Thông tin Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) bị bắt là lý do khiến chứng khoán giảm mạnh nhất nửa năm qua, tỷ giá ngân hàng vọt qua mốc 21.000 đồng và người dân đổ đi mua vàng chiều 21/2.
"Buổi sáng nay thì có tin đồn một quan chức bị bắt, sau đó là giám đốc ngân hàng, rồi một Phó tổng BIDV và cuối cùng đồn đến chính tôi. Đây là thông tin thất thiệt, có thể do một nhóm đầu cơ nào đó tung ra để trục lợi", Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà nói.
Ban lãnh đạo ngân hàng đã họp bàn phân tích hướng xử lý với thông tin đồn thổi này và báo cáo với Chính phủ, các cơ quan chức năng đề nghị can thiệp.
"Thông tin này không chỉ ảnh hưởng tới uy tín cá nhân, tới BIDV mà có thể khiến nhiều người dân thiệt thòi. Chúng tôi đã đề nghị Bộ Công an xử lý những kẻ tung tin nhảm", ông Hà bức xúc.
Thị trường tài chính ngân hàng vốn đang căng thẳng sau kỳ nghỉ Tết âm lịch hôm nay càng thêm biến động bởi thông tin bắt bớ này. Tỷ giá đôla sau khi chững lại vào buổi sáng, bất ngờ tăng vọt trở lại vào buổi chiều 21/2, đáng chú ý là giá niêm yết trong ngân hàng vượt qua 21.000 đồng khiến ngay dân buôn đôla chợ đen cũng giật mình. Giá vàng tiếp tục doãng rộng khoảng cách so với thế giới khi lực mua bất ngờ tăng mạnh tại TP HCM.
Ảnh hưởng nặng nề nhất là thị trường chứng khoán, hai chỉ số sàn Hà Nội và TP HCM rơi tự do, Vn-Index giảm với biên độ lớn nhất từ sau vụ bầu Kiên bị bắt tháng 8/2012. Thanh khoản cả hai sàn có tín hiệu lạ, dù tin đồn bắt giữ khiến giá giảm nhưng giá trị giao dịch lại tăng mạnh.
"Đây là dấu hiệu cho thấy việc tung tin đồn là có chủ ý đầu cơ. Có người nói với tôi, trong ngày hôm nay, dân đầu cơ đã có thể kiếm hàng trăm tỷ đồng nhờ thông tin đồn thổi này", ông Hà nói.
Ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV cho rằng có dấu hiệu cho thấy việc tung tin đồn là có chủ ý đầu cơ... |
Phó chủ tịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) Nguyễn Đức Hưởng cũng tỏ ra bức xúc với thông tin này. Theo ông, tin bắt giữ Chủ tịch BIDV tung ra đúng thời điểm thị trường đang hoang mang trước tin đồn sẽ phá giá tiền đồng.
Theo ông, thực tế là một số ngân hàng đã bán đôla trước Tết, nay có nhu cầu mua lại. Cùng thời điểm này, xuất hiện một số nhu cầu ngoại tệ phục vụ thanh toán đến hạn.
"Diễn biến này cộng với tin đồn về BIDV, khiến người ta càng suy đoán Ngân hàng Nhà nước sẽ phá giá tiền đồng. Nếu không can thiệp kịp thời, có thể khiến người dân chịu thiệt, đi rút tiền, bán chứng khoán để mua vàng và đôla", ông Hưởng nói.
Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu cho rằng, do thời gian qua nhiều ý kiến đề nghị phá giá tiền đồng 2-4% để hỗ trợ xuất khẩu khiến một số doanh nghiệp muốn đón trước xu hướng nên mua USD vào. "Nguồn cung thì bình thường nhưng xuất hiện lực mua USD khiến tỷ giá phải nhích lên", ông Toại nói.
Đồng quan điểm, ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín cũng khẳng định, nguồn cung USD của nhà băng ông khá ổn định, tỷ giá dao động là do ảnh hưởng yếu tố tâm lý nhất thời.
Trước diễn biến tỷ giá tự do nóng lên trong những ngày qua, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM Nguyễn Hoàng Minh cho biết cơ quan này đã phối hợp với quản lý thị trường và các cơ quan ban ngành đi kiểm tra việc kinh doanh ngoại tệ tại thị trường tự do để ổn định tình hình.
Do đó, theo ông Minh, giá USD tự do trên địa bàn thành phố ngày hôm nay đã tạm lắng. Riêng tỷ giá USD/VND trong ngân hàng hiện tăng lên 21.000 đồng, ông Minh cho rằng đó là do ảnh hưởng các thông tin đề nghị "phá giá tiền đồng".
Ông Minh cũng nhắc lại quan điểm của Ngân hàng Nhà nước Trung ương là chưa điều chỉnh tỷ giá trong thời điểm này. Ngoài ra, theo vị Phó giám đốc này, sự tăng giá đôla Mỹ ngày hôm nay vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước, hơn nữa trạng thái ngoại tệ của các nhà băng trên địa bàn đang rất tốt nên chưa đáng quan ngại. "Chúng tôi đang theo dõi sát diễn biến vàng ngoại tệ và sẵn sàng can thiệp khi cần thiết", ông Minh cho biết.
Theo VNE