông tin thêm.
Thành quả của sự nghiệp phát triển suốt 25 năm là điều người dân ở đây dễ dàng cảm nhận qua những thay đổi về chất lượng cuộc sống, y tế, giáo dục, hạ tầng đô thị… bởi chính quyền luôn quan tâm và đầu tư mạnh cho hệ thống các công trình phúc lợi; hạ tầng kỹ thuật, hệ thống các trường học công lập để phục vụ nhân dân…
Từ năm 2006, Cầu Giấy là một trong những trung tâm giáo dục hàng đầu thành phố, với hàng trăm học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế |
“Cầu Giấy có một ưu thế không phải địa phương nào cũng có là trên địa bàn có khá nhiều trường, trung tâm nghiên cứu tầm cỡ quốc gia như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng nhiều Học viện các Bộ, ngành và các trường trung học phổ thông chất lượng cao của thành phố như Hà Nội - Amsterdam, Yên Hòa, Cầu Giấy…
Những địa chỉ nói trên đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nâng cao dân trí, hình ảnh của quận Cầu Giấy - kết hợp với những thành tựu kinh tế - xã hội mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân quận Cầu Giấy đạt được suốt chặng đường 25 năm để làm nên một Cầu Giấy như ngày hôm nay”, ông Trần Việt Hà - Phó Chủ tịch UBND quận khẳng định.
Quận Cầu Giấy được thành lập theo Nghị định 74/CP ngày 22/11/1996 của Chính phủ, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/9/1997, bao gồm 4 thị trấn: Nghĩa Đô, Nghĩa Tân, Mai Dịch, Cầu Giấy và 3 xã: Dịch Vọng, Yên Hòa, Trung Hòa, tách ra từ huyện Từ Liêm, với diện tích tự nhiên hơn 1.210 ha.
Năm 2005, phường Dịch Vọng Hậu được thành lập trên cơ sở tách từ hai phường Quan Hoa và Dịch Vọng. Đến nay, quận gồm 8 phường, hơn 29 vạn dân.