Điểm d khoản 2 Điều 56 của Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định, Hội đồng thành viên của Công ty TNHH hai thành viên trở lên có quyền và nghĩa vụ: “Quyết định giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và chuyển giao công nghệ; thông qua hợp đồng vay, cho vay, bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính tại thời điểm công bố gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty”.
Khoản 1 Điều 143 của Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 về hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện quy định: “Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ một trong các trường hợp sau đây:
a) Người được đại diện đồng ý;
b) Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý;
c) Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình vượt quá phạm vi đại diện.”
Cũng Điều 143 BLDS 2015 nêu rõ, trường hợp giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện thì người đại diện phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình về phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch.
Về tình huống này, TAND tối cao cũng có hướng dẫn tại Thông báo số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019. Theo đó, căn cứ các quy định nêu trên, về nguyên tắc hợp đồng tín dụng có giá trị lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính tại thời điểm công bố gần nhất của công ty giữa tổ chức tín dụng với Công ty TNHH hai thành viên trở lên phải được HĐTV Công ty thông qua. Người đại diện theo pháp luật của Công ty giao kết hợp đồng tín dụng có giá trị lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính tại thời điểm công bố gần nhất của công ty mà không được HĐTV thông qua thì được xác định là giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện.
Vì thế, trường hợp hợp đồng tín dụng do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 143 của BLDS 2015 thì làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của Công ty (người được đại diện); khi đó bên vay được xác định là Công ty. Trường hợp hồ sơ vay không có biên bản họp thành viên của HĐTV về nội dung thông qua hợp đồng vay, nhưng có tài liệu, chứng cứ thể hiện khoản tiền vay được chuyển vào tài khoản của Công ty, được Công ty sử dụng, được hạch toán trên sổ sách, giấy tờ của Công ty thì được coi là Công ty đồng ý với hợp đồng tín dụng do người đại diện của Công ty xác lập, thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 143 của BLDS 2015.
Trường hợp hợp đồng tín dụng do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 143 của BLDS 2015 và có tài liệu, chứng cứ cho thấy người đại diện theo pháp luật sử dụng số tiền vay được cho mục đích cá nhân thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của Công ty. Căn cứ khoản 2 Điều 143 của Bộ luật này, bên vay được xác định là cá nhân người đại diện đã ký hợp đồng tín dụng.
“Việc xác định tư cách tham gia tố tụng của đương sự căn cứ vào Điều 68 của BLTTDS năm 2015. Tổ chức tín dụng khởi kiện Công ty thì Công ty là bị đơn. Tổ chức tín dụng khởi kiện cá nhân người đại diện ký hợp đồng tín dụng thì cá nhân đó là bị đơn, Công ty tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” – TAND tối cao khẳng định.