Có một lần tâm sự với ông Giản Tư Trung, Hiệu trường Trường Doanh Nhân PACE, tôi rất tâm đắc khi nghe ông nói về một “căn bệnh” mà rất nhiều công ty Việt cùng mắc phải được các học viên của ông gọi đùa là “hội chứng Gi-la-na”: Gặp cái Gì là Làm cái Nấy. Hội chứng này chính là một trong những căn bệnh thập kỷ của doanh nghiệp Việt Nam mà hậu quả nhãn tiền là hàng chục ngàn doanh nghiệp đã phá sản, hàng ngàn doanh nghiệp đang hoạt động cũng đối mặt với nguy cơ này …
Hội chứng Gi-la-na: Gì làm nấy…
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã từng lao vào mọi lĩnh vực mà họ có thể nắm bắt cơ hội để tạo ra sự thành công nhất định nhưng có nhiều người tự hỏi: Cuối cùng doanh nghiệp đó đang kinh doanh trong lĩnh vực nào? Và chuyện gì đến cũng phải đến. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra, nhiều doanh nhân đã cố gắng xoay sở nhiều hơn trong khi nguồn thu duy nhất lúc này là lĩnh vực cốt lõi đã bị bỏ bê quá lâu nên thị phần bị mất đi nhiều, công nghệ đang bị lạc hậu và người tiêu dùng đang dần quên mất họ trong lĩnh vực kinh doanh đó.
"Căn bệnh" cố hữu của nhiều doanh nghiệp Việt chính là việc lệ thuộc vốn ngân hàng, lạm dụng đòn bẩy tài chính và chạy theo lợi nhuận bằng cách đầu tư trái ngành tràn lan |
Từ thực tiễn làm công tác lãnh đạo và giảng dạy tại Trường Doanh nhân PACE, ông Giản Tư Trung nhận ra rằng hơn một thập kỷ hội nhập kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam ai cũng nghĩ mình hiểu thấu đáo về những lựa chọn đơn ngành hay đa ngành trong lĩnh vực kinh doanh. Ai cũng tin rằng mình đang hết sức tỉnh táo trong việc chỉ chớp lấy cơ hội trong ngắn hạn để sau đó quay lại định hướng lâu dài của mình. Vậy mà, những doanh nghiệp đang bị “hội chứng Gi-la-na” là rất đông và có xu hướng ngày càng đông hơn.
Doanh nghiệp nào cũng thích chứng khoán, bất động sản… Điều này không có gì xấu, bởi nó mang lại lợi nhuận lớn và nhanh, nhưng liệu có thực sự phù hợp với chiến lược dài lâu của công ty. Doanh nghiệp nào cũng tiếc những cơ hội quá đẹp đang xuất hiện trước mắt mình. Nhiều “tập đoàn” được hình thành với hàng loạt công ty con đẻ ra mà chưa kịp nuôi lớn.
“Nhiều doanh nghiệp cho rằng, trong ngắn hạn khi chớp được cơ hội gì thì ta sẽ ráng chớp lấy, hay khi khó khăn thì trước mắt cứ làm bừa… sau đó sẽ quay về với năng lực lõi, sau đó thành công rồi sẽ làm tử tế…. Nhưng lúc đó quay về năng lực lõi và giá trị gốc liệu có còn kịp, lúc đó làm đàng hoàng liệu có còn ai tin?”, ông Giản Tư Trung nói.
Nhìn xa hơn một chút, sang những đại công ty của thế giới. Hãng xe hơi Ford hay hãng giải khát Coca-cola chẳng hạn. Hàng trăm năm, họ chỉ kiên định đi theo con đường duy nhất mà mình đã chọn. Bởi những trải nghiệm thực tế của sự phát triển giúp họ hiểu rằng, chỉ có thể tạo nên sự phát triển lớn mạnh và trường tồn khi xắn tay áo thực hiện điều mà mình giỏi nhất, yêu thích nhất.
Trở lại Việt Nam, ngành kinh doanh dịch vụ taxi hiện nay có đông đảo các doanh nghiệp tham gia, tuy nhiên, hai công ty dẫn đầu ngành là CTCP Tập đoàn Mai Linh và CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun). Mặc dù là 2 ông lớn đầu ngành nhưng kết quả kinh doanh của Mai Linh và Vinasun rất khác nhau. Mai Linh lỗ nhiều năm liên tiếp còn Vinasun thì tăng trưởng mạnh qua các năm, tích lũy được vốn chủ sở hữu lớn. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế , Mai Linh lỗ vì phát triển theo hướng đa ngành và phải trả giá vì chi phí tài chính quá lớn (trả lãi suất vay ngân hàng), còn Vinasun phát triển do tập trung vào lĩnh vực mà mình có thế mạnh nhất, taxi.
Có một câu đùa nổi tiếng của tỷ phú Warren Buffett rằng “khi thủy triều rút đi người ta sẽ thấy ai bơi không áo tắm”. Ở Việt Nam, gần như nhiều doanh nghiệp đã và đang ở vào hoàn cảnh đó.
