Từ ngày 1/12, tăng mạnh mức xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản

Từ ngày 1/12, tăng mạnh mức xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản
(PLVN) - Nghị định số 119/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2020, theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm là 200 triệu đồng đối với tổ chức và 100 triệu đồng đối với cá nhân.

Tăng mức phạt đối với hành vi mạo danh nhà báo, phóng viên

Theo khoản 2 Điều 6 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP, các hành vi: Mạo danh nhà báo, phóng viên để hoạt động báo chí; lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp, cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức, cá nhân có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Mức phạt này tăng gấp đôi so với mức hiện hành tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP (từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng).

Hành vi sử dụng thẻ nhà báo đã bị sửa chữa, tẩy xóa để hoạt động báo chí cũng có cùng mức phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Mức phạt cũng tăng mạnh đối với hành vi lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên để trục lợi, với mức từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng (mức hiện nay là từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng).

Những hành vi vi phạm khác, như: Sử dụng thẻ nhà báo đã hết hạn sử dụng để hoạt động báo chí; phóng viên nước ngoài, trợ lý báo chí của phóng viên nước ngoài hoạt động báo chí tại Việt Nam mà không có thẻ phóng viên nước ngoài hợp lệ do Bộ Ngoại giao Việt Nam cấp; nhà báo hoạt động báo chí không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí của cơ quan báo chí đang công tác;… có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng.

Cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí: có thể bị phạt lên đến 60 triệu đồng

Đối với người có hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí, Điều 7 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định mức phạt khác nhau cho từng loại hành vi. 

Cụ thể, hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Hành vi thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên bị áp dụng mức phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Áp dụng mức phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp; hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.

Đặc biệt, có lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, sẽ bị áp dụng mức phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng.

Đăng, phát tin, bài, ảnh kích động bạo lực bị phạt đến 100 triệu đồng

Tại Điều 8 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định: Hành vi đăng, phát tin, bài, ảnh kích động bạo lực hoặc thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng sẽ bị phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Mức phạt đối với hành vi này tăng mạnh so với mức phạt hiện hành (từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng - theo điểm b khoản 5 Điều 8 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP).

Ngoài ra, những cơ quan, tổ chức có hành vi nêu trên còn bị tịch thu tang vật, bị tước quyền sử dụng giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động từ 01 - 12 tháng. Đồng thời, áp dụng thêm biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cơ quan báo chí cải chính, xin lỗi, buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật, thông tin vi phạm quy định đã đăng, phát trên báo điện tử, tạp chí điện tử, báo nói, báo hình.

Cũng tại Điều 8 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng áp dụng đối với hành vi minh họa, đặt tiêu đề tin, bài không phù hợp nội dung thông tin làm cho người đọc hiểu sai nội dung thông tin; đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó;…

Mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó; thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia khi đăng, phát hình ảnh bản đồ Việt Nam;…

Mức phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng áp dụng đối với hành vi miêu tả tỉ mỉ hành vi tội ác, tai nạn rùng rợn trong các tin, bài, ảnh; quy kết tội danh khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; đăng, phát thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang xã hội;…

Hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng; miêu tả tỉ mỉ hành động dâm ô, đồi trụy;… bị áp dụng mức phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng.

Mức phạt tiền từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi đăng, phát thông tin xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; đăng, phát thông tin xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo;…

Theo Nghị định, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, như: Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn từ 01 đến 12 tháng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 đến 12 tháng.

Ngoài các hình thức xử phạt nêu trên, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 119/2020/NĐ-CP, như: Buộc cải chính, xin lỗi; buộc thu hồi sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí, chương trình phát thanh, truyền hình, xuất bản phẩm vi phạm các quy định của pháp luật; buộc tiêu hủy sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí, chương trình phát thanh, chương trình truyền hình, xuất bản phẩm vi phạm quy định của pháp luật;…

 

Đọc thêm

Xem xét ngưỡng nợ thuế tối thiểu để hoãn xuất cảnh

CQT công khai Quyết định cưỡng chế, Thông báo tạm hoãn xuất cảnh qua nhiều kênh để NNT biết, tra cứu.
(PLVN) -  Tổng cục Thuế sẽ căn cứ tình hình thực tế, tham khảo kinh nghiệm quốc tế quy định về ngưỡng để tiếp thu, báo cáo cấp có thẩm quyền cân nhắc quy định ngưỡng nợ phù hợp bảo đảm hiệu quả công tác thu hồi nợ đọng thuế.

Những quy định pháp luật phụ nữ cần biết để bảo vệ mình

Những quy định pháp luật phụ nữ cần biết để bảo vệ mình
(PLVN) - Trong xã hội hiện đại, pháp luật là công cụ quan trọng để bảo vệ quyền lợi cho mọi công dân, đặc biệt là phụ nữ. Dù các quyền cơ bản đã được công nhận, phụ nữ vẫn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện quyền này. Hiểu biết về pháp luật giúp phụ nữ tự bảo vệ và đấu tranh vì quyền lợi của mình.

Nhiều điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Luật Nhà giáo

Ảnh minh họa
(PLVN) - Tăng lương, tăng phụ cấp, giảm tuổi nghỉ hưu, chính sách bảo vệ, thu hút nhà giáo... là một số điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Luật Nhà giáo sẽ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá 15.

Phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư cao nhất là 5.200 đồng/xe.km

Phí sử dụng đường bộ cao tốc từ 900 đồng/xe.km đến 5.200 đồng/xe.km. (Ảnh: Hồng Thương)
(PLVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 130/2024/NĐ-CP quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác.Theo đó, có 5 nhóm đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, với mức thu thấp nhất 900 đồng/xe.km và cao nhất là 5.200 đồng/xe.km.