Quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của cơ quan tố tụng
Theo quy định tại Điều 347 BLTTDS, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm ra quyết định sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật khi có đủ các điều kiện sau đây: Tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã đầy đủ, rõ ràng; có đủ căn cứ để làm rõ các tình tiết trong vụ án; Việc sửa bản án, quyết định bị kháng nghị không làm ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.Trường hợp bản án, quyết định của tòa án đã thi hành được một phần hoặc toàn bộ thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án.
Tuy nhiên trong thực tế, vấn đề giải quyết hậu quả của việc thi hành án vẫn chưa được các cơ quan tố tụng quan tâm đúng mức. Một số quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án chưa giải quyết triệt để hậu quả của việc thi hành án đối với bản án, quyết định đã thi hành một phần hoặc toàn bộ, dẫn đến việc thi hành án gặp nhiều khó khăn. Bộ luật Tố tụng dân sự còn thiếu các quy định về trách nhiệm và chế tài xử lý đối với những trường hợp thẩm phán ban hành bản án, quyết định nhưng chưa giải quyết nội dung này. Do đó cần phải có những quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của cơ quan tố tụng trong việc đưa ra phán quyết đối với những vụ việc mà bản án, quyết định của tòa án đã thi hành được một phần hoặc toàn bộ. Việc giám đốc thẩm kháng nghị sửa một phần hoặc toàn bộ bản án hoặc hủy án cần phải có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa với quá trình tổ chức THADS, đặc biệt là phải có sự quan tâm đến kết quả THADS trước đó và có hướng giải quyết cụ thể, tránh các khiếu kiện, khiếu nại kéo dài.
Bổ sung thời hạn phải trả lời kiến nghị của THADS
Theo Điều 343 BLTTDS đã quy định rõ thẩm quyền của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm; Luật THADS có quy định về thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tương ứng với quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 4 Điều 343 BLTTDS, đó là thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật (Điều 134); Thi hành quyết định giám đốc thẩm tuyên giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Toà án cấp dưới đã bị huỷ hoặc bị sửa (Điều 135) và thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật (Điều 136). Theo Điều 343 BLTTDS, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm ngoài thẩm quyền ban hành những Quyết định tương ứng được thi hành theo quy định tại Điều 134, 135 và Điều 136 Luật THADS, còn được bổ sung thêm thẩm quyền hủy một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm hoặc xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm (khoản 3 Điều 343 BLTTDS) và thẩm quyền sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật (khoản 5 Điều 343 BLTTDS).
Như vậy, so với quy định của BLTTDS về loại bản án, quyết định giám đốc thẩm được thi hành thì Luật THADS chưa quy định về việc thi hành quyết định giám đốc thẩm trong hai trường hợp trên. Mặc dù Mục 11 Công văn số 1103/TCTHADS-NV1 ngày 30/3/2017 của Tổng cục THADS đã hướng dẫn: Trước mắt, để đảm bảo Bản án, Quyết định của tòa án phải được nghiêm chỉnh thi hành, cơ quan THADS cần căn cứ nội dung Quyết định giám đốc thẩm để tổ chức việc thi hành án. Trong trường hợp này, do việc thi hành án đang bị tạm đình chỉ nên cơ quan THADS cần áp dụng tương tự Điều 49 Luật THADS để ra quyết định tiếp tục thi hành án. Đồng thời, áp dụng tương tự Điều 37 Luật THADS để ra quyết định sửa đổi, bổ sung quyết định thi hành án đã ban hành phù hợp với nội dung quyết định mới và kết quả giải quyết hậu quả của việc thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 347 BLTTDS. Tuy nhiên, vấn đề này cần tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện trong quy định của Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Theo khoản 2 Điều 170 Luật THADS, thời hạn Toà án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự trung ương trả lời kiến nghị của cơ quan THADS về việc xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm là 90 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị. Điều 487 BLTTDS quy định trường hợp cơ quan THADS kiến nghị về việc xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì Tòa án có thẩm quyền phải trả lời trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày nhận được kiến nghị; trường hợp vụ việc phức tạp thì thời hạn trả lời không quá 04 tháng, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị. Để phù hợp với quy định của BLTTDS, cần bổ sung vào Điều 170 Luật THADS về thời hạn phải trả lời kiến nghị của cơ quan THADS trong trường hợp vụ việc phức tạp giống như quy định tại Điều 487 BLTTDS.