Truy 'thủ phạm' tạo những 'khung trời tím' Hà Nội

Bao giờ có thể “bắt bệnh” cho ô nhiễm không khí ở Hà Nội? (Ảnh minh họa)
Bao giờ có thể “bắt bệnh” cho ô nhiễm không khí ở Hà Nội? (Ảnh minh họa)
(PLVN) - Tình trạng chất lượng không khí đô thị tại Hà Nội hay TP HCM khiến người ta luôn đặt câu hỏi “rút cục thì những ô nhiễm đó gồm những chất gì ngoài bụi mịn”? Không khí Hà Nội ô nhiễm ở mức nào? Ô nhiễm do đâu?

Nhiều người cho rằng bụi mịn “nhập ngoại” từ phương Bắc khi gió mùa đông bắc về… Tuy nhiên, khi mà chúng ta chưa có những nghiên cứu và công bố cụ thể, thì ô nhiễm không khí dù được cảnh báo ở mức tốp đầu thế giới như ở Hà Nội, việc “bắt bệnh” mãi là câu chuyện dài…

Ô nhiễm không khí tốp đầu thế giới?

Trong khoảng một vài tháng gần đây, có thời kỳ trời không mưa, thì trong một tuần có đến 4-5 ngày mức độ bụi mịn ở Hà Nội đã được báo lên tới mức có hại cho sức khỏe, phải hạn chế các hoạt động ở ngoài trời. Cũng theo trang dự báo chất lượng không khí Air Visual, đã có những ngày Hà Nội được xếp vào trong nhóm những thành phố ô nhiễm không khí bậc nhất trên thế giới. 

Vấn đề gì đang xảy ra với Hà Nội? Khi mà thành phố đang nỗ lực cải thiện không khí thông qua tiến hành nhiều giải pháp như hạn chế đốt rơm rạ, loại bỏ bếp than tổ ong, đẩy mạnh trồng cây xanh…

Những thông số cho thấy, lúc 7h15 sáng 5/1, trên hệ thống cảm biến chất lượng không khí PAM Air tại khu vực Hà Nội, các điểm đo phổ biến hai màu tím và nâu, tượng trưng cho chất lượng không khí ở mức “Rất xấu” và “Nguy hại”.

Cùng thời điểm, tại các điểm quan trắc cố định về chất lượng môi trường của Sở Tài nguyên-Môi trường Hà Nội cũng cho chỉ số chất lượng không khí (AQI) lên tới 240, mức “Rất xấu” khiến mọi người đều bị ảnh hưởng tới sức khỏe nhiều hơn. Chỉ số AQI ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội cũng ở mức “Xấu”, trong đó các khu vực Minh Khai, Trung Hòa-Cầu Giấy, 57 Trần Hưng Đạo, Pháp Vân-Tứ Hiệp... đều có chỉ số chất lượng không khí ở mức “Rất Xấu”.

Trước đó, ngày 30/12/2020, Bộ Tài nguyên-Môi trường đã công bố nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP HCM là do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả kết hợp với yếu tố thời tiết bất lợi trong giai đoạn giao mùa.

Bởi ô nhiễm không khí ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc đã trở thành quy luật trong dịp cuối năm. Theo đó, thời gian xuất hiện ô nhiễm không khí với chỉ số AQI giờ ở mức cao tiếp tục diễn ra chủ yếu vào ban đêm vào sáng sớm. Nguyên nhân, do kết hợp của các yếu tố như lặng gió, nghịch nhiệt, đối lưu khí quyển thấp làm cho các chất ô nhiễm không thể phát tán lên cao hoặc đi xa.

Dự kiến trong thời gian tới chất lượng môi trường không khí tại các đô thị phía Bắc vẫn còn ở mức “xấu”. Một số đợt ô nhiễm không khí có thể sẽ tiếp tục diễn ra, vì vậy Tổng cục Môi trường khuyến cáo người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin về ô nhiễm không khí để có các biện pháp ứng phó, giảm thiểu tác động. Khi tình trạng ô nhiễm không khí diễn ra nên hạn chế các hoạt động ngoài trời vào ban đêm và sáng sớm, đóng các cửa sổ và cửa ra vào, sử dụng loại khẩu trang ngăn được bụi mịn.

