[Truyện ngắn] Bản sau làn mây trắng

[Truyện ngắn] Bản sau làn mây trắng
(PLVN) - Bản Mô nằm ở giữa lưng chừng núi Chúa, ngọn núi cao nhất với đỉnh nhọn hoắt như mũi dao chọc tiết lợn của gã đồ tể dưới chợ phiên. Nhưng chỉ ngày nắng mới nhìn thấy, còn ngày có mưa, có sương thì chịu, mà vùng này thì trong năm, ngày nắng chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

Bản Mô cách trung tâm xã Huổi Khon khoảng hơn năm cây số. Trưởng bản Mô là Mùa A Khăng ra tận ủy ban xã đón hai cô giáo. Quyên và Sóng theo chân Mùa A Khăng về bản xóa mù chữ cho bà con. Lúc lội ngang qua con suối Lũm chảy ngoằn nghèo dưới chân núi Chúa, trưởng bản Mùa A Khăng chỉ tay về phía bản rồi nói:

- Bản Mô kia kìa, hai cô giáo ạ. Còn mười quăng dao nữa là tới thôi mà.

Ngước nhìn theo tay trưởng bản Mùa A Khăng chỉ, Quyên và Sóng thấy một làn mây trắng muốt bay ngang sườn núi. Bao nhiêu nhà trình tường, bếp lửa, thóc lúa, lợn gà, trâu bò, người lớn, trẻ con… đều khuất sau làn mây trắng muốt ấy. Làn mây này vội vàng tan đi thì làn mây khác lại lũ lượt kéo đến, thành ra chẳng bao giờ nhìn thấy bản Mô từ phía chân núi Chúa. Bản Mô luôn cất giữ một điều bí mật cho những ai chưa đặt chân tới mà chỉ muốn ngắm nhìn từ xa. Quyên và Sóng thì khác, hai cô giáo sẽ gắn bó với bản Mô mù sương này, đến bao giờ thì cả hai cô giáo cũng chưa biết. Một năm, hai năm… hay cả tuổi thanh xuân rồi cũng sẽ trôi xa và tuổi già sầm sập về trước cửa. Đời người giáo viên cắm bản buồn hơn một tiếng thở dài, Quyên và Sóng đều đã nghe rồi. 

* * *

- Đây, hai cô giáo ở đây nhé – Trưởng bản Mùa A Khăng vừa mở khóa cửa nhà văn hóa bản vừa nói, mấy cái răng vẩu ố như màu nước chè thiu chìa ra cùng cười. Tí nữa xong thì lên nhà tôi ăn cơm, vợ nấu xong rồi. Nhà tôi chỗ mấy cái váy đang phơi kia. Cứ ở vài hôm sẽ quen ngay thôi mà. Thế nhá, cô giáo nhá!

Trưởng bản Mùa A Khăng đi rồi, Quyên đẩy cửa bước vào, bật công tắc. Bóng điện vàng vọt như ánh sáng lân tinh chiếu rọi khắp căn phòng nhỏ thiếu hơi người. Mùi ẩm mốc xộc lên. Một cái giường lát cũ kĩ có đủ chăn gối, một cái giá sách tre ọp ẹp chắc mới xin của một trường tiểu học, chỉ có khoảng chục bộ bàn ghế bằng gỗ xoan đào mới đóng, còn sực nức mùi gỗ tươi. Đây sẽ là chỗ ở, cũng là chỗ dạy học của Quyên và Sóng. Hai cô giáo chợt nhìn nhau, thoáng chút bối rối, thời gian như ngưng đọng lại trong tích tắc. Quyên lên tiếng phá vỡ bầu không khí tĩnh lặng đến rợn ngợp:

– Sóng, mày đi rửa mặt mũi trước đi, bọn mình còn xuống nhà trưởng bản kẻo họ chờ cơm.

– Ừ, mày tranh thủ sắp xếp đồ đạc đi. Chúng ta còn ở đây còn lâu mà, phải không Quyên nhỉ? – Quyên không nói gì cố nén một tiếng thở dài trong khi Sóng khẽ mỉm cười, một nụ cười buồn thật là buồn.

