Khi nạn “cát tặc” đã lộng hành đến độ dám đe dọa những người lãnh đạo địa phương, đồng nghĩa với việc “tuyên chiến” với bộ máy quản lý thì người ta nghĩ ngay đến phải có một thế lực nào đó đứng sau nó.
Không có một sự “chống lưng” quyền lực, biểu hiện “lợi ích nhóm” thì làm sao nạn khai thác cát lại thể lộng hành lâu đến thế, có thể vô hiệu hóa sự quản lý của chính quyền và buộc người dân phải tự phát chống lại.
Một vụ tày đình như Bắc Ninh mà việc xử lý chỉ đình chỉ vài cán bộ Thanh tra chuyên ngành thì có thể coi như một động thái phủ bụi mà thôi. Việc dừng ngay cấp phép nạo vét dòng sông một cách khẩn cấp có thể coi là một biện pháp mạnh, đánh trúng vào “cái huyệt” được giao quản lý, có quyền cấp phép nhưng “không có trách nhiệm bắt cát tặc”, trên danh nghĩa là nạo vét luồng lạch nhưng chỉ để khai thác cát. Đã có trường hợp vấp phải sự phản đối quyết liệt của dư luận khi nạo vét thì cát lấy đi, bùn đất và rác rưởi thì để lại.
Một sự kiện khác, gây chấn động dư luận trong tuần là 40 nền móng biệt thự không phép đang được thi công gấp rút tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Sự việc này được phát hiện bởi một người đi câu, chính quyền và cơ quan chức năng không hề biết. Chi tiết này buộc người ta phải nghĩ đến một sự “chống lưng” của ai đó hoặc chí ít là nhắm mắt làm ngơ cho việc xây dựng này, chứ không thể là chuyện “không biết”, cái giật mình của nhà quản lý chẳng mấy ai tin.
Rồi cũng cấp bách xử lý, nhưng cũng như ở Bắc Ninh thôi, phạt 40 triệu đối với công trình này cũng chỉ là một động tác phủi bụi. Điều mà dư luận cả nước quan tâm là bán đảo Sơn Trà, lá phổi thiên nhiên cung cấp dưỡng khí cho “thành phố đáng sống” với nhiều động vật hoang dã quý hiếm sinh sống có thể bị “biến đổi công năng” thành điểm vui chơi cho một số người. Nơi đây không chỉ của riêng Đà Nẵng mà là còn là điểm tham quan, du lịch của đồng bào cả nước.
Trước phản ứng của dư luận, Thành ủy Đà Nẵng đã yêu cầu UBND thành phố báo cáo về vụ việc này cùng với 2 công trình khác không phép. Hy vọng rằng những động thái phủi bụi không tiếp diễn và phải có một biện pháp mạnh giống như động tác khẩn cấp ngừng cấp phép nạo vét lòng sông.
Từ quán bia vỉa hè đến bãi trông xe đều có “đứng sau”, từ khai thác cát đến xây dựng đô thị đều được “chống lưng”, xe quá tải, kinh doanh vỉa hè đều có “bảo kê”, đó là các hiện tượng hết sức đáng quan ngại cho trật tự xã hội và bình yên cuộc sống.
Cần “rút phép thông công” của các thế lực mờ ám này. Điều đó hoàn toàn có thể trong thẩm quyền quản lý của Nhà nước, quy định của pháp luật. Điều căn cốt là có dám mạnh tạy xử lý hay không, còn lòng dân chắc chắn là đồng thuận với sự nghiêm minh, giữ vững trật tự kỷ cương xã hội.