Ai cũng là “thủ phạm”?

Những nghiên cứu sớm nhất của GS Phạm Duy Hiển (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) chỉ ra rằng ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã tồn tại từ lâu. Chỉ là chúng ta không thể “mắt thấy, tai nghe, tay sờ, lưỡi nếm” như các loại ô nhiễm đất hay ô nhiễm nước nghiêm trọng khác khiến mọi người ít ý thức về vấn đề này.

 PGS.TS Nghiêm Trung Dũng (Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường INEST, ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết: bụi PM 2.5 và bụi nano có thể đi vào phổi, vào máu và đi khắp cơ thể, do vậy mức độ quan tâm về ô nhiễm các loại bụi này đang ngày càng tăng.

Theo PGS Nghiêm Trung Dũng, chừng nào chúng ta chưa xác định được nguồn thải chính, chừng đó công tác phòng chống ô nhiễm còn gian truân bởi không thể “bắt được đúng bệnh”. Ông cũng nhấn mạnh một trong những lý do vì số lượng các nghiên cứu còn rất mỏng, cả về thời gian lẫn số lượng các địa điểm được đo đạc. 

Trong khi đó, TS Hoàng Dương Tùng cho biết việc kiểm kê phát thải là việc làm định kỳ trong khoảng 3 đến 5 năm, xem xét mỗi nguồn phát thải đóng góp bao nhiêu phần trăm. Để làm được điều đó, rất tốn kém để tiến hành lấy số liệu, đo đạc.

Còn GS. Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam khẳng định: hai nguồn chính gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội là bụi từ hoạt động giao thông và xây dựng. Chỉ cần diệt được hai nguồn bụi này, không khí ở Hà Nội sẽ trong sạch.

Tuy nhiên, việc loại bỏ xe hết hạn sử dụng có góp phần cải thiện không khí Hà Nội? Chúng ta cần lưu ý vấn đề gì khi xử lý xe hết hạn sử dụng, khi nó đang là công cụ mưu sinh của người lao động thu nhập thấp? 

Trả lời câu hỏi, PGS.TS Nghiêm Trung Dũng cho rằng để biết nên loại bỏ như thế nào thì phải nghiên cứu rất kĩ để đảm bảo quyền lợi của nhiều người. Tuy nhiên, ông ủng hộ giải pháp thay thế, hỗ trợ kinh tế. Nếu chúng ta tăng số lượng xe công cộng, cải thiện dịch vụ, có trợ giá, thì người dân sẽ chuyển sang đi xe công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân hoặc chuyển sang các loại xe có tiêu chuẩn khí thải cao hơn như EURO 4.

Song theo TS Hoàng Dương Tùng thì không ai có thể thu hồi xe được, bởi không có khung pháp lý cho việc thu hồi tài sản cá nhân. Bất chấp những xe máy ấy dù đã rất cũ, gây ô nhiễm, nhưng chúng ta lại không có quy định để định nghĩa thế nào là xe thải bỏ, không được lưu hành. Nhưng bằng cách tiếp cận khác có thể hạn chế được việc lưu hành các loại xe này, chẳng hạn như đặt ra tiêu chuẩn khí thải để cho phép xe được chạy trên đường.

Ông cho rằng chính quyền nên có quy định kiểm tra khí thải, niên hạn sử dụng xe máy. Nếu công bố mức kiểm tra khí thải 50.000 đồng/năm thì người nghèo có thể vẫn sẽ chi trả được. Đây là điều mà TP. HCM đang bắt đầu triển khai từ năm 2020. 

Còn GS Hoàng Xuân Cơ, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội), mỗi người đều đã có câu trả lời cho riêng mình, đó là Hà Nội đặc biệt ô nhiễm. Tuy nhiên, theo ông, nguyên nhân lớn nhất gây ô nhiễm không khí là do sự phát triển đô thị.