Sau mấy tiếng đồng hồ đi bộ rã chân, Sóng thấy mệt mỏi, mặt bợt như cánh hoa mua dầm mưa. Định rửa mặt mũi qua loa, nhưng thấy nước dẫn về từ máng tre bốc khói nghi ngút, Sóng đưa hai tay ra vốc nước, nước ấm quá. Sóng cởi quần áo vắt lên vách nhà tắm và cứ để nước máng xối thẳng lên tấm thân khỏa trần nõn nà. Nước chảy từ hai bầu ngực tròn lẳn qua vòng eo thắt đáy rồi đổ xuồng bờ mông căng đầy. Sóng thấy khoan khoái, dễ chịu quá. Những mệt mỏi trong lòng Sóng cũng tan đi cùng hơi nước. Bỗng Sóng thấy có ai đó đang nhìn mình phía sau liền hỏi thật to:

– Ai đấy? Tôi kêu lên bây giờ.

Không có ai trả lời. Đáp lại Sóng là màn đêm tĩnh mịch và nước róc rách chảy. Sóng bất ngờ quay lại. Một đôi mắt bắt ánh điện sáng rực như mắt mèo hoang đang chằm chằm nhìn cô qua ô cửa sổ trên vách nứa. Sóng hét lên thất thanh. Đôi mắt biến mất sau màn đêm, và tiếng những bước chân gấp gáp xa dần rồi chìm vào yên lặng. Sóng vội mặc quần áo chạy ra ngoài thì Quyên cũng vừa chạy đến. Sóng ôm chầm lấy Quyên mặt như con gà vừa bị cắt tiết:

– Có ai đó vừa rình tao mày ạ! Tao sợ quá!

– Không sao đâu. Có tao đây rồi. Lần sau tao với mày tắm chung, xem còn ai dám rình nữa không? – Quyên vỗ nhẹ vào vai Sóng an ủi trong lúc Sóng vẫn đang run cầm cập vì còn chưa hết sợ hãi.

* * *

Lớp học xóa mù chữ cho bà con bản Mô lúc đầu chỉ có vài ba người học, sau đông dần lên, bây giờ lớp đã có hơn hai chục người. Lớp học vào buổi tối vì ban ngày mọi người còn phải đi làm nương rẫy. Quyên và Sóng thay nhau dạy, hoặc cả hai cùng dạy. Dạy cho trẻ con chưa biết chữ đã khó, dạy cho người lớn chưa biết chữ càng khó khăn hơn.

Cô giáo khi nóng có thể quát trẻ con vài câu chứ người lớn thì không, họ bỏ về ngay, mai có đến vận động thế nào họ cũng không bao giờ đi học nữa. Còn ban ngày Quyên và Sóng lại chia nhau xuống từng nhà vận động người mới chưa biết chữ ra lớp, người cũ mới biết chữ có nguy cơ bỏ lớp tái mù chữ. Dấu chân của hai cô giáo đã mòn vẹt, nhẵn thín cả những mỏm đá tai mèo cứ mỗi năm lại mọc nhú thêm trên những con dốc của bản Mô chằng chịt như lanh rối. Người già trong bản bảo đá tai mèo biết mọc lên còn đất thì biết lụi đi đấy, chẳng biết có phải không. Sau mỗi mùa mưa đất lụi đi, họ phải cõng đất lên đổ vào những hốc đá thì khi gieo hạt ngô mới nảy mầm.

Nhớ lại hôm đầu tiên đi vận động học sinh ra lớp. Sóng và Quyên đến nhà của lão Tráng Seo Sèng, một cái nhà trình tường, cột gỗ, lợp ngói âm dương to nhất bản Mô nằm chềnh ềnh trên một quả đồi mâm xôi. Muốn vào nhà của lão Tráng Seo Sèng phải bước qua cầu thang chín bậc đá xanh đẽo nguyên khối, phải chui qua tấm vải hồng treo giữa cửa chính, phải vái ba vái tượng ma xó tạc bằng gỗ gù hương đặt nơi góc nhà thì nó mới mời uống nước, tiếp chuyện. Trưởng bản Mùa A Khăng đã mách nước với hai cô giáo như vậy trước khi đến nhà vận động lão Tráng Seo Sèng đi học xóa mù chữ.

Tráng Seo Sèng người thấp, nhỏ thó, mặc quần dúm đít nhưng lại rất tinh quái. Lão ta đươc coi là khôn lanh nhất tuy một chữ bẻ đôi không biết. Tráng Seo Sèng có của ăn, của để không phải bởi lão chăm làm, chịu khó mà vì Tráng Seo Sèng là trưởng một nhóm đạo lạ ở bản Mô này. Nghe đâu người ở tận mạn Cao Bằng, Tuyên Quang chu cấp cho gia đình lão một cuộc sống sung túc, dư dả như vậy để truyền đạo như dỡ bỏ bàn thờ truyền thống, không làm vẫn có ăn, không học cũng biết chữ, dùng thuốc lá thay cho thuốc tây, tổ chức lễ gọi vía, cầu hồn cho mọi người khỏi ốm đau, người đến lễ phải mang chè, thuốc lá, tiền nộp cho chủ lễ, người chết để trong nhà bảy ngày, lấy người trong cùng dòng tộc để bảo tồn nòi giống.

