Thụy ngồi bên bếp mà chốc chốc lại quay ra ngoài trời. Anh Hơn chủ khu homestay đưa thêm củi vào lửa. Lửa bập bùng làm bớt sự lạnh lẽo. Giọng anh hơi khê nhưng dễ gần. Thằng con nhỏ chốc chốc lại chạy vào bá cổ bố. Anh Hơn giục: “Hầy a, vào ngủ với chị Đán, nhanh lên”. Thụy hỏi: “Mẹ cháu đâu?”. “Đi rồi”. Anh Hơn nói lấp lửng, tay cời cời que củi cho cháy to hơn. Một đôi nam nữ thuê phòng cũng muốn ngồi cời bếp, nghe anh Hơn tán chuyện. Sáu phòng của anh Hơn đều có người thuê, đa số khách đến núi Duyên đều phải thuê trọ quanh bốn năm hộ có phòng cho thuê ở bản này. Mấy năm nay khách dưới xuôi nghe nói núi Duyên, hình mặt người có vị thần ban phước cho người đến cầu duyên, có dòng suối Ải nhỏ quanh năm róc rách và phát ra âm thanh như tiếng đàn. Thầy mo Được có khả năng kết nối, giúp nhiều người muộn tình duyên gặp được ý chung nhân. Nếu đã lấy nhau, hay lục đục thì qua thầy mo Được sẽ nhận được gáo nước chắt ra từ núi, mang về uống hai vợ chồng uống sẽ thuận hòa. Thụy tìm đến đây với mong muốn có phương cách giúp mình và vợ đỡ mâu thuẫn, không tìm được tiếng nói chung, chán nhau. Ngay cả chuyện chăn gối cũng sao mà nhạt nhẽo, vô cảm. Gương mặt Hơn bỗng chùng xuống khi nhắc đến vợ, như thể chính chị nhà gây ra nỗi buồn ấy của anh.
Cũng phải đến tối thứ ba Thụy đến xứ núi này, sau khi thăm thú đó đây, cầu khấn và trải nghiệm đời sống dân cư quan vùng, ăn bữa cơm thứ sáu trong khu homestay của Hơn, hai người mới thật sự cởi mở. Hơn biết Thụy đến đây mang theo một nỗi tâm tư cô liêu, khó giãi bày. Thụy chỉ có mỗi mình trong khi người ta có đôi có cặp, tươi hớn, vui vẻ. Hơn không dám hỏi Thụy, nhưng anh có nhu cầu tâm sự chuyện mình, đơn giản vì cảm thấy ở Thụy có cái gì đó dễ cảm thông.
* * *
Khi trai tráng xứ này bỏ đi đào vàng trên núi cả năm mới về một lần hoặc làm thuê ở tận thành phố, ngủ giường sắt, ở nhà tầng thì Hơn vẫn bám trụ, ngủ nhà sàn, đun bếp củi. Anh tự nhủ, đất đai, những mùa hoa, mùa mận, đêm sương đã trộn vào máu mình, hít thở cùng mình, làm sao xa được. Chỉ có thể làm giàu ở đây, bắt đất đai đẻ ra ti vi, xe máy, tiền bạc. Vợ Hơn ngày xưa đẹp nhất vùng Mường Chủng, gương mặt tươi như hoa mai mùa xuân, mũi cao, mắt sáng, giỏi dệt vải. Kha yêu Hơn ở vẻ thật thà, chất phác mà thân hình vạm vỡ, đến ước mơ cũng vạm vỡ. Kha và Hơn có nhau trong các ngày hội, buổi chợ hay đêm trăng sáng rót lên tán cây si. Chỉ nghe bước chân hai người đã nhận ra nhau. Người bản và họ hàng vun vén. Sau lễ khảo tiếng, bỏ trầu là đến lễ cưới. Tất cả đều hợp ý người trên, vừa lòng người dưới, đôi trẻ vui tươi và chẳng mấy chốc có con trai.
Xưa bản còn nghèo nhưng giữ được nhiều vẻ bình yên. Tháng mười mùa sương, tháng mười hai mùa gió. Ra giêng, hoa mận hoa mơ nở bung, làm rộn rã núi rừng, rộn rã cả những đôi tay dệt vải, những bước chân người tra hạt. Rộn rã cả nụ cười của khách xuôi lên đây.