Các công trình xây dựng ở nội thành, ngoại thành Hà Nội, và ở các thành phố vệ tinh tăng lên rất nhiều. Dân số tăng lên, phương tiện giao thông cũng tăng lên. “Chúng ta biết Hà Nội đang ô nhiễm không khí, nhưng chúng ta chưa nhận ra mình là thủ phạm”. Bên cạnh đó, ông cho rằng rất ít nhà quản lý đưa ra được lời giải thích khiến người dân có thể thỏa mãn, và đây nên là trách nhiệm quan trọng của các nhà quản lý trong việc cải thiện môi trường. 

Ngoài ra, có nhiều ý kiến cho rằng gió mùa Đông Bắc thổi từ Trung Quốc mang bụi mịn sang Việt Nam? Theo PGS.TS Nguyễn Thị Nhật Thanh, ô nhiễm không khí (ONKK) ở Hà Nội đã có từ lâu chứ không phải đến bây giờ mới có.

Những nghiên cứu đầu tiên là của TS Phạm Duy Hiển (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt), từ đầu những năm 2000 chỉ ra rằng khi đó dù chúng ta chưa phát triển mạnh nhưng nồng độ bụi PM2.5 đã cao. TS. Thanh cũng cho biết có một số nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng không khí Việt Nam có thể bị ảnh hưởng bởi các nước xung quanh, đặc biệt là hoạt động đốt rơm rạ hay cháy rừng.

Bổ sung thêm cho ý kiến này, TS Hoàng Dương Tùng cho biết cần kiểm chứng thêm thông tin về gió mùa Trung Quốc. Có thể đặt trạm quan trắc dọc biên giới để bắt được chất ô nhiễm, sau đó trải qua nhiều quá trình thì mới đưa ra khẳng định chắc chắn được.

Theo ông, nghiên cứu về ONKK không đơn giản như ô nhiễm nguồn nước, bởi không khí thì rộng khắp, còn nước thì chảy dọc theo thượng nguồn - hạ nguồn. Các bài toán dự báo cũng thế, chúng ta vừa không có số liệu, mà để tiến hành thì cũng rất phức tạp.

Trả lời câu hỏi đã có nghiên cứu nào về ONKK trong nhà hay chưa? TS Hoàng Dương Tùng cho biết nghiên cứu không khí xung quanh đã ít, nghiên cứu không khí trong nhà còn ít hơn. ONKK trong nhà bắt nguồn từ những thứ như sơn tường, các hoạt động nấu nướng, quét dọn, hay thậm chí là ở không sạch sẽ, có rất nhiều nguồn mà chúng ta không ngờ tới.

Còn theo PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, các nước đã quan tâm đến ONKK trong nhà từ 40 năm trước. Tuy nhiên, Việt Nam thì rất ít nghiên cứu liên quan. Nếu trong nhà có nguồn thải thì nhiều khi mức độ ô nhiễm còn cao hơn ngoài trời nhiều lần vì đó là không gian kín. Ông cũng thông tin thêm rằng, trường Bách Khoa HN đã dạy về không khí trong nhà hơn 10 năm trở lại đây.

Nhà quản lý cần số liệu để phục vụ cho việc quản lý chất lượng môi trường không khí quốc gia; nhà nghiên cứu dùng rất nhiều loại dữ liệu khác nhau để nghiên cứu, tìm ra quy luật của chúng và đưa ra những công cụ tiếp theo, phục vụ cho vấn đề quản lý; còn cộng đồng cần dữ liệu đã qua xử lý như dưới dạng chỉ số ô nhiễm để có thể hiểu được chất lượng môi trường không khí nơi mình sinh sống như thế nào.

Nhưng sau hơn 20 năm kể từ khi xuất bản những nghiên cứu đầu tiên về ô nhiễm không khí ở Hà Nội cũng như một số vùng lân cận, các nhà khoa học Việt Nam vẫn còn chật vật để có dữ liệu đầu vào…

Đọc thêm

Đừng để rừng già trở thành điều “từng là”...

