Ngày 23/4/2020, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính 06 tháng đầu năm 2020. Thứ trưởng Mai Lương Khôi chủ trì điểm cầu tại Hà Nội.
Cùng dự có các Phó Tổng cục trưởng: Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Văn Lực, Trần Thị Phương Hoa.
Chánh Văn phòng Tổng cục Phan Huy Hiếu giới thiệu khai mạc Hội nghị |
Báo cáo kết quả công tác THADS, theo dõi thi hành án hành chính 6 tháng đầu năm tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Trần Thị Phương Hoa cho biết: các cơ quan THADS đã giải quyết là 638.383 việc. Tổng số phải thi hành là 632.362 việc, trong đó: Số có điều kiện thi hành là 489.765 việc, chiếm 77,45% trong tổng số phải thi hành. Kết quả: Đã thi hành xong là 259.558 việc, tăng 16.772 việc (tăng 6,91%) so với cùng kỳ năm 2019; đạt tỉ lệ 53,00%.
Về tiền, số có điều kiện thi hành là 144.888 tỷ 798 triệu 663 nghìn đồng, chiếm 60,74% trong tổng số phải thi hành. Kết quả: Thi hành xong 24.932 tỷ 859 triệu 166 nghìn đồng, tăng 6.515 tỷ 486 triệu 784 nghìn đồng (tăng 35,38%) so với cùng kỳ năm 2019; đạt tỉ lệ 17,21% (tăng 0,58%) so với cùng kỳ năm 2019.
Phó Tổng cục trưởng Trần Thị Phương Hoa báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm |
Tòa án nhân dân các cấp đã chuyển giao cho cơ quan THADS 1.368 bản án, quyết định hành chính. Các cơ quan THADS đã thực hiện theo dõi và 579 việc (kỳ trước chuyển sang là 324 việc, trong kỳ báo cáo là 255 việc). Các cơ quan THADS đã ra văn bản thông báo tự nguyện thi hành án đối với 358 việc; đăng tải công khai 114 Quyết định buộc thi hành án hành chính của Tòa án; tổ chức làm việc với người phải thi hành án 119 vụ việc; có văn bản kiến nghị xử lý đối với 32 trường hợp do vi phạm nghĩa vụ thi hành án.
Các Phó Tổng cục trưởng tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội |
06 tháng đầu năm 2020, Bộ Tư pháp đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính; ban hành Nghị định 33/NĐ-CP ngày 17/3/2020 về sửa đổi, bổ sưng một số điều của Nghị định 62/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự; Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký ban hành Thông tư số 06/2019/TT-BTP ngày 21/11/2019 về chế độ báo cáo thống kê THADS, theo dõi THAHC.
Các đại biểu tham dự hội nghị |
Việc ban hành các quy chế, quy trình nội bộ tiếp tục được Tổng cục THADS và các cơ quan THADS chú trọng, hoàn thiện với việc ban hành Quy trình điều động, luân chuyển cán bộ, Quy chế tiêu chí đánh giá công chức, viên chức, người lao động trong Hệ thống tổ chức THADS, Quy trình thực hiện thẩm định giá, đấu giá tài sản để THADS, Quy chế làm việc của Tổng cục,....
Bên cạnh những kết quả đạt được, Hệ thống THADS phải đối mặt với nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao trong 06 tháng cuối năm 2020.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Sơn điều hành thảo luận |
Nổi bật nhất là do tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, diễn biến phức tạp, lây lan nhanh trên diện rộng, ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức thi hành án của các cơ quan THADS trong toàn Hệ thống, cụ thể như hiện nay, nhiều cơ quan không tổ chức tiếp công dân, tạm dừng thụ lý đơn của công dân, trong đó có TAND các cấp, dự báo trong 06 tháng cuối năm 2020, khi dịch bệnh chấm dứt, công tác giải quyết án của TAND hoạt động trở lại thì số vụ việc thi hành án sẽ tăng mạnh; nhiều vụ việc phải cưỡng chế nhưng phải tạm dừng; công tác xác minh điều kiện thi hành án, công tác họp liên ngành, phối hợp tổ chức thi hành án cũng tạm hoãn; nhiều vụ việc phải giao tài sản nhưng vẫn chưa thực hiện được do thiếu thành phần tham gia...; trong khi thời điểm kết thúc năm thi hành án là ngày 30/9, do vậy các cơ quan Thi hành án sẽ phải rất nỗ lực để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Giám đốc Trung tâm thống kê, Quản lý dữ liệu và Ứng dụng CNTT, Tổng cục THADS Hoàng Thế Anh phát biểu tại Hội nghị |
Cạnh đó, điều kiện thi hành án trong những vụ án tham nhũng, kinh tế lớn còn gặp nhiều khó khăn do giá trị phải thi hành án lớn nhưng đa phần tài sản đã bị che giấu, hợp lý hóa hoặc cố tình tẩu tán nên giá trị tài sản bảo đảm rất nhỏ hoặc thậm chí không có tài sản để thi hành án; đương sự đang phải chấp hành án phạt tù không có tài sản để thi hành án; nhiều vụ án tài sản phân tán ở nhiều địa phương khác nhau, tình trạng pháp lý không rõ ràng, khiến cho việc thi hành gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, cơ chế quản lý, kiểm soát thu nhập cá nhân còn chưa hoàn thiện, cá nhân phần lớn sử dụng tiền mặt khiến cho việc xác minh, nắm bắt thông tin về tài sản, thu nhập của người phải thi hành án gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đáng kể kết quả thi hành án.
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục THADS Nguyễn Ngọc Vũ báo cáo một số vấn đề về công tác tổ chức cán bộ |
Còn tâm ý “e ngại” của người dân khi mua tài sản kê biên, bán đấu giá do đó nhiều tài sản kê biên, bán đấu giá nhiều lần vẫn không bán được dẫn đến thời gian thi hành án kéo dài; Ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án còn chưa cao, phần lớn người phải thi hành án thường tìm cách trì hoãn, kéo dài việc thi hành án, thậm chí có những trường hợp chống đối quyết liệt.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và đề xuất các biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020.