Chính sự năng động của anh cán bộ xã từ hai mươi năm trước đã giúp nhiều người dưới xuôi biết về vùng đất này. Từ đó cái thiêng của núi Duyên được biết đến, vẻ đẹp của đồng Ướt, núi Sọ chạy sát đến sông Đà mới trở thành điểm đến khá nhộn nhịp của dân phượt. Hơn hay lam hay làm, tra ngô trồng lúa, nuôi lợn nuôi dê, cuộc sống có phần tươm tất. Nhận thấy bản mình có nhiều yếu tố tốt để làm du lịch, anh cùng cán bộ xã đi tham quan, học kinh nghiệm rồi về rủ những người có nếp nhà sàn đẹp, giữ được bộ cồng chiêng, sanh đồng cùng đi học. Cái đầu sáng ra, cái tay thông minh hơn, biết trồng thêm hoa, làm sạch lối đi, dựng thêm nhà sàn đón khách. Khi có của ăn của để, Hơn mở rộng, làm phòng có tiện nghi, giữ được chân khách ở lâu hơn. Khách càng đông càng khiến vẻ đẹp nơi này trở nên mê dụ, đáng đến. Tiền vợ chồng Hơn kiếm được nhiều lên cùng những dấu chân khách in trên cầu thang gỗ.
Rồi một ngày cuộc sống của hai vợ chồng thay đổi, khi vị khách nghe nói là chủ bưởng vàng lớn khét tiếng đặt chân đến nơi này. Vẻ đẹp hút hồn của “gái một con” - bà chủ homestay với đôi mắt hút hồn đã khiến ông ta chú ý. Sau này Hơn mới biết, ông ta dụ dỗ vợ mình bằng vòng cổ, nhẫn, vàng gói trong khoăn voan. Chính những món nữ trang khác hẳn những món đồ mà người phụ nữ nơi đây thường dùng, cùng những lời có cánh của ông khách khiến Kha dứt bỏ chồng con. Hơn cũng đã gửi con, đi hết các bãi vàng ở xứ này tìm vợ nhưng không thấy. Hơn đã tìm đến thầy mo Được, nhờ vả, cầu cho vợ mình sáng mắt mà thấy đường về. Một tháng, hai tháng… nhiều tháng vẫn bặt tin.
* * *
Giọng Hơn ầng ậng nước, chùng xuống như thể sương núi tràn sát vào khu bếp, tưới cái lạnh lên cả lưỡi của lửa. Thụy thấy cậu con của Hơn đã đi ngủ cùng cô gái làm thuê. Mấy khách cũng đã bớt ồn ào, giờ rúc rích trong các phòng riêng. Hơn lấy chai rượu, thứ rượu núi anh vẫn dùng để đãi khách đặc biệt dưới xuôi lên: “Anh uống cùng tôi chén rượu. Rượu thiêu đó”. Thụy gật. Mấy ngày qua Thụy vẫn dùng một ít rượu, nhưng đó vẫn là thứ rượu bình dân. Hương thơm của rượu làm bếp lửa như phấn khích hơn, nhảy múa, tí tách.
Chuyện tình của vợ chồng Thụy lúc đầu cũng lung linh như của Hơn. Nhưng lúc này, Thụy không biết ai buồn hơn ai. Hơn đang nếm trải cái mất mát, đau đớn của người bị phản bội, bị cho ra rìa, một mình nuôi con. Anh lấy việc phục vụ khách xuôi lên làm niềm vui. Còn Thụy vẫn còn vợ, sống chung nhà mà mọi thứ cứ nứt vỡ, lộn xộn từng ngày. Đâu rồi những tiếng cười ríu rít, cử chỉ ân cần hay lời thủ thỉ đầm ấm. Đâu rồi những buổi tối vui vẻ uống cốc cà phê hay đổi gió đi ăn cá sông, rồi lên phố ăn kem. Cuộc sống khó khăn, ai cũng phải bò ra mưu sinh. Nhiều cặp vợ chồng ở các đô thị cũng ngột ngạt trong cảnh cơm không lành, canh không ngọt. Một số người có thể vá lành những vết nứt, song cũng chẳng ít cặp đổ vỡ, chia ly, khổ ải nhất là bọn trẻ con. Kiểu sống và mưu sinh như vợ chồng Thụy khắc nghiệt và có mất mát, toàn cái mất nhỏ, âm thầm nhưng dồn ứ lâu ngày thành lớn. Lớn đến mức Thụy thấy hẫng hụt bởi hai người đang chung nhà mà tâm hồn cách nhau nghìn dặm, người này nói người kia không còn muốn nghe. Vợ Thụy làm ngành ngân hàng, đầu óc lúc nào cũng hiện lên các con số, các hợp đồng, dự án, chỉ tiêu... Điều gì đã khiến nàng trở nên thực dụng đến thế? Hôm đó Thụy và vợ lại cãi nhau, anh bỏ đi uống rượu với bạn đến khi mưa đêm bịt bùng mới về nhà. Những chuyện vặt vãnh ở cơ quan ngày nào cũng rắc vào đầu nàng nỗi cau có, để về là đâm thọc, nói kháy chồng. Thụy động nói nặng một chút là nàng giở điệp khúc: “Không thích thì chia tay đi”. Lúc điên lên, Thụy chua thêm: “Ừ thì chia tay, mỗi người một nơi cho cô hả dạ”.