Thấy hai cô giáo đến lão Tráng Seo Sèng cất giọng ngọng ngạnh:

– Hai cô giáo muốn tôi đi học chữ thì phải uống hết một bát rượu ngô. Còn muốn tôi bỏ đạo thì phải uống hết mười bát rượu ngô. Có dám uống không thế?

– Được, tôi sẽ uống hết một bát rượu ngô. Ông Sèng nhớ giữ lời hứa đi học chữ đấy. Còn cả bản Mô này nếu chẳng ai theo đạo nữa thì ông có theo không, vì vậy tôi không cần uống mười bát rượu ngô mà ông vẫn sẽ bỏ đạo thì tôi cần gì phải uống nữa – Sóng quả quyết chắc nịch.

Lão Tráng Seo Sèng giận tím ruột trong lúc Sóng bưng bát rượu ngô còn ấm do vợ hắn vừa mới cất uống ừng ực một hơi trơ đáy. Quyên tròn mắt ngạc nhiên còn chưa kịp can ngăn Sóng. Sóng ngửa bát rượu vừa uống, không rơi một giọt nào rồi đặt mạnh xuống bàn bảo Quyên ra về nhưng vẫn ném vào người Tráng Seo Sèng một câu sắc như cật nứa:

– Người Mông ta chỉ nói một lời, đừng nói hai lời ông Sèng ạ.

* * *

Quyên và Sóng thấy rất vui vì hôm nay vừa vận động được người già nhất bản đi học là ông Cư Chẩn Thền. Ông Thền ngày trước đi lính cho Pháp vì mông muội, thiếu hiểu biết. Và việc ông Cư Chẩn Thền đi học sẽ là động lực để nhiều người nữa tự nguyện đi học vì hôm qua Quyên đi phía sau đã nghe hai người đàn bà bản Mô lưng gùi măng xuống chợ phiên, tay xe lanh, miệng thở ra khói nói với nhau qua màn sương: “Này, ông Cư Chẩn Thền già thế mà còn đi học lớp xóa mùa chữ đấy. Sao mình trẻ hơn mà lại không đi học nhỉ? – Ừ, phải đấy, lại thua cả ông già Cư Chẩn Thền là không được rồi”. 

Và rồi, Quyên và Sóng chợt nắm chặt tay nhau vì sắp đi qua rừng ma của bản, không nói nhưng ai cũng biết. Còn bé, Sóng đã nghe bà nội kể về rừng ma, đi qua đấy vào ban đêm sẽ nghe thấy tiếng cười lanh lảnh của ma trẻ con, tiếng ru ai oán của ma đàn bà, tiếng say lè nhè của ma đàn ông, tiếng ho khù khụ thì đích thị là của ma người già đấy. Nên bà nội dặn đi đêm phải cầm theo củ tỏi để ma rừng, quỷ núi không dám đến gần mình. Bóng tối, cây cối, núi rừng và gió từ dưới thung lũng duềnh lên như đang bủa vây và muốn nuốt chửng hai cô giáo mỏng manh như lá lúa. Bỗng Sóng mở mắt nhìn sang ven đường, một bóng người áo trắng đang đung đưa như bay lượn trên không trung, hai con mắt xanh lè chập chờn nhảy múa. Sóng chỉ tay rồi rú lên kinh hãi:

– Ôi, ma.

Quyên giật thót soi đèn pin về hướng tay Sóng chỉ thì nhìn thấy một đứa trẻ con mặc áo trắng rộng thùng thình. Quyên nhanh trí soi thẳng đèn pin vào mặt đứa trẻ con khiến nó vội giơ hay tay lên che mặt. Nó không phải mặc áo trắng mà mặc cái bao tải hay dùng để đựng ngô sắn, trông như một con bù nhìn canh ruộng đậu tương. Quyên chạy vụt lên phía trước trước ôm chặt đứa trẻ con đang đứng cạnh mấy ngôi mộ cắm cờ giấy trắng phất phơ trong gió. Sóng hớt hải chạy theo. Thằng bé bất ngờ giằng mạnh bỏ chạy trước khi Sóng kịp nhận ra là thằng Tráng Seo Hảng, con trai út của ông Tráng Seo Sèng.

– Sao nó dọa ma mình nhỉ? – Sóng thắc mắc.

– Chắc chắn bố nó xui để chúng ta sợ hãi mà bỏ cuộc đấy. Nhưng còn lâu nhé, chúng ta sắp hoàn thành nhiệm vụ được giao rồi, Sóng ạ – Quyên hồ hởi.

* * *

Lớp học xóa mù chữ đã bế giảng. Cả bản Mô đều biết chữ, bà con có thể đọc được thông báo trên bản tin đặt ở sân nhà văn hóa, có thể viết được bản tự khai khi đi làm chứng minh nhân dân. Tết này, bàn thờ tổ tiên dán lông gà, giấy đỏ được lập lại trong nhà người Mông. Ma chay, cưới hỏi đều theo nếp sống văn hóa mới như đám ma bà cụ Dín để đến hôm sau rồi đem chôn, rồi đám cưới con trai nhà Lừu Seo Chá không mổ trâu, mổ lợn linh đình mà ăn bánh kẹo cho tiết kiệm. Hai cô giáo đã dời bản Mô để đi dạy ở bản khác.

Sáng nay, trưởng bản Mùa A Khăng được ủy ban huyện khen thưởng vì đã vận động người dân bản Mô đi học xóa mù chữ, không theo đạo lạ. Lúc lên nhận giấy khen và phần thưởng, trưởng bản Mùa A Khăng nghe rõ mồn một lời của người trong ban tổ chức phát qua loa “Sau đây xin mời các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc lên bục danh dự: Phạm Hồng Quyên – Cán bộ Công an huyện, Ma Thị Sóng – Cán bộ ban Dân vận Huyện ủy, Mùa A Khăng – trưởng bản Mô…”. Trưởng bản Mùa A Khăng thấy ngạc nhiên quá, lạ lẫm quá tưởng mình đang ngủ mơ sau một trận rượu say bí tỉ nhà đám. Cô Quyên mặc quân phục màu xanh lá mạ trang nghiêm, cô Sóng mặc đúng váy Mông hoa truyền thống. Hai cô giáo trông đẹp quá với hồi còn cắm bản. Cô Quyên thấy trưởng bản Mùa A Khăng bước lên sân khấu khẽ cúi đầu chào, còn cô Sóng cứ nắm tay trưởng bản không rời trong tiếng vỗ tay như pháo ran của mọi người bên dưới hội trường. Trưởng bản Mùa A Khăng là người đầu tiên trong bản biết chữ thế mà tự thấy đầu óc mình vẫn còn u tối lắm, nhưng không ai nói thì làm sao biết được chứ. Trưởng bản Mùa A Khăng vui lắm cứ cười suốt một mình trên đường về bản Mô, nụ cười thật tươi với những chiếc răng chìa ra. Đường về bản Mô đầy nắng, vàng như mật ong…

Tin cùng chuyên mục

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận có cống hiến to lớn cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. (Ảnh: Tư liệu)

'Cánh chim đầu đàn' của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam

(PLVN) - Được biết đến là người tiên phong trong sáng tác nhạc cách mạng, nhạc sĩ - chiến sĩ Đỗ Nhuận sở hữu kho tàng những tác phẩm âm nhạc cách mạng bất hủ, sống mãi với thời gian. Ngày nay, trong các buổi hòa nhạc hay đêm nhạc tôn vinh trang sử hào hùng và chói lọi của dân tộc Việt Nam, âm nhạc của ông vẫn vang lên như ngọn lửa bất diệt của lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc.

Đọc thêm

NSND Mai Hoa ra mắt đĩa than “Nốt trầm”

“Nốt trầm” không chỉ là một phong cách âm nhạc mà còn là thương hiệu giọng hát của NSND Mai Hoa (ảnh BTC).
(PLVN) - “Nốt trầm” không chỉ là một phong cách âm nhạc mà còn là thương hiệu giọng hát của NSND Mai Hoa. NSND Mai Hoa thích hát những bài buồn, nhưng là buồn ánh lên tia hy vọng, ánh lên niềm lạc quan về cuộc sống chứ không phải buồn não nề, bi ai.

"Hoa hậu Việt Nam năm 2024" góp phần nhân lên niềm tự hào dân tộc

Các Hoa hậu: Tiểu Vy, Ngọc Hân, Đỗ Thị Hà, Đỗ Mỹ Linh cùng hội ngộ (ảnh BTC).
(PLVN) - Được thiết kế chuỗi hoạt động giàu tính thực tế, đậm chất nhân văn, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2024 sẽ góp phần nhân lên niềm tự hào dân tộc, lan tỏa lòng nhân ái và khát khao chinh phục những đỉnh cao mới trong mỗi người dân đất Việt, để từ đó làm "Rạng rỡ Việt Nam".