Căn bệnh cố hữu của doanh nghiệp Việt Nam
Tín dụng nới lỏng trong suốt một thập kỷ tăng trưởng nóng, cùng với chính sách cho vay dễ dãi, đã tạo ra môi trường lý tưởng làm lây lan căn bệnh phụ thuộc vốn ngân hàng. Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam, từ công ty nhỏ đến tập đoàn lớn, đều xem ngân hàng là nguồn tài trợ chủ yếu, khiến cho cơ cấu tài chính của doanh nghiệp trở nên mỏng manh, đề kháng yếu trước khó khăn của nền kinh tế. Nguồn vốn vay dễ dãi này cũng tiếp tay cho hoạt động đầu tư trái ngành tràn lan, đặc biệt là vào bất động sản, đẩy nhiều công ty tiềm năng đến chỗ thua lỗ, nợ nần.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chính sách công - Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam đang nặng nợ. Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính quý 2 của 647 công ty tài chính niêm yết trên hai sàn chứng khoán, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp bằng 1,53 - một con số cao hơn nhiều so với nhiều nền kinh tế khác trên thế giới (Mỹ năm 2011 chỉ 1,20, Trung Quốc là 1,06). Trong đó, tỷ lệ nợ của các doanh nghiệp quốc doanh Việt Nam bình quân lên tới 1,7 lần.
Tại Hội nghị Đầu tư 2012 với chủ đề “Căn bệnh thập kỷ của DN Việt Nam” tổ chức tại TP HCM mới đây, "căn bệnh" cố hữu của nhiều doanh nghiệp Việt được các diễn giả mổ xẻ chính là việc lệ thuộc vốn ngân hàng, lạm dụng đòn bẩy tài chính và chạy theo lợi nhuận bằng cách đầu tư trái ngành tràn lan. Như vậy có thể nói rằng, một trong những căn bệnh thập kỷ của doanh nghiệp Việt Nam chính là mắc phải hội chứng “Gi-la-na” mà hậu quả nhãn tiền là hàng chục ngàn doanh nghiệp đã phá sản, hàng ngàn doanh nghiệp đang hoạt động cũng đối mặt với nguy cơ này.
Ông Nguyễn Nam Sơn, Giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư Vietnam Capital Partners (VCP) cho rằng, tất cả đều do đầu tư đa ngành mà ra, nhất là cơn say đổ tiền vào bất động sản.
Hiện tượng đầu tư đa ngành diễn ra ở đa số các doanh nghiệp. Rất nhiều công ty lớn cũng đầu tư vào nhiều lĩnh vực không phải cốt lõi của mình như ngân hàng, chứng khoán và bất động sản. Tuy nhiên theo các chuyên gia nếu “căn bệnh” này xảy ra ở ngân hàng thương mại cổ phần thì hậu quả sẽ khôn lường.
Theo Luật Các tổ chức tín dụng thì ngân hàng có thể có các khoản đầu tư dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần nhằm nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp bao gồm khoản đầu tư chiếm trên 50% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết của một doanh nghiệp. Nếu một ngân hàng thương mại cổ phần A nào đó huy động tiền gửi của dân, nhưng thay vì ngân hàng dùng số tiền đó để làm đòn bẩy tài chính bằng cách cho doanh nghiệp vay lại để hưởng chênh lệch lãi suất thì đã lấy hàng ngàn tỷ đồng để đầu tư vào một Công ty cổ phần B nào đó. Đã đầu tư thì lời ăn lỗ chịu, vì vậy khoản đầu tư này có thể bị những người lãnh đạo Ngân hàng A mốc nối với lãnh đạo Công ty cổ phần B theo hình thức cho vay nhưng không tính lãi với cái từ mỹ miều “khoản đầu tư vốn của ngân hàng”.
Ông Nguyễn Xuân Lam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư 3H cho biết thực tế đầu tư chéo này đang diễn ra và ngân hàng có nguy cơ mất vốn đầu tư, trong trường hợp này người dân gửi tiền có thể không mất tiền gửi nhưng cổ đông có thể mất hết tài sản. Đó là chưa kể thực trạng ngân hàng huy động huy động tiền gửi của dân nhưng dùng tiền đó rót xuống các công ty con để đi thâu tóm ngân hàng, doanh nghiệp khác khiến nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay, gián tiếp gây ra cái chết tức tưởi của hàng vạn doanh nghiệp Việt.
Tín dụng ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm nên nhà nước luôn có những động thái để cứu khi có sự cố xảy ra. Nhưng nhân đã gieo thì ắt phải gặt quả, đó là điều tất yếu khách quan.
Có một câu đùa nổi tiếng của tỷ phú Warren Buffett rằng “khi thủy triều rút đi người ta sẽ thấy ai bơi không áo tắm”. Ở Việt Nam, gần như nhiều doanh nghiệp đã và đang ở vào hoàn cảnh đó.
Đăng Bình