Hoa hậu H’Hen Niê đã góp 1.000 cây cho rừng Bến En trích từ cát xê lần đi hát đầu tiên. (Ảnh: Gaia).
(PLVN) - Xin trích lời bài hát “Nhạc của rừng” của ca sĩ Đen Vâu đã và đang đứng top thịnh hành nhiều bảng xếp hạng âm nhạc và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ khán giả làm tiêu đề cho bài viết này. Tháng 3/2024, Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh do hạn chế mất rừng và suy thoái rừng. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán này.

Trắng đêm dập lửa cứu 40ha rừng tràm ở Cà Mau

Hiện trường vụ cháy cập nhật chiều nay (11/4). Ảnh: Trọng Nghĩa
(PLVN) - Gần 600 người được huy động từ lực lượng vũ trang, kiểm lâm và các lực lượng liên quan nỗ lực xuyên đêm để dập hỏa hoạn tại rừng tràm ở Nông Trường 402, ấp Cơi 6B, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau...

Thời tiết đáng chú ý sắp tới

Ảnh minh họa: Ngọc Nga
(PLVN) - Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, thời gian tới áp thấp nóng phía Tây hoạt động mạnh dần nên nắng nóng có xu hướng gia tăng nhiều hơn tại khu vực Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ.

Đám cháy rừng tràm ở Cà Mau cơ bản được khống chế

Đám cháy rừng tràm ở Cà Mau cơ bản được khống chế
(PLVN) - Liên quan đến vụ cháy rừng tràm của Nông trường 402 (trên địa bàn xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời), sáng 11/4, lãnh đạo tỉnh Cà Mau chỉ đạo đơn vị, lực lượng chức năng tiếp tục trực tại hiện trường để kịp thời xử lý các điểm có thể cháy trở lại; điều tra làm rõ nguyên nhân cháy, kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định pháp luật...

Quyết liệt xử lý tình trạng lấn chiếm bãi triều ở Móng Cái sau bài phản ánh của Báo Pháp luật Việt Nam

Khu vực biển Cống Cách, xã Vĩnh Trung trở nên thoáng đãng sau cưỡng chế nuôi trồng trái phép. Ảnh: Quang Hà
(PLVN) - Sau bài phản ánh “Lo mất chốn mưu sinh vì hàng trăm héc – ta bãi triều ở thành phố Móng Cái bị lấn chiếm, phân lô’’ đăng trên Báo Pháp Luật Việt Nam, chính quyền thành phố Móng Cái đã có những chỉ đạo quyết liệt, tổ chức kiểm tra vùng biển Hòn Thỏ (xã Vĩnh Trung) và các khu vực có hoạt động nuôi trồng trái phép khác. Móng Cái cũng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án giao mặt nước để nuôi trồng thuỷ sản cho các hộ dân.

Truy tận gốc nguồn xả rác ra biển

Ảnh minh họa (Ảnh: vnbusiness.vn).
(PLVN) - Ngay từ tháng 9/2023, khi công nhận quần thể vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là Di sản thế giới, Ủy ban Di sản Thế giới thuộc UNESCO đã bày tỏ lo ngại về vấn đề ô nhiễm rác thải tại khu di sản và kêu gọi tăng cường biện pháp giải quyết.

1 tháng cả nước xảy ra hơn 350 vụ cháy

Vụ cháy xảy ra ngày 5/4 tại Hà Nội.

(PLVN) - Trong 354 vụ cháy, có 144 vụ nguyên nhân do sự cố hệ thống điện. Do việc điều tra nguyên nhân cháy rất khó khăn nên có tới 151/354 vụ chưa kết luận được nguyên nhân.

Cháy hàng chục ha rừng tràm tại Cà Mau

Cháy hàng chục ha rừng tràm tại Cà Mau
(PLVN) - Vụ cháy gây thiệt hại khoảng 40ha rừng sản xuất và đang có nguy cơ cháy lan sang khu vực 100ha. Lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo.