Thông tư 89 là căn cứ để Hiệp hội Lương thực Việt Nam xác định và công bố giá sàn gạo xuất khẩu trong từng thời kỳ; để thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo có cơ sở ký kết hợp đồng và đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo. Theo đó, căn cứ vào chi phí kinh doanh xuất khẩu gạo, giá thị trường thế giới và điều kiện xuất khẩu gạo theo giá FOB hoặc CNF/CIF, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo lựa chọn áp dụng 1 trong 2 phương pháp xác định giá sàn gạo xuất khẩu là: phương pháp chi phí và phương pháp khấu trừ.
Đồng thời, thông tư này quy định, trong trường hợp giá thị trường thế giới hạ thấp, thương nhân phải tính toán chi tiết giảm chi phí kinh doanh của mình, không được ép giá mua thóc, gạo của người sản xuất xuống thấp không phù hợp với giá thóc định hướng theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền và mặt bằng giá thị trường; và phải chấp nhận các biện pháp bình ổn giá thóc, gạo ở thị trường trong nước.
gao.jpg |
Tại cuộc họp giao ban trực tuyến do Bộ Công Thương tổ chức vừa qua, đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam vừa cho biết, các tỉnh phía Bắc đang thu hoạch rộ vụ Đông Xuân, các tỉnh phía Nam đã bắt đầu thu hoạch vụ Hè Thu sớm, nguồn cung lúa gạo mới đang tăng do vụ thu hoạch đạt năng suất tốt. Nguồn cung trên thị trường đang được bổ sung, nhưng do nhu cầu thu mua gạo phục vụ xuất khẩu cũng tăng, đã giữ giá lúa gạo không giảm mạnh, các tỉnh phía Bắc ổn định ở mức 6.500 – 7.200 đồng/kg (lúa tẻ thường) và 10.500 – 12.000 đồng/kg (gạo tẻ thường); các tỉnh phía Nam giá lúa gạo giảm nhẹ, phổ biến ở mức 5.700- 5.850 đồng/kg (lúa tẻ thường) - giảm 100-200 đồng/kg so với cuối tháng 5. Theo nhiều nông dân, với giá lúa như hiện nay họ thu lãi khoảng 3.000 đồng/kg. Đặc biệt, Hiệp hội Lương thực cũng cho biết đã có kế hoạch mua tạm trữ lúa Hè Thu 2011 tại các tỉnh ĐBSCL với lượng mua dự kiến là 1 triệu tấn trong thời gian từ 15/7/2011 đến 30/8/2011 để giữ giá lúa gạo khi các tỉnh phía Nam thu hoạch rộ vụ Hè Thu.
Bộ Công Thương đã ký kết được Bản ghi nhớ về Thương mại gạo với Bănglađet, xuất khẩu 1 triệu tấn gạo/năm trong giai đoạn 2011-2013. Thêm nữa, thị trường thế giới đang xuất hiện nhiều nhân tố mới (như châu Phi tăng lượng nhập khẩu lên tới 55%) có tác dụng tích cực trong việc giữ ổn định giá gạo xuất khẩu của Việt
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu 6 tháng cuối năm sẽ đạt 3,1-3,2 triệu tấn; tính cả lượng lúa gạo tồn kho và lượng lúa gạo tiếp tục thu hoạch vụ Hè Thu và Thu Đông, sẽ bảo đảm mục tiêu xuất khẩu 7 triệu tấn trong cả năm. Đây cũng là con số kỷ lục mới, năm 2010 chúng ta xuất 6,7 triệu tấn. Đồng thời, chúng ta vẫn có thể giữ mức tồn kho sang năm từ 800 nghìn – 1triệu tấn.
Mai Hoa