Về mặt nguyên tắc, một bản án khi đã được Hội đồng xét xử nhân danh nước CHXHCN Việt nam tuyên án thì không được sửa chữa, bổ sung. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều bản án sau khi ban hành mới phát hiện những điểm sai sót về tính toán số liệu, lỗi chính tả hoặc có những điểm chưa rõ dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, gây khó khăn cho việc chấp hành, thi hành bản án. Chính vì thế mà Bộ luật TTHS, Bộ luật TTDS và Luật tố tụng hành chính đều có các quy định về việc sửa chữa, bổ sung bản án và giải thích bản án.
Việc sửa chữa, bổ sung bản án và giải thích bản án là 2 việc hoàn toàn khác nhau. Sửa chữa, bổ sung bản án là để khắc phục những sai sót về lỗi chính tả hoặc sai sót về tính toán số liệu. Còn việc giải thích bản án là để làm sáng tỏ những điểm chưa rõ trong bản án. Chính vì thế mà Bộ luật TTHS, Bộ luật TTDS và Luật TTHC đều quy định về việc sửa chữa, bổ sung bản án và việc giải thích bản án ở 2 điều luật khác nhau.
Thực tế hiện nay, việc sửa chữa, bổ sung bản án do đã được quy định khá cụ thể nên hầu như không gặp khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên về nội dung và phạm vi giải thích bản án do chưa được quy định cụ thể, rõ ràng nên đã gây ra nhiều vướng mắc, bất cập trong quá trình áp dụng. Đã có những trường hợp giải thích bản án vượt ra ngoài phạm vi bản án tuyên, làm thay đổi nội dung bản án, làm phát sinh thêm quyền và nghĩa vụ của người phải thi hành án, thậm chí làm phát sinh thêm người phải thi hành án nhưng chưa có cơ chế để giải quyết. Trường hợp sau đây là một ví dụ.
Năm 1997, ông Bùi Quang C trú tại xã Đ.L (nay là Phường Đ,L) thị xã H.L viết đơn xin mua 900 m2 đất ở. Đơn có bút phê đồng ý của nguyên Chủ tịch UBND xã Đ.L lúc đó. Ông C đã nộp 5 triệu đồng cho UBND xã. Năm 2013 ông C làm đơn xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ. UBND phường Đ.L cho rằng trường hợp của ông C do chưa có quyết định giao đất, chưa được giao đất trên thực địa, chưa hề sử dụng đất ngày nào, mặt khác ông C đã được cấp một mảnh đất khác nên phường không lập hồ sơ trình lên cấp trên để cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông. Ông C khởi kiện vụ án hành chính ra TAND thị xã H.L.
Tại bản án sơ thẩm số 01/2015/HCST ngày 13/5/2015, TAND thị xã H.L xét thấy theo quy định của pháp luật thì UBND phường Đ.L có trách nhiệm lập hồ sơ về trường hợp của ông C để trình lên cấp trên, còn việc ông C có được cấp giấy CNQSDĐ hay không thuộc thẩm quyền của UBND cấp trên, nên đã tuyên: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông C. Tuyên bố hành vi hành chính của UBND phường Đ.L lập hồ sơ không đầy đủ và không trình lên cấp trên để đề nghị cấp giấy CNQSDĐ cho ông C là trái pháp luật, buộc phải chấm dứt hành vi này. Do UBND phường Đ.L kháng cáo, tại bản án phúc thẩm số 05/2015/HCST ngày 24/8/2015, TAND tỉnh H đã tuyên: không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm,
Do trường hợp của ông C căn cứ vào các quy định thì không đủ điều kiện để được cấp giấy CNQSDĐ mà chỉ được trả lại số tiền đã nộp, nên mặc dù UBND phường đã nhiều lần trình hồ sơ lên nhưng UBND thị xã H.L vẫn không cấp giấy CNQSDĐ cho ông C.
TAND tỉnh H đã ban hành 2 công văn giải thích bản án (công văn số 78 CV-TA ngày 17/6/2019 và công văn số 21 CV-TA ngày 23/4/2020), trong đó khẳng định: trường hợp của ông C là đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, UBND thị xã H.L không thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật là không phù hợp.
Như vậy nội dung giải thích bản án của TAND tỉnh H đã vượt ra ngoài phạm vi bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm đã tuyên. Từ chỗ bản án tuyên UBND phường Đ.L phải lập hồ sơ trình lên cấp trên thành UBND thị xã H.L phải cấp giấy CNQSDĐ cho ông C. Phát sinh thêm người phải thi hành án là UBND thị xã H.L. Do có sự mâu thuẫn, không phù hợp giữa nội dung giải thích bản án và nội dung bản án tuyên nên đến nay vụ việc của ông C vẫn chưa được giải quyết xong.
Từ thực tiễn nói trên, chúng tôi cho rằng, Bộ luật TTHS, Bộ luật TTDS và Luật TTHC nên quy định cụ thể, rõ ràng hơn về việc sữa chữa, giải thích bản án.
Theo đó, việc giải thích bản án là để làm sáng tỏ những điểm chưa rõ trong bản án. Không được làm thay đổi nội dung bản án, không được làm phát sinh, thay đổi quyền và nghĩa vụ của người phải thi hành án, người được thi hành án và những người liên quan, không làm phát sinh thêm người phải thi hành án, người được thi hành án.
Chỉ quy định cho phép được sữa chữa bản án, không nên quy định cho phép việc bổ sung bản án. Về hình thức, việc sữa chữa bản án nên bằng một quyết định, việc giải thích bản án nên bằng một thông báo của Tòa án.
Cạnh đó, cần có cơ chế cho phép người phải thi hành án, người được thi hành án, Viện Kiểm sát và cơ quan Thi hành án được quyền yêu cầu xem xét lại việc sữa chữa, giải thích bản án. Trong trường hợp việc sữa chữa, giải thích của Tòa án không phù hợp thì Tòa án phải thu hồi văn bản đó và ban hành văn bản khác cho phù hợp./.