TP. Hồ Chí Minh, Long An, Sóc Trăng, Cà Mau... đều là những địa phương được nhận cờ thi đua của Bộ năm 2011. Đây là các địa phương có nhiều thành tích nổi bật ở nhiều mặt như xã hội hóa công tác tư pháp, phổ biến giáo dục pháp luật, hành chính tư pháp… Và, tư pháp phía Nam trước thềm năm mới cũng còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ, đó là “cái khó” về nguồn lực con người, những bỡ ngỡ trong bước đầu xã hội hóa một số mặt của công tác tư pháp… Ở cương vị lãnh đạo Tư pháp tỉnh, các Giám đốc Sở đã chia sẻ những mặt công tác nổi trội, cũng như tâm tư , mong mỏi...
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính tham dự Hội nghị trực tuyến tại đầu cầu TP.HCM |
* Ông Trần Minh Mẫn, giám đốc Sở Tư Pháp Long An:
“Chúng tôi còn lúng túng trong công tác bồi thường nhà nước do chưa được cụ thể hóa”
“Năm 2011, công tác hành chính tư pháp được coi là điểm nổi trội của tư pháp Long An. Việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ xin nhập quốc tịch, trở lại quốc tịch Việt Nam được hoàn thành nhanh chóng, rốt ráo. Lĩnh vực lý lịch tư pháp, công tác nuôi con nuôi và công tác hành chính tư pháp cơ sở đều đạt những kết qủa khả quan. Hiện tượng vi phạm pháp luật được coi là phổ biến trên địa bàn tỉnh, là tảo hôn, đã được Sở tìm ra cách tháo gỡ: Phối hợp với đài truyền hình tổ chức khảo sát tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh từ năm 2008 đến nay, lập thống kê và phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các hội thảo chuyên đề, từ đó đưa ra giải pháp thiết thực nhằm chấn chỉnh và đã chấn chỉnh tốt. Một vấn đề đang "nóng" trong công việc của Sở, đó là sự lúng túng trong công tác bồi thường nhà nước, chúng tôi mong mỏi sự thể chế hóa công tác này để những vướng mắc sớm được tháo gỡ”.
* Bà Nguyễn Thị Thu Vân, Giám đốc Sở Tư pháp Sóc Trăng:
“Làm tốt công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp”
“Năm 2011, công tác xây dựng và thi hành pháp luật, công tác phổ biến giáo dục pháp luật là hai điểm sáng của tư pháp Sóc Trăng. Công tác xây dựng và thi hành pháp luật, năm nay đã được triển khai rất đồng bộ và hiệu qủa: Triển khai các đề án theo Nghị định 55 của chính phủ, đề án pháp chế được thực hiện sớm... Công tác thẩm định, góp ý văn bản đạt 100%, công tác theo dõi thi hành pháp luật tuy còn mới nhưng tư pháp Sóc Trăng đã khắc phục và hoàn thành. Đặc biệt, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã được thực hiện mạnh mẽ: Sở đã phối hợp với các cơ quan thành lập ban chỉ đạo thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trình UBND tỉnh ban hành quyết định. Đồng thời, xây dựng chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đọan 2011-2014.
Trong năm 2012, tư pháp Sóc Trăng sẽ duy trì thành tích, tiếp tục triển khai chương trình trọng tâm 2012 theo định hướng của Bộ Tư pháp. Chúng tôi cũng mong muốn hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật sớm được hoàn thiện và ban hành kịp thời, hoàn chỉnh, đồng bộ để ngành dễ triển khai các hoạt động hơn”.
* Ông Nguyễn Thanh Reo, Giám đốc Sở Tư pháp Cà Mau:
“Chú trọng nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên”
“Thời gian qua, mọi nhiệm vụ, chương trình, chỉ đạo của Bộ đều được Sở trực tiếp tiếp thu, thực hiện sâu sát. Trong năm 2011, công tác văn bản, Sở đã trình HĐND Tỉnh thông qua 5 nghị quyết, hoàn thiện cơ bản việc điều chỉnh, sắp xếp các phòng chức năng nhiệm vụ, bổ sung biên chế, nguồn lực... Xác định một trong những đối tượng rất quan trọng của việc tuyên truyền phổ biến pháp luật là thanh thiếu niên, đồng thời nhằm giảm thiểu những tệ nạn, vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên đang có nguy cơ gia tăng, Đề án Thanh thiếu niên của Tư pháp Cà Mau đã được ra đời và hoàn thành. Trong năm Sở cũng đã tổ chức hai lớp tập huấn thanh thiếu niên nhằm trang bị kiến thức pháp luật nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong thanh thiếu niên.
Cái khó đang gặp phải của Tư pháp Cà Mau, đó là đào tạo con người. Về phía chính quyền cũng như tư pháp địa phương cũng đã có chương trình đào tạo cán bộ tư pháp như lực lượng làm công tác văn bản, pháp chế, báo cáo viên… Nhưng, đó chỉ dừng lại ở mức độ cơ bản, còn đào tạo chuyên môn và chuyên sâu… vẫn chưa thực hiện tốt được vì còn vấp phải nhiều yếu tố: Nguồn lực đào tạo, kinh phí. Chính vì vậy, vẫn còn tồn tại sự thiếu đồng bộ trong chuyên môn, trình độ trong lực lượng cán bộ, nhất là khi chuyên môn của cán bộ xã còn quá “mỏng”.
* Bà Ngô Minh Hồng, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM:
“Đề nghị Bộ sớm có báo cáo tổng kết thí điểm thừa phát lại”
TP.HCM là đơn vị đi đầu trong việc triển khai các chương trình mà Bộ đề ra: Thực hiện thông tư 174 của Bộ Tài chính về lý lịch tư pháp, thí điểm thừa phát lại. Thành phố cũng là nơi sớm xây dựng phần mềm lý lịch tư pháp và đi vào áp dụng thuận lợi, hiệu quả, nhiều địa phương khác đã áp dụng triển khai theo. Tuy nhiên, sắp tới Bộ sẽ có phần mền phiên bản, mong muốn của TP.HCM là sẽ được tiếp tục sử dụng phần mềm của mình vì đã sử dụng quen và khá tốt, ngoài ra khi thay đổi sẽ gặp nhiều khó khăn về vấn đề dữ liệu.
Về công tác thí điểm thừa phát lại, đến tháng 7/2012 sẽ hết thời hạn ba năm mà Bộ cho phép, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có một tổng kết đánh giá nào về công tác này, các địa phương có thí điểm thừa phát lại đang chờ đợi Bộ sớm có tổng kết, báo cáo để xem xét và thuyết phục quốc hội. Mong muốn chung của TP.HCM là được kéo dài thí điểm để có được kết luận xác đáng, có nên nhân rộng mô hình thừa phát lại hay không. Nếu như, đến 30/6/2012 mà vẫn chưa thể chốt lại thì sẽ tạo ra khoảng trống pháp lý cho công tác này”.
Ngọc Mai (ghi)