* * *
Trưởng bản Băn quý Hơn như con. Ngày xưa ông cũng có ý gả con gái cho Hơn, nhưng con gái ông không “tốt số” như Kha. Tiếng hát cũng không vang núi rừng như Kha. Bắp chân không trắng, lưng không eo, mặt không rực rỡ như Kha. Ông đành nhìn “cậu con” mà mình ướm trước rước cô gái khác về. Con gái ông đành gả cho người khác. Nhưng sự quý mến của ông Băn dành cho Hơn không đổi. Khi vợ Hơn bỏ đi, ông cũng đau như nỗi đau của bố đẻ Hơn vậy. Ông cũng là người nhìn thấy ánh mắt rực lửa nhưng đã trở nên lọc lõi của Kha khi nhìn gã chủ bưởng vàng. Ông cũng là người đầu tiên nhìn thấy Kha bước lên ô tô của kẻ đó. Ngôi nhà của Hơn không còn vui như trước. Hơn phục vụ khách mà như ma bắt mất hồn.
Thụy có gặp ông Băn một lần hôm xem cách ông nuôi ong rừng. Ông là người hay chuyện. Theo cách nói của ông, Thụy đoán ở bản từng có người phụ nữ bỏ bản, chạy theo tiếng gọi của giàu sang. Anh lại nghĩ, chẳng phải mình và vợ, và nhiều người khác vẫn chạy theo đồng tiền, mưu sinh và đánh mất rất nhiều đó sao.
Đêm muộn, Thụy nhận được tin nhắn của vợ: “Anh ở đâu về gấp, Sâu ốm”. Nghe tin con ốm, anh thất thần, cảm giác toàn thân nhũn như bún. Thụy gọi cho Hơn. May quá anh vẫn thức. Thụy nhờ hỏi xe sáng mai về nhà gấp. Hơn bảo: “Anh yên tâm, tôi sẽ chở anh ra chỗ có nhiều xe đi qua, về xuôi”. Suốt đêm ấy, tiếng suối chảy, tiếng gió như những bản nhạc xa xa vọng lại làm Thụy thao thức.
Hơn dậy sớm nấu bữa sáng cho khách. Thụy ăn mà thấy miếng nào cũng đắng vì lo cho con. Con gái mà có mệnh hệ gì làm sao sống nổi.
Chiếc xe máy của Hơn đưa Thụy vạch màn sương sớm để ra quốc lộ. Những đóa hoa rừng dậy sớm đã khoe sắc. Thật may, chỉ ít phút sau Thụy đã đón được xe. Hơn gửi một tấm ảnh của vợ mình vào tin nhắn điện thoại cho Thụy, kèm theo lời nhờ vả: “Về thành phố, nếu thấy thì bảo vợ tôi rằng, tôi mong cô ấy về”.
* * *
Bệnh viêm phổi của cô con gái bé bỏng không còn đáng ngại nữa. Nửa năm qua cháu khỏe, không ngờ… Đêm đầu tiên trông con trong viện là nàng. Chỉ mấy ngày không gặp mà vợ Thụy gầy rộc, đôn đáo lo cho con. Lúc hai vợ chồng ngồi bên cạnh con, Thụy khẽ nắm lấy tay nàng, không thấy nàng giật ra. Dường như đôi tay cũng đang rất mỏi. Đêm thứ hai, thứ ba Thụy ở lại bệnh viện chăm con. Ngày thứ tư thì được xuất viện. Anh ào ra chợ, mua đồ về nấu cơm. Cơm dọn ra, Thụy thấy ánh mắt vợ dịu xuống, trìu mến. Anh nghĩ, có lẽ nào thần núi nghe lời cầu xin của mình, hay chính sự chia sẻ đã khiến nàng nghĩ lại, lay thức những xúc cảm bị nguôi quên. Tối đó Thụy định gần vợ, nhưng bị dằn dỗi đẩy ra. Anh quay mặt cười, tự nghĩ, thế là xong rồi, chỉ cẩn dấn thêm, quan tâm hơn thì nàng vẫn là của anh. Phụ nữ mà, đôi khi muốn lắm nhưng còn tỏ ra cứng rắn, tỏ vẻ đang trừng phạt cho bõ tức. Thụy nghĩ, trong chuyện này mình cũng có lỗi, còn yêu nên anh luôn tìm cách chữa lành. Mỗi xung đột nhỏ được thay bằng sự nhẫn nhịn, mối quan tâm. Nàng không phải gỗ đá nên đã có cái nhìn thiện cảm hơn với chồng.
Nửa tháng sau Thụy hỏi Hơn vợ anh đã về chưa? Hơn nói chưa. Thụy khoe vợ chồng đã làm lành. Thụy tiết lộ: “Hóa ra con cái, sự quan tâm và thấu hiểu là một phương thuốc anh ạ. Mà thuốc đó được bào chế bằng sự nhạy cảm của trái tim”. Hơn nói: “Tôi cũng hy vọng cô ấy sẽ về. Còn anh, anh hãy giữ thật chặt vào”.
Truyện ngắn của Hiền Phương