Lễ truy tặng Huân chương Sao vàng cho cụ Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947) nguyên Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, diễn ra sáng nay, tại huyện Tiên Phước, Quảng Nam.
Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: “Cuộc đời và sự nghiệp của cụ Huỳnh Thúc Kháng thật là to lớn. Ngay từ khi còn đi học, cụ đã nuôi một ý chí muốn cứu dân, cứu nước, mà con đường của cụ chọn là trí thức, tư tưởng của cụ muốn có độc lập phải có tư tưởng độc lập, muốn có độc lập phải có trí não phán đoán để phát triển năng lực của mình; muốn có tư tưởng tự do thì tâm trí phải biết tự lập, tự lập nghĩa là tự mình xét, tự mình tin..."
Lễ truy tặng Huân chương Sao vàng của Đảng, Nhà nước cho cụ Huỳnh Thúc Kháng. |
Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong thời gian bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà tù Côn Đảo, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã công khai tuyên chiến với kẻ thù của dân tộc: “Tôi là nhà cách mạng công khai, tôi đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc Việt Nam một cách công khai, vì đất nước Việt Nam có biên cương, lãnh thổ công khai trên bản đồ thế giới nên tôi cũng công khai nói lên tiếng nói của người Việt Nam yêu chuộng hoà bình, độc lập, tự do và tự chủ. Do đó, tôi thách đố mọi sự trừng phạt và hiểm nguy đến với cá nhân tôi”.
Đánh giá cao về tài năng lãnh đạo đất nước của cụ Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: “Cụ Huỳnh Thúc kháng là người lãnh đạo khôn khéo, có tài ứng phó, đối nội, đối ngoại, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cẩn giao phó trách nhiệm Quyền Chủ tịch nước khi đi công tác dài ngày. Với cương vị được giao, cụ đã gánh vác trọng trách, ủng hộ Đảng cộng sản Việt Nam, ứng phó với muôn vàn khó khăn khi đất nước vừa mới độc lập, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời, cụ đã thẳng tay trừng trị các phần tử phản động trong tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng đang âm mưu cấu kết với quân Tưởng hòng lật đỗ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mới được thành lập”.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng còn là một nhà sử gia của phong trào cách mạng, đặc biệt cụ đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị, nhiều nguồn tư liệu quý cho lịch sử nước nhà, trong đó có những chứng cứ liên quan đến quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam chúng ta.
Chủ tịch nước nhắc lại bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào cả nước lúc cụ Huỳnh Thúc Kháng vừa tạ thế: “Cụ Huỳnh là người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao vì lòng yêu nước mà trước đây cụ bị bọn thực dân làm tội đày ra Côn Đảo, mười mấy năm trường gian nan cực khổ nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của cụ Huỳnh chẳng những không sờn mà lại thêm cương quyết. Cụ Huỳnh là người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”.
Cuối cùng, Chủ tịch nước khẳng định, buổi lễ trang trọng truy tặng Huân chương Sao vàng, phần thưởng thưởng cao quí của Đảng, Nhà nước cho cụ Huỳnh Thúc Kháng là một sự ghi nhận, đền đáp công lao to lớn của cụ Huỳnh Thúc Kháng đối với sự nghiệp cách mạng, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam và tộc họ Huỳnh xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước.
Sáng cùng ngày, Chủ tịch nước đã đến thăm và dâng hương tại nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng ở xã Tiên Cảnh.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng sinh ngày 1/10/1876 tại làng Thạnh Bình, nay là xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam trong một gia đình nho học gốc nông dân.
Ngày 31/5/1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy nhiệm làm Quyền Chủ tịch nước. Trước khi đi ra nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh nắm tay cụ Huỳnh Thúc Kháng nói: “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở cụ cùng với anh em giải quyết. Mong cụ “dĩ bất biến, ứng vạn biến” lấy cái không thay đổi để ứng phó với muôn sự thay đổi”.
Thiên Thanh