Nguyễn Mộc An dành Quán quân "Tiếng hát Hà Nội 2024"

Thí sinh xứ Nghệ Nguyễn Mộc An đã giành giải thưởng cao nhất của cuộc thi (ảnh BTC).
(PLVN) - Tối 25/12/2024 tại Nhà hát Hồ Gươm, Chung kết cuộc thi Tiếng hát Hà Nội 2024 do Đài Hà Nội tổ chức đã diễn ra với 15 thí sinh tranh tài. Với ca khúc "Lời ru" (sáng tác: Quang Thái) và "Mênh mang một khúc sông Hồng" (sáng tác: Phó Đức Phương), thí sinh xứ Nghệ - Nguyễn Mộc An đã giành giải thưởng cao nhất của cuộc thi.

Cần “luồng gió mới” cho phim truyền hình Việt Nam

Cần “luồng gió mới” cho phim truyền hình Việt Nam
(PLVN) - Sau giai đoạn thành công với các bộ phim về đề tài gia đình, phim truyền hình Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn khi các mô típ quen thuộc dần trở nên nhàm chán. Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của những tác phẩm khai thác các đề tài mới mẻ cho thấy tín hiệu đáng mừng, khẳng định sự cần thiết của một “luồng gió mới” để làm phong phú mảng phim truyền hình và đáp ứng nhu cầu khán giả hiện nay.

Triển lãm “Thiên Quang” - câu chuyện ánh sáng đất trời Thăng Long

Triển lãm truyền tải ý nghĩa về ánh sáng đất trời, tri thức, văn hóa và lịch sử lâu đời đất Thăng Long (ảnh P.V)
(PLVN) - Triển lãm “Thiên Quang” khai thác câu chuyện về ánh sáng thiêng liêng của trời và đất soi chiếu Thăng Long - nơi hội tụ văn hóa, lịch sử và tinh hoa nghề thủ công truyền thống diễn ra tại khu Thái Học, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Từ ngày 22/12/2024 đến ngày 25/3/2025

Câu chuyện thoát nghèo của người phụ nữ Mường chinh phục Liên hoan phim quốc tế

Chị Bùi Thị Thu Huyền cầm trên tay hai chiếc cúp danh dự của Liên hoan phim SineMaya 2024. (Ảnh: TYM)
(PLVN) - Những ngày cuối năm 2024, tin vui đã đến khi bộ phim ngắn mang tên “Escaping Poverty: A Story of a Muong Woman Supported by TYM” được xây dựng dựa trên câu chuyện có thật của chị Bùi Thị Thu Huyền, một phụ nữ dân tộc Mường sống tại Thanh Sơn, Phú Thọ, đã đạt giải tại Liên hoan phim quốc tế SineMaya 2024. Bộ phim gây ấn tượng khi chị Huyền và các thành viên trong gia đình tự đóng vai chính, mang đến cảm xúc chân thực và sâu sắc.

Cuộc đời buồn của 'ông hoàng bolero' Trúc Phương

Những bản nhạc sầu thương đã vận vào đời nhạc sĩ Trúc Phương. (Nguồn: Amnhac.net)
(PLVN) - Nhạc sĩ Trúc Phương nổi tiếng khoảng những năm 60 của thế kỷ trước với dòng nhạc bolero uyển chuyển, hấp dẫn. Mỗi câu hát, lời ca của ông đều gắn liền với thân phận con người trôi nổi, đau thương, buồn khổ. Có lẽ, âm nhạc đã vận vào cuộc đời của nhạc sĩ Trúc Phương “chữ tài đi với chữ tai một vần”.

Các thí sinh với trang phục dân tộc tại bán kết 'Hoa hậu Thương hiệu Việt Nam 2024'

Các thí sinh với trang phục dân tộc đại diện cho bản sắc văn hoá của 54 dân tộc anh em. (ảnh BTC)
(PLVN) - Các thí sinh với trang phục dân tộc đại diện cho bản sắc văn hoá của 54 dân tộc anh em. Tiết mục đã khiến tất cả mọi người trong như vừa được sống lại với không khí hào hùng và mang đầy hào khí của dân tộc Việt Nam qua hơn 4.000 năm lịch sử tại đêm Bán kết “Hoa hậu Thương hiệu Việt Nam 2024 - Miss Brand VietNam 2024” vừa diễn ra tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.